Tân Yên: Nâng giá trị sản xuất nông nghiệp nhờ ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật mới

Bình luận · 20 Lượt xem

BẮC GIANG - Nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thời gian qua, huyện Tân Yên (Bắc Giang) tăng cường ứng dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào canh tác. Qua đó, tăng thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao hiệu quả

Tăng năng suất cây trồng

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tân Yên duy trì 62 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao (CNC). Các mô hình tập trung vào xây dựng nhà lưới, nhà màng, lắp đặt hệ thống tưới tự động, dùng chế phẩm sinh học chăm sóc cây trồng. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, khẳng định thương hiệu nông sản trên thị trường. Năm 2024, giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Tân Yên đạt 5.259 tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước, trong đó, nông nghiệp tăng 2,1%.

Lãnh đạo xã Liên Sơn tham quan mô hình trồng dưa trong nhà lưới của gia đình ông Nguyễn Văn Cảnh, thôn Dương Sơn.

Điển hình như mô hình trồng dưa lê Hàn Quốc và trồng dưa ánh sao Đài Loan trong nhà lưới của hộ ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Dương Sơn (xã Liên Sơn) với diện tích 2.000 m2, tổng kinh phí đầu tư 600 triệu đồng. Nhà lưới giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng; hệ thống tưới nhỏ giọt tự động đã giúp giảm công lao động, nước tưới đều, tiết kiệm nước.

Nhờ đó, cây trồng của gia đình ông Cảnh luôn xanh tốt mà không phải dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật, cho thu hoạch cao gấp 2-3 lần so với canh tác ngoài trời. Không chỉ năng động làm giàu cho bản thân, ông Cảnh còn giúp đỡ các hội viên nông dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật, vốn sản xuất, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Ông Lê Chiến Chinh, Bí thư Đảng ủy xã Liên Sơn cho biết: “Gia đình ông Cảnh là hộ tiên phong trong việc áp dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. Đây là mô hình điểm của xã về phát triển KT - XH. Thời gian tới, xã tiếp tục tuyên truyền, tạo điều kiện cho các hộ xây dựng, nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC. Qua đó, từng bước xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn, nâng cao chất lượng nông sản địa phương, tạo việc làm ổn định cho người dân”.

Lãnh đạo UBND huyện Tân Yên giới thiệu các sản phẩm OCOP của địa phương với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Năm 2024, huyện Tân Yên có thêm 24 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao; 2 sản phẩm công nhận lại OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP của huyện là 57 sản phẩm. Toàn huyện có 108 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, có 26 tổ, nhóm sản xuất liên kết.

Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, năm 2023, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất và chế biến thử nghiệm trà ổi túi lọc từ búp ổi tại HTX Nông nghiệp Quyên Phong" ở thị trấn Cao Thượng.

Là hộ dân tham gia đề tài, theo bà Nguyễn Thị Minh, tổ dân phố Hòa Sơn (thị trấn Cao Thượng), đặc điểm nổi bật của chế phẩm sinh học là khống chế sâu bệnh trong thời gian dài, có tác động tiêu diệt chậm nên an toàn cho sức khỏe người dân. Được hướng dẫn tận tình về kỹ thuật, gia đình bà Minh đã thực hiện thuần thục quy trình phòng trừ sâu bệnh trên cây ổi bằng chế phẩm sinh học. Nhờ đó, diện tích cây trồng của gia đình đáp ứng yêu cầu quy trình sản xuất trà búp ổi túi lọc.

Đến nay mô hình này đã được nhân rộng tại thị trấn Cao Thượng, xã Phúc Hòa với diện tích khoảng 10 ha. Năm 2023, sản phẩm trà ổi túi lọc của HTX Nông nghiệp Quyên Phong đạt chứng nhận OCOP 3 sao và cung ứng ra thị trường hơn 13 nghìn hộp, góp phần tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn thị trấn Cao Thượng tham gia mô hình đã thoát nghèo bền vững. Đơn cử như hộ ông Đinh Hữu Tỉnh, ông Đặng Trần Thương, bà Nguyễn Thị Ca, bà Nguyễn Thị Thời... Với hiệu quả thiết thực mang lại, thời gian tới, huyện đẩy mạnh tuyên truyền để mở rộng vùng trồng ổi an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, tạo cơ hội để người dân được tiếp cận kỹ thuật mới, nhất các hộ nghèo, cận nghèo; phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Xây dựng vùng sản xuất chất lượng cao

Năm 2024, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp huyện, UBND các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị chuyên môn khảo sát, tư vấn, hướng dẫn người dân  phát triển, mở rộng vùng sản xuất tập trung đối với các cây trồng chủ lực, đặc trưng, thế mạnh của huyện như: Vải, ổi, sâm nam núi Dành, măng lục trúc... Trên địa bàn huyện đang duy trì, quản lý 30 mã số vùng trồng xuất khẩu và 17 mã vùng trồng nội địa, trong đó năm 2024, thực hiện cấp mới 7 mã vùng trồng. Hiệu quả kinh tế từ trồng cây ăn quả được nâng lên đáng kể, tổng diện tích cây ăn quả là 3.354 ha, sản lượng ước đạt hơn 31 nghìn tấn/năm, giá trị ước đạt gần 800 tỷ đồng.

Để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, huyện còn quan tâm kết nối sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản. Đây là bước chuyển quan trọng giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Toàn huyện hiện có 108 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, có 26 tổ, nhóm sản xuất liên kết.

Anh Nguyễn Văn Hằng, thôn Lãn Tranh, xã Liên Chung sử dụng quạt guồng tạo ô xy trong ao nuôi cá trắm đen.

Tiếp tục nhân rộng các mô hình ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên ban hành Đề án về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ứng dụng CNC, sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025. UBND huyện xây dựng các chính sách có cơ chế hỗ trợ nông dân, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận với sản xuất hiện đại.

Cùng đó, bố trí kinh phí hỗ trợ 50% giống, phân bón, một phần thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân tham gia liên kết; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân sản xuất theo kỹ thuật mới, quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Huyện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm hàng hóa chủ lực gắn các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo nghị quyết của HĐND tỉnh, huyện.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Thời gian tới, huyện tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực theo quy trình sản xuất tiên tiến VietGAP, Global GAP, ứng dụng CNC, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất theo liên kết; xây dựng cơ chế, chính sách để hỗ trợ các tập thể, cá nhân thực hiện các dự án ứng dụng CNC".

Bình luận