Chuyện về một đại điền đặc biệt xứ Thanh

Bình luận · 23 Lượt xem

Người đàn ông này đam mê làm nông nghiệp đến mức người ta quên cả việc ông vẫn đang giảng dạy môn Địa lý tại một ngôi trường cấp 3 ở huyện Hoằng Hóa.

Sáng lên bục giảng, chiều ra đồng

Dù đứng “2 vai” - vừa làm thầy, vừa làm nông, thế nhưng bấy lâu nay, người dân xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn quen gọi ông với biệt danh “lão nông tri điền”. Kể cũng lạ, ngày xưa ông theo học Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội), nhưng được thời gian thì chuyển sang ngành sư phạm. Ra trường ông đi dạy học nhưng kiêm cả nghề… cầm cuốc. Ông coi đó là cái nghiệp vận vào thân, ham làm nông nghiệp đến mức khiến người ta tưởng ông đã bỏ nghề (giáo viên).

Ông không nhận mình là đại điền. Vậy nhưng tên gọi đó có vẻ đúng với ông, bởi ngoài sở hữu diện tích canh tác lớn (khoảng 20ha đất thuê của dân), người đàn ông này còn liên kết với hơn 1.000 hộ dân trong tỉnh với tổng diện tích canh tác khoảng 150ha để làm nông nghiệp sạch.

Sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Đạt đã liên kết với hơn 1.000 hộ dân để sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Quốc Toản.

Sau nhiều năm gắn bó với nông nghiệp, ông Đạt đã liên kết với hơn 1.000 hộ dân để sản xuất nông nghiệp sạch. Ảnh: Quốc Toản.

Ông đến với nông nghiệp vì muốn thử thách bản thân hơn là tự làm khổ mình. Cách đây hơn chục năm, dân làng chẳng mặn mà gì với đồng áng vì chuột bọ phá hoại nhiều. Có đợt, cả làng xôn xao chuyện "góp" ruộng làm liên kết rau sạch với đối tác nước ngoài, nhưng dự án chỉ được vài năm thì "chết yểu". Sau lần ấy, nhiều người chẳng còn mặn mà với nghề nông, nên "bờ xôi ruộng mật" trong xã dần hoang hóa.

Ông tự nhận mình là người liều lĩnh khi tiếp nhận lại cơ ngơi bộn bề của người tiền nhiệm. Thứ người đàn ông này có lúc bấy giờ chính là máu nghề và vốn kiến thức “vỡ lòng” từ hồi theo học Đại học Nông nghiệp 1. Cũng may, cả làng ấy biết tính ông thật thà nên việc thuê thầu đất và nhân công cũng không mấy khó khăn. 

Lão nông này suy nghĩ nhiều về sự thất bại của cánh đồng liên kết trước đó và lấy đó làm bài học để tránh lặp lại “vết xe đổ”.

“Họ thất bại là do bất đồng về ngôn ngữ, nên việc quản lý vận hành sản xuất gặp khá nhiều khó khăn, thậm chí thất thoát khá nhiều vốn đầu tư. Ngoài ra nguyên nhân về điều kiện khí hậu, thời tiết cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong cơ cấu mùa vụ và nâng cao năng suất, giá trị cây trồng”, ông cho biết.

Ông ăn ngủ tại khu sản xuất để tiện quản lý đồng áng. Nhiều người hay đùa rằng, ông “đổi vai” như tắc kè hoa, sáng thong dong lên lớp giảng bài, chiều lại ra đồng cùng bà con. Tuy đứng vai chỉ đạo nhưng sức lao động của ông còn hơn công nhân. "Không làm thì khó chịu lắm và cũng bởi làm nông nghiệp không cho phép bản thân hời hợt”, ông nói. Khu ruộng của ông tại xã Hoằng Thành rộng chừng 20ha, chạy tít tắp đến tận rặng cây cuối làng. Trên đồng ruộng lúc nào cũng thường trực khoảng 20 công nhân hăng say làm việc. 

Người dân trên cánh đồng xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa đang gieo trồng khoai tây vụ đông. Ảnh: Quốc Toản.

Người dân trên cánh đồng xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa đang gieo trồng khoai tây vụ đông. Ảnh: Quốc Toản.

Trên cánh đồng, ông chia công nhân theo nhóm dưới sự giám sát của cán bô kỹ thuật. Ruộng của ông canh tác theo hướng bán công nghiệp với hệ thống tưới phun sương, tưới nhỏ giọt và hàng loạt trang thiết bị máy móc cơ giới hiện đại. Không một tấc đất nào ở khu đồng được lãng phí. Đầu bờ là mướp đắng, mướp hương và các loại cây màu ngắn ngày để tăng thu nhập. Dưới ruộng là dưa chuột, ngô ngọt, rau các loại theo mùa. 

Sau vài vụ, "thầy giáo cầm cuốc" nghiệm thấy, đầu tư vào nông nghiệp lời lãi không cao, nhưng so với các ngành nghề khác thì rủi ro thấp hơn, an toàn hơn. Và, nếu làm liên kết, cả nông dân và doanh nghiệp đều có lợi. Với 1 sào đất sản xuất rau màu, nông dân phải đầu tư khoảng 1,5 - 2 triệu đồng. Khi thu hoạch có thể bỏ túi tiền triệu. Như vậy, với việc canh tác 3 vụ/năm, người dân sẽ có nguồn thu ổn định nếu nông sản được mùa, được giá.

Chấp nhận làm nông nghiệp… khác người

Ông bảo, nông dân bây giờ làm nông nghiệp sướng hơn nhiều so với trước đây. Quá trình sản xuất, họ được hợp tác xã chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; đồng thời được hợp tác xã cung ứng giống, vật tư phân bón, có thể trả chậm và được bao tiêu sản phẩm.

'Thầy giáo cầm cuốc' cùng nông dân trên cánh đồng liên kết. Ảnh: Quốc Toản.

"Thầy giáo cầm cuốc" cùng nông dân trên cánh đồng liên kết. Ảnh: Quốc Toản.

Tôi hỏi ông: “Với diện tích liên kết lớn, làm sao để kiểm soát được chất lượng nông sản, đặc biệt là việc phun hóa chất (chất kích thích) gây ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm?”. Ông thẳng thắn, 20 năm nay chưa ai dám qua mặt mình để… làm càn: “Ruộng được chia theo khoảnh, có giám sát camera và cán bộ kỹ thuật túc trực. Bởi vậy, việc phun tưới trộm chất kích thích là điều khó xảy ra”. 

Cánh đồng của ông tuyệt đối không dùng thuốc và phân hóa học trong canh tác nông nghiệp. Ông tuyên bố, sẽ “cạnh mặt” tới già nếu phát hiện hộ dân trên cánh đồng liên kết sử dụng thuốc hóa học khiến nông sản không đảm bảo an toàn. Bằng mắt thường, ông tự tin có thể phát hiện sản phẩm nào không an toàn với sức khỏe con người, ví dụ: “Khi thu hoạch nếu phát hiện vỏ dưa chuột không còn phấn, vị đắng chát, phình bụng, ruột xốp… thì chắc chắn nông sản được phun kích thích”.

Ông tự tin, mấy năm nay, sản lượng nông sản trên cánh đồng liên kết năm sau cao hơn năm trước vì ít bị chuột cắn phá. Ông diệt chuột bằng cách sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, đặt “bả” nhử chuột ngay cạnh hang. Chuột sau khi ăn "bả" sẽ chui vào hàng trú ẩn và chết sau đó một vài ngày. Cách làm này rất an toàn cho con người và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Dưa chuột trên cánh đồng liên kết đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Dưa chuột trên cánh đồng liên kết đang vào vụ thu hoạch. Ảnh: Quốc Toản.

Ông có cách làm nông nghiệp “khác người”. Khung lịch thời vụ thường được bố trí sớm hơn so với các nông hộ khác từ năm ngày tới nửa tháng để đón đầu xu hướng thị trường. Ruộng đồng đa canh, tránh tuyệt đối một loại cây trên cùng đơn vị diện tích, áp dụng trồng xen cảnh, rải vụ, gối vụ. Cách làm này còn giúp ông kéo dài thời gian thu hoạch và tránh được tình trạng nông sản được mùa mất giá.

Ông lấy ví dụ, ruộng dưa khoảng 10ha của ông có trà đã cho thu hoạch, có trà mới xuống giống. Ông còn trồng dưa trái vụ và chấp nhận rủi ro thời tiết, nhưng bù lại, giá nông sản cao, thị trường tiêu thụ tốt. Hay như chuyện ông làm ngô ngọt sớm hơn nửa tháng so với lịch thời vụ nên giá bán gấp đôi so với bà con trong vùng. 

Vụ đông ông trồng khoai tây, dưa chuột, ớt, các loại rau màu. Ra giêng trồng dưa lê, dưa chuột. Thu hoạch dưa xong thì trồng ngô ngọt trái vụ và sẵn sàng cho cây vụ đông của năm tiếp theo. Nhiều người hay nói đùa, ông luân phiên cây trồng khiến đất không kịp “thở”. Tuy nhiên cách làm này đang phát huy hiệu quả, bởi sản phẩm rau, củ, quả được thu hoạch quanh năm. 

Ông là Lương Quốc Đạt - thôn 3, xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hiện là giáo viên môn Địa lý tại trường Trung học phổ thông Hoằng Hóa 4 (huyện Hoằng Hóa).

Mỗi năm, doanh thu của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành do ông làm Chủ tịch HĐQT đạt khoảng 45 - 50 tỷ đồng. Ông nói được, làm được nhưng thi thoảng vẫn cảm thấy “tủi thân”. Gần 20 năm làm nông nghiệp, ông và bà con gần như “đơn thương độc mã” trên cánh đồng lớn. Ông thú thực, làm lớn mà không biết tính toán hợp lý, không năng động, chủ động tìm kiếm thị trường thì chỉ có... "chết".

Bình luận