Xây dựng kế hoạch phòng, chống Dịch tả lợn châu Phi cho Đông Nam Á

Bình luận · 17 Lượt xem

Dù đã có vacxin thương mại cho bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), các chuyên gia đều cho rằng cần có một chương trình tổng thể ở cấp khu vực cho vấn đề này.

Cần sự chung tay của các bên

Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế về bệnh DTLCP trong khu vực Đông Nam Á, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, tổng đàn lợn Việt Nam hiện hơn 30 triệu con, đứng thứ 6 trên thế giới. Thịt lợn cũng chiếm đa số trong khẩu phần ăn của người Việt.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Thú y chúc mừng TS Ronello Abila. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng lãnh đạo Cục Thú y chúc mừng TS Ronello Abila. Ảnh: Bảo Thắng.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó có các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, đặc biệt là bệnh DTLCP.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, kể từ khi bệnh DTLCP xuất hiện từ tháng 2/2019, Việt Nam đã tiêu hủy trên 6 triệu con lợn. Từ đầu năm 2024, cả nước có 1.538 ổ dịch xảy ra tại 48 tỉnh, thành phố làm 88.258 con lợn bị chết và tiêu hủy.

Bộ NN-PTNT ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật phòng, chống DTLCP, đặc biệt tham mưu trình Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020-2025. Hiện Bộ đang thúc đẩy xây dựng tờ trình Chính phủ ban hành Nghị định hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó có bệnh DTLCP.

Với sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu, đánh giá, đề xuất các giải pháp kiểm soát DTLCP. Nổi bật nhất là Việt Nam đã nghiên cứu và sản xuất thành công 2 loại vacxin thương mại phòng bệnh DTLCP, những vacxin này đang được sử dụng trong nước và xuất khẩu đến một số quốc gia.

Thông qua hội thảo sáng 26/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến mong muốn các đại biểu tham dự sẽ được cập nhật tình hình bệnh DTLCP trên thế giới và trong khu vực, đánh giá nguy cơ bệnh DTLCP và các biện pháp phòng, chống bệnh tại Đông Nam Á. Từ đó, trao đổi những lợi thế, khó khăn, bài học thực tế trong công tác kiểm soát bệnh DTLCP.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: 'Cùng xây dựng kế hoạch chiến lược phòng bệnh DTLCP tại Đông Nam Á'. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: "Cùng xây dựng kế hoạch chiến lược phòng bệnh DTLCP tại Đông Nam Á". Ảnh: Bảo Thắng.

“Chúng ta sẽ cùng thảo luận để xây dựng, phát triển kế hoạch triển khai Chiến lược phòng, chống bệnh DTLCP tại khu vực Đông Nam Á”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, và kêu gọi các bên liên quan sớm thống nhất những cấu phần cơ bản, mục tiêu của các chỉ số giám sát, đánh giá chất lượng kết quả khung chiến lược này.

Báo cáo tại hội thảo, đại diện các nước Đông Nam Á thông tin, tình hình bệnh DTLCP đang tương đối khác nhau. Chẳng hạn, Lào trong suốt 2 năm qua không phát sinh ổ dịch nào, trong khi tại quốc gia có đàn lợn nhiều thứ 2 khu vực, sau Việt Nam - Philippines - lại bùng phát dịch hồi quý III/2024, với 2.620 ổ dịch.

Giới chức nước này thông tin, đợt cao điểm nhiễm bệnh DTLCP tại Philippines diễn ra vào tháng 8/2024, tỷ lệ lợn cho kết quả dương tính chiếm tới hơn 42%.

Những nguyên nhân được chuyên gia Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) chỉ ra, đó là sự không thống nhất về chính sách kiểm soát dịch bệnh động vật ở cấp trung ương và địa phương, cũng như việc chưa có một hệ thống cấp quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật.

Ông Karma Rinzin, Điều phối viên Sức khỏe động vật cấp khu vực (WOAH), nhận xét, nhiều khu vực tại Đông Nam Á vẫn còn tỷ lệ lớn người dân chăn nuôi nông hộ. Điều này khiến công tác ứng phó với dịch bệnh, cũng như khả năng đáp ứng chăn nuôi an toàn sinh học bị cản trở.

“Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có phương án tăng chăn nuôi quy mô trang trại. Đó cũng là cách để họ dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn lực từ các tổ chức quốc tế”, ông chia sẻ.

Nhất trí với đồng nghiệp, ông Ronello Abila, Đại diện WOAH khu vực Đông Nam Á, thông tin, tổ chức này đang phối hợp các quốc gia trong khu vực xây dựng bộ hướng dẫn về chăn nuôi an toàn sinh học. Một trong những định hướng chính là quy hoạch chăn nuôi quy mô lớn vào các khu vực riêng, tránh xa khu dân cư. Ngoài ra, lợn được chia theo tuần tuổi, đánh số chi tiết. Mỗi khi phát hiện lợn có “dấu hiệu lạ”, chủ trang trại lập tức tiến hành cách ly.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) cùng Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (phải) thăm một trang trại lợn tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (giữa) cùng Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long (phải) thăm một trang trại lợn tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Bảo Thắng.

Đánh giá cao vacxin thương mại DTLCP do Việt Nam sản xuất, ông Abila đề nghị các nước tham khảo, thu thập thêm dữ liệu và tổ chức nhiều hơn những hội nghị chuyên sâu để đánh giá hiệu quả và tính an toàn.

“DTLCP đã lan rộng gần như toàn khu vực Đông Nam Á. Nhưng 2 năm qua, dịch có dấu hiệu lắng xuống, số ca mắc cũng ít dần. Dù vậy, đây vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ tất cả các quốc gia trong khu vực”, vị chuyên gia của WOAH bày tỏ.

Tăng cường tính chủ động

Chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề hội thảo, bà Arisara Choochern, Cục Phát triển chăn nuôi Thái Lan cho biết, nước này đã xây dựng 2 hệ thống giám sát nhằm tăng cường an toàn sinh học và bảo vệ sức khỏe động vật. Trong đó, hệ thống giám sát E-Smart, một nền tảng trực tuyến được triển khai từ năm 2013, đóng vai trò như trung tâm thông tin về sức khỏe động vật.

Năm 2023, Thái Lan đã triển khai giám sát 12 bệnh trên động vật tại các trang trại, lò giết mổ lớn và những tuyến đường vận chuyển chính. Các hoạt động trọng tâm bao gồm giám sát sự lan truyền của virus gây bệnh DTLCP, bệnh lở mồm long móng, đánh giá hiệu quả miễn dịch từ việc tiêm phòng vacxin, phân tích rủi ro một số bệnh nguy hiểm, có khả năng lây lan cao và tử vong số lượng lớn, chẳng hạn bệnh bò điên.

“Hệ thống E-Smart cho phép người dân phản ánh các nguy cơ lây lan bệnh dịch, đồng thời nhận phản hồi từ chính chuyên gia, hoặc cán bộ thú y cơ sở sau khi khảo sát thực địa”, bà Arisara nói, và cho biết thêm, dữ liệu thu thập từ hệ thống được xác minh chặt chẽ ở cả cấp tỉnh và khu vực, đảm bảo độ chính xác cao trong công tác giám sát.

Tại Việt Nam, chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Việt Nam, chăn nuôi nông hộ còn chiếm tỷ lệ lớn. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ năm 2022 đến 2024, Thái Lan có tổng cộng 114 ổ dịch bệnh DTLCP bùng phát tại 35 tỉnh. Sang năm 2023 và 2024, dịch bùng phát lẻ tẻ tại nhiều điểm trên cả nước.

Chính bởi điều này, nên ngoài triển khai hệ thống điện tử, Thái Lan còn tổ chức thực hiện sáng kiến là kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh trong bán kính 1km. Theo đó, hễ trang trại lợn nào phát hiện lợn chết bất thường, hoặc có biểu hiện nhiễm bệnh thì sẽ thông báo vào đường dây nóng của hệ thống thú y. Trên cơ sở này, chính quyền cơ sở sẽ cùng phối hợp để thiết lập các biện pháp khẩn cấp tại khu vực.

“Những nỗ lực này giúp Thái Lan phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các bệnh động vật, đồng thời củng cố an ninh sinh học quốc gia”, bà Arisara nhìn nhận. Chuyên gia lĩnh vực thú y cũng coi đây là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Thái Lan trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, duy trì sản xuất nông nghiệp bền vững và giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan.

Trong sáng 26/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trao kỷ niệm chương cho ông Ronello Abila, Đại diện WOAH khu vực Đông Nam Á, vì những đóng góp cho ngành NN-PTNT Việt Nam.

Cảm ơn vì những đóng góp của tiến sĩ người Philippines, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long bày tỏ, ngay khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, ông Abila đã chỉ đạo Văn phòng khu vực của WOAH cung cấp các tài liệu hướng dẫn, đồng thời cử nhiều đoàn chuyên gia sang Việt Nam để hỗ trợ.

“Ông Abila là cầu nối để WOAH phối hợp với Cục Thú y và các chuyên gia Hoa Kỳ xây dựng Tiêu chuẩn quốc tế của WOAH về đánh giá vacxin phòng bệnh DTLCP thương mại”, Cục trưởng Nguyễn Văn Long cho biết.

Bình luận