Hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp tốt được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi

Bình luận · 25 Lượt xem

Để khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh đang yêu cầu các đơn vị chuyên môn trực thuộc tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt để đạt diện tích cây trồng, con nuôi thủy sản được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tạo ưu thế thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng lợi nhuận trong sản xuất.

 

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và nước ngoài hiện nay đối với các sản phẩm, hàng hóa nông sản rất chú trọng về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và  đảm bảo các yêu cầu về qui chuẩn.

 

Vì vậy, người sản xuất phải thực hiện chặt chẽ quy trình canh tác nông nghiệp tốt từ khâu chọn cây giống, con giống, phương pháp sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đến khâu thu hoạch, bảo quản đúng cách, đạt qui chuẩn,… để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi,  tạo được lợi thế thị trường tiêu thụ rộng, ổn định, tăng lợi nhuận trong sản xuất.

 

 

 

Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mới và duy trì  37 mã số vùng trồng xuất khẩu, tăng 8 mã số vùng trồng so năm 2023, với các loại cây trồng như: lúa, dừa, sầu riêng, xoài, chuối mít, thanh long, dưa hấu, ớt, chôm chôm, nhãn, bưởi, tổng diện tích hơn 2.900 ha,

 

Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh còn tiếp nhận 8 hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng dừa xuất khẩu hơn 457 ha và đã gửi Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trình nước nhập khẩu phê duyệt. Về cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi trong nước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xác nhận cấp 62 mã số vùng trồng, tăng 12 mã số so năm 2023, với các loại cây trồng: lúa, dừa, dừa sáp, sầu riêng, xoài, chuối mít, thanh long, dưa hấu, ớt, chôm chôm, nhãn, bưởi, mía, bí đỏ..., tổng diện tích hơn 3.968 ha.

 

Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp – thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng , xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, trong 2 năm qua, hợp tác xã duy trì được cấp mã số vùng trồng ( VN.TVOR.0076.LUA.CHINA) cho sản phẩm lúa xuất khẩu sang Trung Quốc, với diện tích 110ha, tổng sản lượng 650 tấn lúa/vụ.

 

Hợp tác xã xuất sang thị trường Trung Quốc trên 80% tổng sản lượng lúa sản xuất của nông dân mỗi năm, với giá thành ổn định và cao hơn bên ngoài từ 150-200 đồng/kg. Đây là ưu thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân thành viên hợp tác xã nâng cao thu nhập trước biến động của thị trường về hàng hóa nông sản.

 

Theo ông Lê Văn Đông, để khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích sản xuất được cấp mã số vùng trồng trong năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục tăng cường hỗ trợ nông dân, hợp tác xã phát triển diện tích sản xuất nông nghiệp tốt. Ngành nông nghiệp tỉnh đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ nông dân tập trung vào việc đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào các  mô hình sản xuất an toàn, chất lượng và hiệu quả để được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

 

Ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai thực hiện hiệu quả chương trình nghiên cứu, thực hiện ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 – 2025, với khoảng 120 đề tài, dự án nghiên cứu và xây dựng từ 20 - 40 mô hình sản xuất ứng dụng khoa học và công nghệ cao  để hướng dẫn nông dân áp dụng. Năm 2024, trên địa bàn tỉnh ước có ơn  29.000 ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ cao như: sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động, công nghệ nhà lưới và thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đạt chứng nhận ASC./.

Bình luận