Ninh Thuận: Liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu sản phẩm lợi thế

Bình luận · 32 Lượt xem

Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Với mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị sản xuất, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, chuyên canh các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học-công nghệ vào sản xuất để từng bước xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.

Đa dạng mô hình sản xuất

Với điều kiện khí hậu đặc thù khô nóng, ít mưa, Ninh Thuận đã chủ động tìm kiếm giải pháp để thích ứng và phát triển. Trọng tâm của tỉnh là đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống thủy lợi đồng bộ, đa mục tiêu, liên kết hồ chứa.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã có 22 hồ chứa với tổng dung tích trên 417 triệu m3; trong đó hệ thống thủy lợi Tân Mỹ với dung tích trên 219 triệu m3 đang tiếp tục được hoàn thiện để cung cấp nước cho gần 7.500ha đất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

TTXVN_2311 Ninh Thuan nong nghiep 3.jpg
Giống táo mới TN05 trồng trong nhà lưới giúp nông dân Ninh Thuận nâng cao hiệu quả sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ninh Thuận cũng không ngừng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như tại huyện Ninh Phước, nông dân đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như công nghệ bao lưới, nhà màng, tưới tiết kiệm, VietGAP, hữu cơ để nâng cao chất lượng và năng suất các loại cây trồng chủ lực như nho, táo, măng tây, lúa, dưa lưới. Việc liên kết theo chuỗi giá trị cũng đang được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản địa phương tiếp cận thị trường.

Thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước) từng được gắn với cái tên “sa mạc của vùng đất khát.” Tuy nhiên, giờ đây trên chính mảnh đất này được bao phủ bởi cánh đồng lớn trồng loại “rau vua” cây măng tây xanh ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình này đã và đang giúp cho nhiều hộ đồng bào Chăm thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành hình mẫu cho mô hình liên kết cùng phát triển ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú cho biết hiện nay hợp tác xã có 85 thành viên tham gia trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 40ha.

Cây măng tây cho thu hoạch liên tục trong 3 tháng và nghỉ 1 tháng để dưỡng cây, năng suất thu hoạch bình quân đạt khoảng 10 kg/sào/ngày. Sản phẩm được hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu thu mua với giá bình quân 50.000 đồng/kg, tạo nguồn thu nhập rất ổn định cho các xã viên.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều hộ trồng táo tại huyện Ninh Phước cũng đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ bao lưới. Ông Nguyễn Sít, ở thị trấn Phước Dân cho hay, trước đây vườn táo rộng 2 sào (2.000m2) của gia đình thường xuyên bị ruồi vàng phá hoại. Nếu không bao lưới thì 1 tấn táo chỉ thu được 5 tạ, còn 5 tạ bị hư hại do ruồi vàng.

Từ khi áp dụng kỹ thuật này tỷ lệ ruồi vàng đục quả giảm đi rất nhiều, táo phải loại thải chỉ vài chục ký không đáng kể. Bao lưới vườn táo giúp nhà vườn yên tâm để trái táo chín lâu hơn, chất lượng táo ngon hơn nên giá bán cũng cao hơn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, năm 2024 nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ, điều tiết nước hợp lý và ứng dụng công nghệ cao giúp ngành nông nghiệp đạt được những kết quả tích cực.

Cụ thể, diện tích sản xuất chủ động tưới tăng lên 62,4%, diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 83.980 ha (vượt 6,2% kế hoạch), chuyển đổi 1.785ha cây trồng cho giá trị kinh tế cao, giá trị sản xuất bình quân đạt 153 triệu đồng/ha, tăng 10 triệu đồng/ha so với năm trước.

Đặc biệt, nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển mạnh mẽ với diện tích trên 825ha cho giá trị sản xuất bình quân đạt 938 triệu đồng/ha, vượt 34% so kế hoạch.

Đồng thời, tỉnh nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích hơn 4.903ha các loại cây lúa, nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, điều và một số loại cây ăn quả; duy trì 36 cánh đồng lớn với tổng diện tích trên 5.014ha; cấp 57 mã số vùng trồng với diện tích trên 391ha; xây dựng 70 liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với diện tích 15.254ha.

 

Các địa phương hình thành nhiều mô hình liên kết chăn nuôi tiêu thụ các sản phẩm cừu, dê, bò, heo đen, gà bản địa... tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận thị trường. Nhờ đó, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2024 ước đạt khoảng 14.360 tỷ đồng, tăng 4,94% so với năm trước.

Gắn với phát triển bền vững

Ông Đặng Kim Cương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận thông tin năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mục tiêu đặt ra là tăng trưởng giá trị sản xuất 2-3% so với năm trước, nâng cao giá trị sản xuất bình quân lên 155 triệu đồng/ha và mở rộng diện tích nông nghiệp công nghệ cao lên 1000ha.

TTXVN_2311 Ninh Thuan nong nghiep 2.jpg
Vùng trồng cây nha đam liên kết với doanh nghiệp của nông dân phường Mỹ Bình (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận). (Ảnh: (Nguyễn Thành/TTXVN)

Để đạt được mục tiêu này, địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh, liên kết chuỗi giá trị hướng đến xuất khẩu các sản phẩm lợi thế.

Ninh Thuận sẽ tập trung vào việc nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, ứng dụng công nghệ cao và liên kết sản xuất. Cụ thể, tỉnh sẽ tiếp tục chuyển đổi 500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao, tiết kiệm nước. Đồng thời, tỉnh duy trì và mở rộng cánh đồng lớn, liên kết tiêu thụ, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn, hiệu quả.

Việc đẩy mạnh phát triển nuôi biển công nghệ cao vùng nước sâu, triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với đề án phát triển sản xuất vùng tưới hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sẽ góp phần mở rộng vùng trồng tập trung và nâng cao giá trị sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ninh Thuận, để khai thác tối đa tiềm năng về đất đai và biển, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ phối hợp các địa phương tiếp tục điều tra, rà soát diện tích cây ăn quả đặc thù, nhất là nho và táo để mở rộng diện tích.

 

Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nho, táo để xuất khẩu. Đối với thủy sản sẽ tập trung tổ chức triển khai Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước và phát triển giống cá biển phục vụ chương trình phát triển nuôi biển quốc gia; phát triển nuôi thủy sản trên biển gắn với hoạt động du lịch; xây dựng nghề cá hiện đại, có trách nhiệm gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với những bước đi, cách làm hiệu quả, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã khẳng định được vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế. Qua đó, góp phần quan trọng vào quá trình tăng trưởng chung của tỉnh, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)
Bình luận