Cải tạo đồi cằn trồng na trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha

Bình luận · 18 Lượt xem

Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, nhờ dày công cải tạo đất, áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăm sóc, cây na đã cho ra quả trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Chú trọng cải tạo đất 

Na là loại quả phổ biến và được người tiêu dùng ưa chuộng song cũng không tránh khỏi tình trạng được mùa, mất giá. Quả na khi chín không bảo quản được lâu, trong khi các nhà vườn đồng loạt thu hoạch sẽ tiêu thụ không kịp, bị tư thương ép giá…

Vì lý do này, nhiều hộ dân ở huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đã tìm cách trồng na rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch. Chỉ 1/3 diện tích canh tác na chính vụ, 2/3 diện tích còn lại áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thu hoạch na vào tháng 10 - 11.

Nhờ chú trọng cải tạo đất và áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, người dân xã Phong Niên đã cho na ra quả trái vụ với năng suất, mẫu mã, chất lượng rất cao. Ảnh: Hải Đăng.

Nhờ chú trọng cải tạo đất và áp dụng đồng bộ các quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, người dân xã Phong Niên đã cho na ra quả trái vụ với năng suất, mẫu mã, chất lượng rất cao. Ảnh: Hải Đăng.

Sản lượng, giá bán na chính vụ giảm không ảnh hưởng nhiều đến nguồn thu của các hộ trồng na tại địa phương. Trong khi đó, na trái vụ có giá bán cao hơn, tiêu thụ nhanh. Có thời điểm quả chưa chín hẳn, người mua đã đến đặt tiền mua cả vườn.

Theo bà Nguyễn Thị Hoa ở thôn Cốc Sâm 2, xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng), giá bán na chính vụ năm nay giảm nhẹ nhưng đối với người trồng, na trái vụ mới quyết định thành bại của cả mùa trong năm. 

Cũng theo nhà vườn này, na ở Cốc Sâm trồng chủ yếu ở đồi núi dốc, tuy không quá hiểm trở nhưng việc xói mòn đất cũng ảnh hưởng tới việc canh tác. Vì vậy, bà con đã chú trọng áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong chăm bón đảm bảo cho cây sinh trưởng, phát triển và đậu quả tốt, kéo dài tuổi thọ của cây. 

Bà con trồng na đã thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật nhằm chống rửa trôi, xói mòn đất bằng cách vun gốc, giữ các thảm cỏ trên vườn đồi, tấp tủ gốc để giữ độ ẩm phù hợp, kết hợp bón phân chuồng hoai mục ủ với nấm Trichodemar đảm bảo các yếu tố vi lượng bổ sung dinh dưỡng cho cây trong giai đoạn thiết yếu.  

Sau mỗi vụ thu hoạch, cùng với tỉa cành, tạo tán, loại bỏ cành nhỏ thì phải bổ sung dưỡng chất cho cây giúp cây khỏe, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại. Cây cho thu hoạch nhiều phải bổ sung nhiều chất dinh dưỡng để cây khỏe, đủ sức nuôi quả, giữ được năng suất và chất lượng sản phẩm...

Nhờ áp dụng các kỹ thuật bài bản, cây na phát triển khỏe và cho ra quả trái vụ với chất lượng tốt.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật bài bản, cây na phát triển khỏe và cho ra quả trái vụ với chất lượng tốt.

Theo ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng, giá na trái vụ năm 2024 có thời điểm lên tới 80 nghìn đồng/kg; ước giá trị trên mỗi ha na đạt 1 tỷ đồng. Trước hiệu quả kinh tế nói trên, chính quyền địa phương đã chú trọng vận động và hướng dẫn kỹ thuật, tập huấn cho bà con mở rộng diện tích trồng na bền vững. Toàn huyện hiện có gần 150ha na, tập trung ở các xã Xuân Quang, Phong Niên và Thái Niên, trong đó diện tích na lệch vụ, trái vụ khoảng 40ha. 

"Do na chính vụ giá bán thiếu ổn định nên nhiều hộ trồng na đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng na trái vụ. Quả na trái vụ được người dân chăm sóc tốt hơn nên thơm và ngọt hơn. Nếu như na chính vụ thụ phấn tự nhiên thì na trái vụ được bà con thụ phấn bằng tay và chỉ để lại quả đẹp nên mẫu mã, chất lượng tốt hơn", ông Vũ Kiều Hưng, Phó Phòng NN-PTNT huyện Bảo Thắng nhấn mạnh. 

Bồi bổ cây khỏe để ra quả trái vụ

Gắn bó với nghề trồng na hơn 10 năm nay, bà Lùng Thị Thuỷ ở thôn Cốc Sâm 2 (xã  Phong Niên, huyện Bảo Thắng) có rất nhiều kinh nghiệm, bí quyết trồng na trái vụ. Trước đây, khu vực này chỉ là vùng đất đá khô cằn, tuy nhiên nhờ dày công cải tạo đất, nhất là tăng cường sử dụng phân hữu cơ, bổ sung chất hữu cơ cho đất mà nay bà đã trồng được hơn 1.000 gốc na. Nhờ đất giàu dinh dưỡng nên cây na phát triển, sinh trưởng tốt và cho năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp. Từ những cây na chính vụ, bà áp dụng biện pháp kỹ thuật để cây na ra quả trái vụ.

Bà con dân tộc thiểu số rất phấn khởi vì na trái vụ bán được giá, tiêu thụ nhanh. Ảnh: Hải Đăng.

Bà con dân tộc thiểu số rất phấn khởi vì na trái vụ bán được giá, tiêu thụ nhanh. Ảnh: Hải Đăng.

"Sau thời gian miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu, tham quan những mô hình ở địa phương khác để học tập tiến bộ khoa học, áp dụng các kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, thụ phấn, gia đình tôi đã tạo ra na cho quả trái vụ với chất lượng thịt quả dai, ngọt thanh, thơm ngon đặc trưng", bà Lùng Thị Thủy nói. 

Theo bà, trồng na không cần kỹ thuật phức tạp nhưng đòi hỏi chăm sóc đúng thời điểm. Cùng với chú trọng bổ sung phân bón hữu cơ, nước tưới, thì cắt, tỉa cành thường xuyên sẽ cho trái na to hơn. Tỉa lá cho thoáng tán cây trước khi ra hoa khoảng 1 tháng còn hạn chế được nhiều loại sâu bệnh hại.

Khi na đậu quả, phải cắt loại bỏ quả lép, méo mó khoảng 2 đến 3 đợt/vụ để cây khỏe, tập trung sức nuôi quả còn lại. Khi quả na đạt đường kính 4 - 5cm vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 thì tiến hành bọc quả bằng túi lưới để ngăn côn trùng, giảm thiểu việc phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Từ việc áp dụng khoa học kỹ thuật cùng với kinh nghiệm lâu năm nên sản phẩm na của gia đình bà Thủy được thu hoạch ở 2 thời điểm, chính vụ từ tháng 7 đến tháng 8 và trái vụ từ tháng 10 đến tháng 11.

Tính cả 2 vụ na, gia đình bà có thể thu khoảng gần 5 tấn quả mỗi năm, giá bán đổ tại vườn vào thời điểm chính vụ dao động từ 50 - 65 nghìn đồng/kg. Còn na trái vụ sẽ bán được giá cao hơn, qua đó đem lại thu nhập cho gia đình bà hơn 200 triệu đồng/năm.

Theo ông Hoàng Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Niên, cây na trước đây chủ yếu được trồng ở trong các vườn tạp, người dân chưa xác định là cây trồng chủ lực và thế mạnh của địa phương. Gần 10 năm trở lại đây, khi bà con thấy cây na phù hợp với đất đai, cho quả chất lượng, ngày càng được nhiều người tìm mua nên bà con đã mở rộng diện tích trồng. 

Bình luận