Dự báo sinh vật gây hại vụ đông xuân 2024 - 2025

Bình luận · 54 Lượt xem

Cục Bảo vệ thực vật dự báo sinh vật gây hại vụ đông xuân 2024 - 2025 tại vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và phổ biến Nghị định 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa được tổ chức mới đây tại TP Phan Thiết (Bình Thuận), ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đã thông tin dự báo sinh vật gây hại vụ đông xuân 2024 - 2025.

Theo đó, đối với vùng Duyên Hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, lưu ý 2 đối tượng gây hại trên lúa gồm rầy nâu và bệnh đạo ôn.

Trong đó, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên bệnh đạo ôn thường gây hại trên những giống nhiễm nặng, ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm. Do đó, cần chú ý 2 đợt bệnh đạo ôn hại chính gồm đợt 1 vào nửa đầu tháng 02/2025, gây hại cục bộ trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái (trà sớm và chính vụ), chủ yếu ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; đợt 2 nửa đầu tháng 3/2025, gây hại mạnh, nặng diện rộng các trà lúa đứng cái - đòng - trổ, lúa trà muộn (chủ yếu ở đồng bằng).

Đối với vùng Đông Nam bộ, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông có 2 thời điểm mẫn cảm của cây lúa cần chú ý là giai đoạn lúa đẻ nhánh và giai đoạn trỗ. Cao điểm gây hại bệnh đạo ôn lá từ tháng 12/2024 - 1/2025, bệnh đạo ôn cổ bông cao điểm từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2/2025.

Ngoài ra, rầy nâu truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá hại lúa vẫn là mối nguy đe dọa sản xuất trong các vụ lúa tới, do vậy không được chủ quan lơ là, phải thực hiện quyết liệt và đồng bộ ngay từ vụ lúa đông xuân 2024 – 2025 vì vụ lúa đông xuân là cầu nối quan trọng cho rầy nâu mang mầm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lây lan sang trà khác.

Nông dân phòng trừ chuột gây hại lúa. Ảnh: KS.

Nông dân phòng trừ chuột gây hại lúa. Ảnh: KS.

Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm từ giữa - cuối vụ đông xuân, cần chú ý 2 đợt rầy hại chính gồm: Đợt 1 vào nửa cuối tháng 2/2025 trên lúa trà sớm giai đoạn trỗ - chắc xanh, chủ yếu ở các tỉnh Bình Định, Bình Thuận; đợt 2 cuối tháng 3/2025 đến đầu tháng 4/2025 gây hại nặng trên lúa chính vụ giai đoạn đòng - trỗ - chắc xanh, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng.

Do đó, ông Thiệt đề nghị các địa phương cần bố trí lịch xuống giống đồng loạt, gieo sạ né rầy.

Đối với vùng Đông Nam bộ, chú ý bọ trĩ và rầy phấn trắng. Đối với bọ trĩ, chú ý sự phát sinh, phát triển trên trà lúa từ mạ đến đẻ nhánh, nhất là ở những vùng nắng hạn, nhiễm mặn, nhiễm phèn. Còn rầy phấn trắng trong khoảng vài năm gần đây đang có chiều hướng gia tăng diện tích và mức độ gây hại, thường tập trung phát triển mạnh lúc lúa ở giai đoạn đẻ nhánh.

Ngoài ra, vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên cần chú ý chuột và ốc bươu vàng. Theo dự báo, chuột phát sinh gây hại ở mức tương đương và cao hơn những năm trước, trong đó chú ý 2 đợt hại chính. Đợt 1 cuối tháng 12/2024 đến đầu tháng 1/2025, gây hại mạnh lúa đông xuân trà chính và lúa trà sớm giai đoạn đẻ nhánh, chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Đợt 2 cuối tháng 1 - 2/2025, gây hại diện rộng, hại nặng cục bộ lúa đông xuân chính vụ giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái - đòng.

Những năm gần đây mưa lũ thường xuyên nên ốc bươu vàng lây lan nhanh theo nguồn nước. Do đó, chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật các tỉnh cần chú ý các đợt xuống giống trong vụ ở từng vùng để phòng trừ ốc bươu vàng, tập trung vào 2 đợt gây hại chính. Đợt 1 từ 20/11 - 10/12/2024, gây hại lúa giai đoạn gieo - mạ lúa trà sớm. Đợt 2 cuối tháng 12/2024 - 1/2025, gây hại trên giai đoạn gieo - mạ lúa trà chính vụ và trà muộn ở vùng trũng.

Nông dân chủ động phòng trừ sinh vật gây hại trên cây thanh long. Ảnh: KS.

Nông dân chủ động phòng trừ sinh vật gây hại trên cây thanh long. Ảnh: KS.

Đối với một số cây trồng khác, sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô từ giai đoạn 2 lá cho đến khi trỗ cờ. Bệnh khảm lá sắn tiếp tục phát triển nên các địa phương cần khuyến khích bà con trồng giống chống chịu cũng như 6 giống kháng bệnh khảm lá đã được Bộ NN-PTNT công bố lưu hành.

Bọ xít muỗi, bệnh thán thư gây hại trên cây điều khi bắt đầu trỗ bông cho đến khi có trái. Đối với cây hồ tiêu cần theo dõi bệnh chết nhanh, chết chậm, đặc biệt là những diện tích tiêu trồng mới và vùng đã nhiễm nặng trước đây.

Còn cây thanh long từ tháng 10 - 11/2024 thường chịu ảnh hưởng của mưa, bão nên diện tích nhiễm bệnh đốm nâu sẽ gia tăng, nhất là những vườn đang mang trái có thể sẽ bị nặng. Ngoài ra, cần chú ý các đối tượng ốc và bệnh đốm nâu phát sinh, gia tăng gây hại khi bước vào mùa mưa (tháng 5/2025) và giảm dần vào các tháng mùa khô.

Về giải pháp phòng chống sinh vậy gây hại cây trồng, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho rằng, công tác dự tính, dự báo về tình hình sinh vật hại trên cây trồng là rất quan trọng.

Do đó, các cơ quan chuyên môn cần chủ động và thường xuyên giám sát đồng ruộng, nắm chắc diễn biến, xu hướng phát triển của sinh vật gây hại trên các loại cây trồng. Từ đó đưa ra dự báo, hướng dẫn giúp nông dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại.

Bên cạnh đó, các địa phương cần duy tu các bẫy đèn, xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động phong trào đồng loạt ra quân diệt chuột và thu lượm ốc bươu vàng, đăc biệt là giai đoạn chuyển tiếp giữa 2 vụ gieo trồng và thực hiện từ 2 - 3 đợt/vụ.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa để hạn chế sinh vật gây hại. Ảnh: KS.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa để hạn chế sinh vật gây hại. Ảnh: KS.

Đồng thời hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp bệnh khảm lá sắn ban hành theo công văn số 1772 ngày 8/8/2024 của Cục Bảo vệ thực vật; Chỉ thị 4962 ngày 15/7/2019 của Bộ NN- PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô. Tập trung chỉ đạo phòng chống bệnh chết nhanh - chết chậm trên cây tiêu; bọ xít muỗi hại cà phê chè; bọ xít muỗi và bệnh thán thư hại điều; bệnh do nấm Phytophthora sp. gây ra trên cây sầu riêng, tránh lây lan diện rộng, bảo vệ tốt sản xuất.

Đẩy mạnh diện tích ứng dụng biện pháp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" trên cây lúa và các tiến bộ kỹ thuật, quy trình kỹ thuật phòng chống sinh vật gây hại trên các cây trồng khác, nhất là cây có giá trị kinh tế cao. Tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Đồng thời đẩy mạnh thông tin tuyên truyền các mô hình đạt kết quả tốt để nhân rộng trong sản xuất.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, trong năm 2024, tổng diện tích nhiễm sinh vật gây hại toàn vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên chỉ chiếm 6% nhưng ở mức độ nhẹ. Việc dự báo rất sát nên đã chủ động được các biện pháp phòng chống sinh vật gây hại. Thứ trưởng đề nghị các địa phương căn cứ dự tính, dự báo để chuẩn bị các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ thành công vụ lúa cũng như cây công nghiệp và cây ăn trái.

Bình luận