"Đánh thức" vùng chè Ba Trại thành điểm đến du lịch hấp dẫn

Bình luận · 44 Lượt xem

Vùng chè Ba Trại không chỉ nổi tiếng với hương vị chè đặc trưng mà còn ẩn chứa tiềm năng du lịch nông nghiệp đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, sự khai thác du lịch còn manh mún và tự phát, đòi hỏi một chiến lược bền vững để ph?

Tiềm năng phát triển du lịch vùng chè Ba Trại

Gần 60 năm về trước, những cây chè trung du lá nhỏ đã được người dân Ba Trại đem về từ Phú Thọ trồng trên đất nông nghiệp địa phương. Khí hậu mát mẻ cùng thổ nhưỡng màu mỡ nơi đây đã tạo điều kiện cho những cây chè này phát triển mạnh mẽ, tạo ra những sản phẩm chè thơm ngon, đậm đà. Từ đó, cây chè đã trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế xã nhà.

Chia sẻ về hành trình phát triển cây chè, ông Đinh Công Phu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Trại cho biết ban đầu địa phương chỉ trồng giống chè trung du cũ, nhưng kể từ năm 2012 với sự hỗ trợ của Thành phố Hà Nội về giống và kỹ thuật, bà con đã chuyển đổi sang giống chè LDP1 – giống chè mới với năng suất và chất lượng cao hơn, thương hiệu chè Ba Trại đã dần được khẳng định.

Theo ông Phu, sự đổi mới trong việc chọn giống chè đã giúp Ba Trại vượt qua những thách thức về kinh tế nông thôn. Việc kết hợp giữa sản xuất và phát triển thương hiệu chè đã giúp sản phẩm chè Ba Trại nhận được sự công nhận của thị trường.

Làm thế nào

Năm 2021, sản phẩm “Chè sạch Ba Trại” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu. (Ảnh: Kim Thoa).

Năm 2021, sản phẩm “Chè sạch Ba Trại” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Giờ đây, với diện tích trồng chè lên tới 471ha, trong đó có 60ha chè đạt chuẩn VietGAP, Ba Trại không chỉ phát triển kinh tế mà còn mở ra hướng đi mới trong việc phát triển du lịch sinh thái và nông nghiệp bền vững.

Với cảnh quan đồi chè xanh ngút mắt, khí hậu mát mẻ và văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc miền núi, Ba Trại đang thu hút sự chú ý của du khách. Nhiều tour du lịch trải nghiệm vườn chè, tham quan quy trình sản xuất chè và thưởng thức hương vị chè ngay tại nương đã được các công ty du lịch khai thác.

Ngay khi bước chân đến Ba Trại, du khách được đón tiếp nồng hậu bởi người dân địa phương. Họ sẵn sàng kể cho bạn nghe những câu chuyện về nghề chè đã được truyền từ đời này sang đời khác, như cách mà ông Nguyễn Quang Hùng - người đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề, chia sẻ.

"Ngày xưa, việc sao chè rất vất vả, hoàn toàn thủ công, từ việc kiểm soát nhiệt độ lửa đến quá trình sao chè đều phải làm bằng tay. Bây giờ, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, chúng tôi đã có máy móc hiện đại hỗ trợ, quá trình sao chè đã nhanh chóng và hiệu quả hơn rất nhiều", ông Hùng nói.

Làm thế nào

Ông Nguyễn Quang Hùng - người dân làng nghề chè thôn 3, xóm Đô, xã Ba Trại (Ảnh: Kim Thoa).

Du khách không chỉ đơn thuần đến để nghe kể chuyện, mà còn có cơ hội trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất chè. Từ việc hái những búp chè tươi ngon trên đồi chè, đến quá trình sao chè, sấy chè dưới sự hướng dẫn tận tình của người dân địa phương. 

Những đôi bàn tay khéo léo, những thao tác tỉ mỉ sẽ giúp bạn cảm nhận được niềm đam mê và sự tận tâm của họ với nghề.

"Việc kết hợp giữa trồng chè và du lịch vừa giúp chúng tôi có thêm nguồn thu nhập, vừa là cách để giới thiệu thương hiệu chè Ba Trại đến với nhiều người hơn. Du khách đến đây không những thưởng thức trà mà còn hiểu hơn về văn hóa, tập quán của làng nghề", ông Hùng bày tỏ.

Làm thế nào
Làm thế nào

Du khách có thể trải nghiệm các công đoạn như hái chè, sao chè, sấy chè.... (Ảnh: Kim Thoa).

Kết hợp làm sản phẩm du lịch nông nghiệp với nông hộ ông Nguyễn Quang Hùng, TS. Ngô Kiều Oanh - chủ homestead (Trang trại Đồng quê Ba Vì) cho biết:

"Chúng tôi muốn biến những trải nghiệm tại Ba Trại thành một phần không thể thiếu của hành trình khám phá văn hóa làng nghề Việt Nam. Việc kết hợp cùng nông hộ của ông Hùng không chỉ là để quảng bá chè Ba Trại mà còn mở ra cơ hội để du khách có thể tận hưởng không gian xanh, yên bình của vùng nông thôn”, TS.Oanh bày tỏ.

Làm thế nào

Du khách đến vùng chè Ba Trại sẽ được người dân nơi đây kể về câu chuyện về nghề chè đã được truyền từ đời này sang đời khác (Ảnh: Kim Thoa).

Trong chuyến khảo sát vùng chè Ba Vì, ông Trịnh Quang Dũng - Phó Trưởng ban Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam - đã gợi mở một ý tưởng độc đáo nhằm nâng cao trải nghiệm thưởng trà tại Ba Trại.

Theo ông Dũng, việc quay lại sử dụng những chiếc ấm truyền thống và chén tròn không chỉ giúp giữ trọn vẹn hương vị của trà mà còn mang đậm tính văn hóa.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Chén tròn không chỉ là công cụ thưởng thức trà mà còn có thể được sử dụng để xoa mắt, giúp tan bọng mắt – một phương pháp dựa trên y học cổ truyền".

Cùng với sự phát triển của du lịch nông nghiệp trên cả nước, Ba Trại được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách muốn trải nghiệm văn hóa làng nghề và tham gia vào quá trình sản xuất chè. 

Tuy nhiên, hiện tại các hoạt động du lịch nơi đây vẫn còn nhỏ lẻ và tự phát, chưa có sự đầu tư bài bản để phát huy hết tiềm năng vốn có.

 Hướng đi nào cho tương lai?

Dù sở hữu tiềm năng lớn về phát triển du lịch nông nghiệp, vùng chè Ba Trại vẫn đang loay hoay trong giai đoạn sơ khai. Để phát triển bền vững và trở thành một điểm đến hấp dẫn, Ba Trại còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Chia sẻ với Người Đưa Tin, GS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - nguyên Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch Trường Đại học Thương Mại, đã chỉ ra một số tồn tại đáng chú ý. Bà cho rằng, nét văn hóa đặc trưng của vùng chè chưa được khai thác một cách sâu sắc. 

Cần phải thúc đẩy sự liên kết, không chỉ giữa các nhà sản xuất chè mà còn với các doanh nghiệp lữ hành, các homestay trong khu vực để tạo thành một mạng lưới du lịch đa dạng.

 

Để hiện thực hóa tiềm năng đó, GS.TS Hồng nhấn mạnh: "Ngoài các sản phẩm chè hấp dẫn, cần chú trọng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông và các dịch vụ tiện ích nhằm phục vụ du khách tốt hơn. 

Chỉ khi đảm bảo những điều kiện này, chúng ta mới có thể xây dựng Ba Trại thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, không chỉ là nơi sản xuất chè mà còn là một điểm đến khó quên", vị GS.nói.

Làm thế nào

GS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng - nguyên Trưởng khoa Khách sạn - Du lịch Trường Đại học Thương Mại (Ảnh: Kim Thoa).

Một yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển du lịch nông nghiệp tại Ba Trại chính là sự hợp tác với các công ty lữ hành. Việc kết nối này không chỉ giúp quảng bá sản phẩm chè đến du khách mà còn mở rộng cơ hội cho du lịch trải nghiệm tại Ba Trại.

"Liên kết với các trường học cũng là hướng đi tiềm năng, đặc biệt là đối tượng học sinh. Điều này không chỉ nâng cao nhận thức về giáo dục môi trường mà còn là cơ hội để phát triển du lịch học đường. 

Đặc biệt, sinh viên các ngành liên quan đến du lịch hoặc nông nghiệp có thể đóng góp rất nhiều vào việc thúc đẩy du lịch bền vững tại địa phương", GS.TS Hồng cho biết.

Hướng tới một tương lai du lịch bền vững, Ba Trại cần chú trọng hơn đến việc bảo vệ môi trường và cải thiện trải nghiệm du lịch. Một trong những giải pháp thiết thực có thể là việc áp dụng các phương tiện thân thiện với môi trường như xe điện hoặc khuyến khích du khách đi bộ giữa các điểm tham quan.

"Điều này không chỉ góp phần bảo vệ cảnh quan, mà còn tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo tồn sự trong lành của môi trường sinh thái", GS.TS Hồng chia sẻ thêm.

Làm thế nào

Đồng tình với quan điểm của GS.TS Nguyễn Thị Nguyên Hồng, ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy cũng có những chia sẻ sâu sắc về cách thức tạo nên những trải nghiệm thực sự độc đáo và đáng nhớ cho du khách.

Theo ông Tuyên, vùng chè Ba Trại sở hữu rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng du lịch hiện đại đòi hỏi một mức độ chuyên nghiệp cao hơn trong việc thiết kế và thực hiện các hoạt động trải nghiệm.

“Trải nghiệm du lịch không chỉ là việc tham gia vào một loạt các hoạt động, mà nó phải được thiết kế sao cho du khách thực sự được đắm mình trong văn hóa và có những kỷ niệm sâu sắc”, ông chia sẻ.

Mặc dù vùng chè Ba Trại nổi tiếng với sản phẩm chè thơm ngon, thế nhưng ông Tuyên chỉ ra rằng điểm yếu của khu vực này là chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt so với những vùng chè nổi tiếng khác.

Làm thế nào

Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty lữ hành Travelogy (Ảnh: Kim Thoa).

“Khi du khách muốn tham quan một vùng chè, họ thường kỳ vọng sẽ được thấy những đồi chè bạt ngàn, mênh mông, nơi họ có thể chụp ảnh, vui chơi, và tìm hiểu về quy trình sản xuất chè ngay tại vườn. Nhưng tại Ba Trại, nhiều hộ chỉ có khoảng 1ha chè, quy mô sản lượng còn nhỏ, khiến trải nghiệm của du khách chưa được trọn vẹn”, ông nói.

Theo ông Tuyên, nếu muốn đưa văn hóa chè vào du lịch một cách bền vững và độc đáo, Ba Trại cần chú trọng hơn nữa vào chất lượng trải nghiệm. Điều này đòi hỏi việc xây dựng các hoạt động phải rất tỉ mỉ và chi tiết. 

Một yếu tố quan trọng khác mà ông Tuyên đề cập là phương pháp chăm sóc cây chè, đặc biệt là hướng đi hữu cơ, vốn đang trở thành xu hướng toàn cầu trong nông nghiệp bền vững.

Ông chỉ rõ: "Trước đây, người dân ít quan tâm đến việc chăm sóc hữu cơ, nhưng bây giờ đây là điều cần thiết. Từ việc bón phân cho đến cách bảo vệ cây trồng, tất cả đều phải được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng chè và bảo vệ môi trường".

Đặc biệt, ông Tuyên đưa ra một ý tưởng sáng tạo để tăng thêm tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa cho vườn chè Ba Trại. 

"Đánh thức" vùng chè Ba Trại thành điểm đến du lịch hấp dẫn- Ảnh 9.

Việc khai thác du lịch tại Ba Trại còn manh mún và tự phát, đòi hỏi một chiến lược bền vững để phát triển xứng tầm (Ảnh: Kim Thoa).

Ông chia sẻ kinh nghiệm từ một số vùng chè khác, nơi người dân trồng xen kẽ cây hoa mộc lan trong các luống chè, tạo nên một không gian thơm ngát, quyện hương giữa chè và hoa.

"Ba Trại cũng có thể chọn một loại cây đặc trưng để tạo nên câu chuyện hấp dẫn cho du khách. Mùi hương từ cây cỏ kết hợp với chè sẽ không chỉ tạo cảm giác dễ chịu mà còn khắc sâu vào ký ức du khách về một vùng chè đặc biệt", ông gợi ý.

Bên cạnh việc cải thiện cảnh quan và quy trình sản xuất, ông Tuyên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc mang lại cho du khách những trải nghiệm gần gũi hơn với văn hóa bản địa. 

Ông đề xuất rằng Ba Trại có thể cung cấp trang phục truyền thống của người Mường, người Dao nơi đây cho du khách mặc trong quá trình tham quan và thu hoạch chè. 

"Việc mặc trang phục như người dân địa phương, tham gia hái chè và trực tiếp trải nghiệm quá trình sản xuất sẽ giúp du khách hiểu hơn về cuộc sống của người trồng chè, đồng thời tạo ra những trải nghiệm thực sự sống động và ý nghĩa", ông Tuyên nói thêm.

Bình luận