Những chính sách làm thay đổi diện mạo cây ăn quả Mộc Châu

Bình luận · 39 Lượt xem

Với diện cây ăn quả hơn 10.300ha, Mộc Châu là một trong những địa phương sớm tìm đường xuất khẩu cho trái cây ở Sơn La.

Với diện cây ăn quả hơn 10.300ha, trong đó cây mận hậu 3.710ha, nhãn 1.771ha, xoài 1.556ha, mơ 548ha, chuối 780ha, bơ 562ha,… sản lượng quả các loại hàng năm đạt hơn 61.508 tấn, Mộc Châu là một trong số những địa phương sớm tìm đường xuất khẩu cho trái cây ở Sơn La.

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mộc Châu chia sẻ: Mục tiêu của huyện là tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đa dạng hóa các loại cây trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

“Quan trọng nhất là xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu nông sản Mộc Châu. Những năm gần đây, ngoài mận hậu, Mộc Châu phát triển nhiều loại cây ăn quả mới có giá trị kinh tế rất cao như dâu tây, hồng giòn, cam, nho hạ đen….”, ông Thành khẳng định.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều mô hình rau quả ở Mộc Châu đã đáp ứng các tiêu chuẩn để có thể đi đến bất cứ thị trường nào. Điển hình như mô hình rau an toàn các loại ở các xã: Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông đạt 400-500 triệu đồng/ha; mô hình cam không hạt (cam Navel) đạt 600 triệu/ha; mô hình quả mận hậu chất lượng cao đạt 400-500 triệu đồng/ha; mô hình thanh long vỏ vàng ở thị trấn Mộc Châu đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/ha; mô hình nho hạ đen 4 tỷ đồng/ha…

Đặc biệt Mộc Châu cùng với tỉnh Sơn La đang xây dựng thương hiệu dâu tây, loại cây trồng đã được khẳng định có tiềm năng, lợi thế và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay toàn huyện đã có trên 150 cơ sở sản xuất, trong đó có trên 130 hộ nông dân với diện tích khoảng 120ha, năng suất bình quân ước đạt 15 tấn/ha. Cùng với đó là diện tích chanh leo, đặc biệt là chanh leo vàng đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với bà con mở rộng diện tích.

Ngoài sản xuất hướng đến xuất khẩu, nhiều nhà vườn ở Mộc Châu cũng đầu tư, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm nông sản. Ảnh: Quang Dũng.

Ngoài sản xuất hướng đến xuất khẩu, nhiều nhà vườn ở Mộc Châu cũng đầu tư, thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm nông sản. Ảnh: Quang Dũng.

Giám đốc Công ty TNHH Lỏi Tươi Agrico Mộc Châu Nguyễn Thạch Tùng Linh, một trong những doanh nghiệp tiên phong liên kết ở Mộc Châu, cho biết: Với năng suất hơn 50 tấn/ha, giá thị trường ổn định trên dưới 100.000 đồng/kg, ngày càng có nhiều người Mộc Châu trở nên giàu có từ chanh leo vàng. Nếu tổ chức sản xuất tốt, xây dựng vùng nguyên liệu chuẩn và liên kết doanh nghiệp chế biến sâu, chắc chắn chanh leo sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của huyện Mộc Châu.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Sở NN-PTNT Sơn La khẳng định, tỉnh đang xây dựng giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao giá trị nông sản. Trong đó tập trung một số giải pháp như hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia; đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh ở trong và ngoài nước.

Cùng với đó là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững, ổn định trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử.

Phát triển công nghiệp chế biến nông sản, ngành nghề dịch vụ ở nông thôn, ưu tiên hỗ trợ các sản phẩm lợi thế của tỉnh đủ điều kiện xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí và nâng cao giá trị nông sản.

Ngoài ra, một chủ trương nữa của ngành nông nghiệp Sơn La là hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp (kho, bến, bãi, nhà máy chế biến, trạm, trại giống...) gắn vùng sản xuất với chế biến, thương mại.

Thời gian tới, Sơn La tiếp tục chú trọng thu hút đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh.

Bình luận