Hợp tác thay đổi diện mạo sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc

Bình luận · 12 Lượt xem

Sự hợp tác của cả khối công và khối tư trong chuỗi sản xuất khoai tây bền vững đang mở ra cho nông dân các tỉnh phía Bắc cơ hội tăng thu nhập.

Ngành hàng khoai tây còn nhiều dư địa phát triển

Ngày 25/10 tại Hải Dương, nhóm công tác PPP (đối tác công - tư) về rau quả trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) thuộc Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ và canh tác khoai tây tại các tỉnh phía Bắc.

Theo ông Lê Quốc Thanh, ngành hàng khoai tây Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Lê Quốc Thanh, ngành hàng khoai tây Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) đại diện khối công; Công ty TNHH Thực phẩm Pepsico Việt Nam (Pepsico Việt Nam) và Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (Syngenta Việt Nam) đại diện khối tư.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết, Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt với mục tiêu đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8 - 10 tỷ USD và thu hút đầu tư mới 50 - 60 cơ sở chế biến rau quả có quy mô lớn và vừa; xây dựng, phát triển thành công một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến rau quả hiện đại ngang tầm khu vực, thế giới với khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Để triển khai các hoạt động cụ thể, Bộ NN-PTNT đã ra quyết định thành lập đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) gồm 8 nhóm công tác ngành hàng PPP (gạo, cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, hóa chất nông nghiệp và chăn nuôi). Các nhóm này tập trung vào kết nối những tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Nhóm công tác PPP rau quả do Trung tâm KNQG, Pepsico và Syngenta đồng chủ trì dù mới bắt đầu hoạt động nhưng đã có nhiều nỗ lực đáng khích lệ, đặc biệt trong hợp tác phát triển chuỗi giá trị khoai tây.

Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu khoai tây. Theo ước tính, nhu cầu của các nhà máy chế biến lên tới 180.000 tấn nguyên liệu/năm. Sản lượng khoai tây sản xuất trong nước mới đáp ứng được 35 - 40%, còn lại phải nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Điều đó cho thấy ngành hàng khoai tây Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển.

Theo ông Nguyễn Kim Hành, việc Pepsico mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây ra phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có thu nhập ổn định. Ảnh: Trung Quân.

Theo ông Nguyễn Kim Hành, việc Pepsico mở rộng vùng nguyên liệu khoai tây ra phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội có thu nhập ổn định. Ảnh: Trung Quân.

Tại các tỉnh phía Bắc, diện tích sản xuất cây vụ đông hàng năm khoảng 400.000ha, trong đó khoai tây dao động 15.000 - 18.000ha, sản lượng 250.000 - 320.000 tấn. Tuy nhiên, với ưu đãi về điều kiện đất đai và thời tiết, tiềm năng sản xuất khoai tây các tỉnh phía Bắc có thể đạt khoảng 150.000 - 200.000ha/năm. Đây là điều kiện thuận lợi cho chuỗi phát triển sản xuất khoai tây, đặc biệt là khoai tây dành cho chế biến phát triển.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với sản xuất khoai tây tại các tỉnh phía Bắc là quy mô nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao, khu vực sản xuất tập trung dần được hình thành nhưng vẫn dựa trên các nông hộ nhỏ lẻ và phân tán, gây khó khăn trong việc đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ.

Diện tích trồng khoai tây chưa có quy hoạch do phải cạnh tranh với các rau quả khác, tổ chức liên kết sản xuất còn yếu, năng suất và chất lượng chưa cao, chi phí sản xuất còn cao, công tác quản lý chất lượng giống chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Theo ông Lê Quốc Thanh, để phát triển nhanh và bền vững ngành hàng khoai tây, cần có sự liên kết chặt chẽ trong việc hình thành vùng nguyên liệu khoai tây gắn với chế biến, tiêu thụ. Ở đó, nông dân được cung cấp nguồn giống đảm bảo, hướng dẫn áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để canh tác khoai tây hiệu quả, an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải. Trong khi đó, doanh nghiệp sẽ chủ động được nguồn cung nguyên liệu chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. 

Trong khuôn khổ hội thảo, đông đảo nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tới tham quan, học tập kinh nghiệm chăm sóc khoai tây ứng dụng công nghệ tiên tiến tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: Trung Quân.

Trong khuôn khổ hội thảo, đông đảo nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng tới tham quan, học tập kinh nghiệm chăm sóc khoai tây ứng dụng công nghệ tiên tiến tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương). Ảnh: Trung Quân.

Cơ hội lớn cho nông dân gia tăng thu nhập

Đại diện khối tư, ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp Pepsico Việt Nam chia sẻ, thực tế cho thấy hiện nay nhiều nông dân vẫn chưa mặn mà với việc trồng khoai tây do những trở ngại như thiếu nguồn giống chất lượng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, áp lực sâu bệnh hại lớn, yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp chế biến về chất lượng, an toàn thực phẩm...

Do đó, các doanh nghiệp và đối tác đã xây dựng mô hình sản xuất khoai tây khép kín từ chăm sóc, đất, giống, xử lý hạt giống, thuốc BVTV, phân bón, tưới tiêu, kỹ thuật canh tác, bao tiêu đầu ra, chế biến sản phẩm, sử dụng năng lượng tái tạo.

Năm 2023, Pepsico, Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị đã ứng dụng hàng loạt giải pháp công nghệ mới trong sản xuất khoai tây. Kết quả cho thấy năng suất trung bình đạt 30 - 34 tấn/ha. Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh giúp giảm 2 lần phun thuốc/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha; sử dụng drone giảm hơn 10 lần lượng nước pha thuốc BVTV.

Sau hơn 10 năm triển khai trồng khoai tây tại các tỉnh Tây Nguyên và chuẩn bị vùng nguyên liệu cho nhà máy thực phẩm mới của Pepsico tại Hà Nam với công suất dự kiến hơn 20.000 tấn snack/năm, Pepsico đã mở rộng mô hình sản xuất khoai tây ra các tỉnh phía Bắc nhằm đảm bảo chuỗi cung ứng nguyên liệu tại chỗ để phục vụ chế biến với chất lượng sản phẩm cao cho thị trường Việt Nam.

Các mô hình thí điểm trồng khoai tây nguyên liệu trong vụ đông xuân 2023 - 2024 ở Thanh Hóa và Hải Dương đã mang lại kết quả nổi bật. Năng suất khoai tây cao hơn đáng kể (33 tấn/ha tại Thanh Hóa), tiết kiệm nước và tăng thu nhập cho nông dân.

Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh trên khoai tây giúp giảm 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Bộ giải pháp quản lý sâu bệnh trên khoai tây giúp giảm 2 lần phun thuốc BVTV/vụ, tiết kiệm 2 triệu đồng/ha cho nông dân. Ảnh: Trung Quân.

Trong vụ đông xuân 2024 - 2025, Pepsico tiếp tục phối hợp với Syngenta và các đối tác trong chuỗi giá trị khoai tây triển khai thực hiện 9 mô hình sản xuất khoai tây bền vững ứng dụng công nghệ cao tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng (Hải Dương, Thanh Hóa, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc...) với tổng diện tích dự kiến đạt 23ha.

Việc Pepsico Việt Nam mở rộng vùng nguyên liệu ra phía Bắc giúp nông dân có thêm lựa chọn cây trồng và cơ hội để có thu nhập ổn định từ việc trồng khoai tây. Bên cạnh việc được tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng phân bón, thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm, bà con nông dân trồng khoai tây khu vực phía Bắc còn được hướng dẫn nâng cao năng lực quản lý tài chính và sản xuất an toàn. Công ty cũng giúp các hộ ứng dụng số hóa trong nông nghiệp như thăm đồng bằng drone, quản lý canh tác, điều chỉnh nước tưới ngay trên ứng dụng điện thoại...

Bình luận