Đảm bảo an toàn dịch bệnh gia cầm khi tăng đàn

Bình luận · 13 Lượt xem

Từ đầu năm 2024 đến nay, đàn gia cầm tại tỉnh Đắk Nông tăng mạnh, để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi, công tác phòng dịch được chú trọng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Đắk Nông, tổng đàn gia cầm của tỉnh hiện đạt gần 3,2 triệu con, tăng hơn 0,9 triệu con so với cùng kỳ năm 2023, bằng 104% kế hoạch năm. Toàn tỉnh hiện có 66 trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô lớn, khoảng 25.000 mô hình chăn nuôi gia cầm nông hộ, nhỏ lẻ, tập trung tại các huyện Tuy Đức, Đắk Song, Krông Nô, Cư Jút.

Một trong số những địa phương có đàn gia cầm tăng mạnh là huyện Đắk Mil, đạt gần 510.000 con, tăng khoảng 85.000 con so với cùng kỳ. Toàn huyện có 17 trang trại gà, 4 trang trại vịt. Những mô hình chăn nuôi quy mô trang trại ngày càng phát triển mạnh.

Tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt của gia đình anh Nguyễn Tăng Hưng ở xã dù chỉ ở quy mô nông hộ, nhưng khá hiệu quả. Anh Hưng cho biết, từ nhiều năm nay gia đình anh đã duy trì việc chăn nuôi gia cầm.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tuy tình hình giá cả vật tư, thức ăn chăn nuôi vẫn đang ở mức cao nhưng anh Hưng vẫn duy trì ổn định số lượng đàn vịt 7.000 con. “Vịt Bắc Kinh siêu thịt chỉ nuôi từ 50-60 ngày, đạt trọng lượng từ hơn 3kg trở lên là xuất bán. Với giá bình quân 45.000 đồng/kg, mỗi con vịt lãi khoảng 7.000 đồng”, anh Hưng nói.

Cùng với việc tăng đàn, nguy cơ về dịch bệnh cũng tăng theo, vì thế, công tác phòng dịch bệnh, đảm bảo chăn nuôi an toàn, đạt hiệu quả kinh tế luôn được chú trọng.

Theo anh Hưng, một trong số những căn bệnh phổ biến và gây tử vong cao cho vịt là dịch tả. Tất cả các giống vịt ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Khi vịt bị bệnh thường có biểu hiện chủ yếu là sốt cao, sưng đầu, chảy nước mắt, chân mềm yếu, bại liệt, phân xanh.

Bệnh này có thể xảy ra quanh năm, với vịt chăn thả, bệnh lây lan mạnh hơn. Bởi nguồn lây lan chủ yếu là từ vịt bệnh sang vịt khoẻ, lây gián tiếp qua thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi và bãi chăn thả bị ô nhiễm.

"Để phòng dịch, mình phải mua vịt giống có nguồn gốc, ở cơ sở có uy tín, tốt nhất là tự túc con giống. Tiêm vacxin phòng dịch tả cho đàn vịt ngay khi nhập về, nếu nơi cung ứng con giống đã tiêm rồi đối với vịt nuôi thịt không cần tiêm lần 2, còn với vịt đẻ phải tiêm nhắc sau 45 ngày và sau mỗi 6 tháng. Giữ vệ sinh nguồn thức ăn, chuồng nuôi, nơi thả vịt. Nuôi số lượng lớn càng phải tăng cường vệ sinh chuồng trại kỹ hơn”, anh Hưng nói.

Đàn vịt siêu thịt của anh Nguyễn Tăng Hưng luôn khỏe mạnh nhờ phòng dịch bệnh tốt. Ảnh: Hồng Thủy.

Đàn vịt siêu thịt của anh Nguyễn Tăng Hưng luôn khỏe mạnh nhờ phòng dịch bệnh tốt. Ảnh: Hồng Thủy.

Anh Trần Văn Thắng, một trong số những hộ có mô hình chăn nuôi gà lâu năm tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp cho biết, hiện anh đang nuôi đàn gà lai hơn 1.000 con theo hình thức bán thả vườn.

“Tôi nuôi gà gần 2 chục năm nay, cũng từng thất bại do dịch bệnh, nên cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm. Để chăn nuôi an toàn, đầu tiên là phải chọn mua con giống từ nguồn uy tín. Con giống chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được các ngành chức năng xác nhận. Nhập về là phải tiêm chủng ngừa bệnh ngay. Trong quá trình nuôi, luôn tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho cả đàn. Tăng sức đề kháng cho gà bằng cách chế phẩm sinh học như tỏi nghiền trộn cám, trong vườn trồng nhiều bụi sả cho gà ăn”, anh Thắng nói.

Theo ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân Đắk Nông, qua phối hợp, trao đổi, nắm bắt với ngành nông nghiệp địa phương, từ đầu năm đến nay, đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát triển mạnh. Để đảm bảo an toàn cho đàn gia cầm, các ngành chức năng và địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân triển khai các biện pháp an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn tăng cường siết chặt kiểm tra, kiểm soát nhằm bảo đảm nguồn giống chất lượng cao và có xuất xứ rõ ràng cung ứng ra thị trường.

Tiêu độc, khử trùng các vùng chăn nuôi, buôn bán, tiêu thụ gia cầm được thực hiện định kỳ nhằm phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Tiêu độc, khử trùng các vùng chăn nuôi, buôn bán, tiêu thụ gia cầm được thực hiện định kỳ nhằm phòng tránh dịch bệnh. Ảnh: Hồng Thủy.

Song song đó, các trạm kiểm dịch động vật nội địa nằm tại các cửa khẩu Đắk Peur và Bu P'răng tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông, quản lý thị trường, đồn biên phòng, hải quan, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh mỗi ngày.

Qua công tác thực tế, các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm dịch tại cơ sở gốc. Đồng thời, duy trì chế độ trực giờ tại các chốt kiểm dịch đầu mối giao thông 24/24. Tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới luôn được giám sát chặt chẽ. Đối với người và phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn tỉnh,... Đắk Nông chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm này.

“Trong hơn nửa đầu năm 2024, thông qua các ngành chức năng địa phương chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không xảy ra ổ dịch bệnh nguy hiểm nào, sức khỏe đàn gia cầm của tỉnh Đắk Nông luôn ổn định. Có được kết quả này là do được ngành nông nghiệp quan tâm theo sát, lấy mẫu kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện sớm các ổ dịch.

Các hoạt động về vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại tại các địa điểm có nguy cơ như đầu mối giao thông, cửa khẩu, chợ, lò giết mổ gia súc, gia cầm… được các ngành chức năng tỉnh thực hiện thường xuyên”, ông Hồ Gấm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông chia sẻ.

Bình luận