Đàn gà lai 18M1 khỏe mạnh nhờ được nuôi an toàn sinh học

Bình luận · 10 Lượt xem

Nhờ được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đàn gà thương phẩm 18M1 của người dân đã có sức khỏe tốt, khối lượng lớn, chất lượng thịt thơm ngon.

Giống gà mới đi cùng kỹ thuật mới

Là 1 trong 2 hộ đầu tiên tại tỉnh Thái Nguyên tiên phong đi đầu trong việc nuôi thử giống gà lai 18M1, lứa 2.000 con hiện nay đã là lứa thứ 3 ông Miêu Văn Tân (xã Sơn Cẩm, TP. Thái Nguyên) bén duyên với giống gà mới này.

Tuy là giống gà thương phẩm mới, được lai tạo giữa con trống 18GA04 và con mái LV, nhưng sở dĩ người dân đã nuôi đến 3 lứa là do giống gà này hội tụ rất nhiều ưu điểm từ con bố mẹ.

“Sau 3 lứa nuôi, tôi rất hài lòng với giống gà 18M1 mới này do có nhiều ưu điểm vượt trội như gà nhanh thuần, khối lượng lớn, sức đề kháng tốt, không kén thức ăn, chịu được nền nhiệt cao. Mùa hè đàn gà chịu nắng nóng tốt nên rất phù hợp với hình thức chăn thả. Nhờ việc có thể kết hợp chăn nuôi bán công nghiệp, thả vườn nên chất lượng thịt thơm ngon”, ông Miêu Văn Tân phấn khởi chia sẻ.

Sau 3 lứa nuôi, ông Miêu Văn Tân cảm thấy hài lòng với giống gà mới 18M1 do có nhiều ưu điểm vượt trội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sau 3 lứa nuôi, ông Miêu Văn Tân cảm thấy hài lòng với giống gà mới 18M1 do có nhiều ưu điểm vượt trội. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo người dân, cùng với việc triển khai chăn nuôi giống gà lai mới 18M1, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên cũng đã cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp cho các hộ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, phòng bệnh bằng vacxin, nên đàn gà có tỷ lệ nuôi sống cao, tỷ lệ chọn gà đẻ đạt yêu cầu.

Đặc biệt, cán bộ chỉ đạo kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ làm đệm lót sinh học từ các chế phẩm vi sinh và trấu. Nhờ đó, phân huỷ hết chất thải chăn nuôi, giúp hạn chế mùi hôi thối, giảm khí độc trong chuồng trại một cách rõ rệt, không gây ô nhiễm môi trường.

“Có thể thấy đàn gà được nuôi trên nền đệm lót sinh học và chuồn trại sạch sẽ có thể sinh trưởng phát triển tốt, giúp đàn gà giảm tỷ lệ mắc bệnh đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa. Vì vậy, người chăn nuôi chúng tôi sẽ giảm được công và chi phí cho thuốc thú y trong việc phòng và điều trị bệnh cho đàn gia cầm”, ông Tân cho hay.

Ngoài ra, nhờ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên trong quá trình nuôi bà con sẽ không cần phải thay chất độn chuồng, từ đó giảm được tối đa công dọn chuồng và tận dụng, tạo nguồn phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 18M1 theo hướng an toàn sinh học phù hợp với thực tiễn sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 18M1 theo hướng an toàn sinh học phù hợp với thực tiễn sản xuất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT), mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 18M1 theo hướng an toàn sinh học phù hợp với điều kiện tự nhiên tại tỉnh Thái Nguyên.

Gà lai 18M1 khá dễ nuôi với nhiều phương thức nuôi khác nhau như nuôi nhốt, chăn thả, bán chăn thả; tăng trọng nhanh; sức đề kháng tốt; tỷ lệ sống đạt; chất lượng thịt gà thơm ngon; có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương nên giảm được giá thành, tăng lợi nhuận chăn nuôi; phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương và có thể nhân ra diện rộng ở các vùng sinh thái khác.

Cùng với đó, thông qua các lớp tập huấn, bà con đã được chuyển giao các kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, được tiếp cận chia sẻ kinh nghiệm thực tế và phù hợp với nhu cầu của người chăn nuôi đối với giống gà mới.

Cụ thể, bà con đã được hướng dẫn sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót giúp phân huỷ hết phân gà, từ đó giảm mùi hôi thối, khí độc trong chuồng trại, hạn chế ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi cho người dân.

Theo ông Lê Minh Lịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 18M1 theo hướng an toàn sinh học không chỉ phù hợp với thực tiễn sản xuất mà còn góp phần phát triển chăn nuôi gà lông màu tại các tỉnh thuộc các vùng miền khác nhau.

Mô hình cũng giúp nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi về kỹ thuật sản xuất con giống, quy trình chăn nuôi, liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Thông qua mô hình, người dân đã phần nào thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông qua mô hình, người dân đã phần nào thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông qua mô hình, người dân đã phần nào thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi an toàn sinh học, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới mang lại hiệu quả kinh tế, giảm ô nhiễm môi trường và tạo việc làm cho người dân địa phương.

“Việc đẩy mạnh chăn nuôi giống gà lai 18M1 sẽ giúp chủ động được nguồn giống tại địa phương, qua đó cung cấp những sản phẩm thịt gà đảm bảo an toàn, thơm ngon ra thị trường, đồng thời tạo ra sản phẩm đặc sản mang đậm bản sắc vùng miền, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, ông Lê Minh Lịnh phân tích.

Theo đó, lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng cần tuyên truyền rộng rãi những ưu điểm vượt trội của giống gà thương phẩm 18M1 đến người chăn nuôi nhằm nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bên cạnh một số kết quả nổi bật, mô hình chăn nuôi gà thương phẩm 18M1 theo hướng an toàn sinh học vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, việc xây dựng mô hình chăn nuôi gà bố mẹ đòi hỏi phải có kinh nghiệm và kỹ thuật như: Thực hiện đúng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, đặc biệt là tiêu chuẩn thức ăn để đàn gà đạt khối lượng chuẩn theo đúng yêu cầu của giống trong giai đoạn gà dò, hậu bị. Thực hiện nghiêm ngặt quy trình tiêm vacxin trong quá trình nuôi. Thực hiện quy trình ấp nở để sản xuất gà giống đảm bảo đủ số lượng và chất lượng...

Bên cạnh đó, các hộ thực hiện mô hình cần chủ động tái đàn để có kế hoạch phát triển sản xuất trong thời gian tới. Đồng thời tổ chức liên kết các hộ chăn nuôi tạo thành tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ nhau trong bao tiêu sản phẩm gà giống và gà thương phẩm để người dân yên tâm sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hộ chăn nuôi trên toàn tỉnh.

Một nhược điểm khác của giống gà thương phẩm 18M1 là do có màu lông và màu chân không đồng nhất, xem lẫn đen và vàng nên chưa thực sự phù hợp với một số người tiêu dùng cũng như phong tục thờ cúng tại địa phương.

Bình luận