Tập trung khôi phục sản xuất, phát triển nông nghiệp hàng hóa

Bình luận · 54 Lượt xem

Chiều 24/10, Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2024, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm. Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND

Dự hội nghị có các đồng chí: Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Văn Cài, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí Tổ trưởng, Tổ phó Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh.

mg-3058-9027-6129.jpg
Đồng chí Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh 9 tháng qua.

Từ đầu năm đến hết tháng 9, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do giá vật tư nông nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Đặc biệt, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại lớn đối với sản xuất nông nghiệp (khoảng 900 tỷ đồng)... Vì vậy, kết quả tăng trưởng toàn ngành quý III/2024 chỉ đạt 2,37% (giảm 1,13% so với cùng kỳ năm 2023). Theo tính toán sơ bộ, kết quả tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp cả năm 2024 có thể chỉ đạt 2,5%.

 

Đến hết quý III, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản toàn tỉnh ước đạt 10.250 tỷ đồng (giá hiện hành). Giá trị các ngành hàng chủ lực đạt 6.502 tỷ đồng, bằng 63,4% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Trong đó, một số ngành hàng chủ lực đạt giá trị cao như chè đạt 360 tỷ đồng; dược liệu đạt 380 tỷ đồng; dứa đạt 270 tỷ đồng, quế đạt 888 tỷ đồng; chăn nuôi lợn đạt 1.178,1 tỷ đồng...

123-638-2327.jpg
Lãnh đạo các ngành, địa phương phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các sở, ngành, địa phương đã thảo luận, làm rõ một số khó khăn, vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, mở rộng diện tích các cây trồng chủ lực, cây trồng tiềm năng; vấn đề thị trường, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến… đối với các ngành hàng chủ lực. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

mg-3098-1445-7037.jpg
Đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.
 

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quan trọng nhất là phát triển vùng trồng, phát triển HTX, tổ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ. Nhiều ngành hàng đã phát triển được vùng sản xuất (chè, quế…) nên cần tiếp tục xây dựng các chính sách phù hợp để chăm lo, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Các ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đối với việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, kêu gọi thu hút đầu tư vào sản xuất; tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm; đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nông dân trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đồng thời, ưu tiên phân bổ nguồn lực phù hợp để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

mg-3047-4110-7507.jpg
Đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kết luận hội nghị.

Kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp hàng hóa 9 tháng vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Vì vậy, những tháng cuối năm, các ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị tham gia khắc phục hậu quả của hoàn lưu bão số 3. Đặc biệt, triển khai kịp thời các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi thuộc ngành hàng chủ lực của tỉnh để sớm ổn định sản xuất, ổn định nguồn cung nguyên liệu hàng hóa cho chế biến và xuất khẩu.

Các ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp và phát triển các ngành hàng chủ lực; đẩy mạnh triển khai các dự án, kế hoạch hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các Chương trình MTQG; chủ động lồng ghép nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất; khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp...

 

Đồng chí Vũ Xuân Cường cũng yêu cầu các ngành, đơn vị, địa phương chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức công tác sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 10, trong đó đánh giá toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu và đề xuất giải pháp triển khai Nghị quyết 10 hiệu quả. Trên cơ sở những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp sớm tham mưu kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa năm 2025 cho Ban Chỉ đạo tỉnh.

Bình luận