Thanh long Sơn La xuất khẩu sang nhiều nước

Bình luận · 4 Lượt xem

Hiện thanh long của Hợp tác xã Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La) đã đáp ứng được các yêu cầu và được xuất khẩu sang nhiều nước EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Sau một hội thảo trồng thanh long theo quy trình hữu cơ năm 2017, các thương nhân đến từ nước ngoài đã vô cùng bất ngờ trước vị ngọt sắc của thanh long ở HTX Ngọc Hoàng (xã Nà Bó, Mai Sơn, Sơn La).

Chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Ngọc Hoàng tự hào chia sẻ: “Thanh long năm đó có 6 mẫu được trưng bày đến từ các tỉnh khác nhau, mẫu mã của chúng tôi tuy không được đẹp nhưng độ ngọt khiến tất cả đều bất ngờ, các vị khách đến từ nước ngoài ăn hết cả miếng, họ đặt vấn đề ngay vì quá thích”.

Một vị khách đến từ Singapore đã khao khát tìm mua thanh long ruột đỏ trên địa bàn tỉnh Sơn La và sẵn sàng cọc số tiền lớn để bảo đảm đầu ra, nhưng hồi đó không mấy ai tin hiệu quả từ cây thanh long mang lại.

Công tác bảo quản sau thu hoạch là khâu rất quan trọng để xuất khẩu thanh long. Ảnh: Đức Bình.

Công tác bảo quản sau thu hoạch là khâu rất quan trọng để xuất khẩu thanh long. Ảnh: Đức Bình.

Sơn La được ví như “điều hòa khổng lồ” của Tây Bắc, nơi có nhiều vùng tiểu khí hậu, nhiệt độ ngày và đêm chênh nhau 4 - 5 độ C, địa hình đồi núi, đây là những điều kiện tuyệt vời để phát triển cây thanh long. Với lợi thế này, hiện nay HTX Ngọc Hoàng đã sản xuất thanh long với chất lượng cao, quy trình đảm bảo các yêu cầu để xuất khẩu sang thị trường EU.

Để xuất khẩu, công tác kiểm tra được thực hiện rất gắt gao, nhiều đoàn từ nước ngoài sang Việt Nam lấy mẫu đất, nước để kiểm tra, ghi chép nhật ký sản xuất, tần suất phun thuốc hữu cơ, quy trình chăm sóc... Sau khi thu hoạch, HTX phải gửi 6 - 8 mẫu vào TP.HCM để tiếp tục kiểm nghiệm, khi đạt được các yêu cầu mới được xuất khẩu.

“Lúc chưa nắm chắc kiến thức, mình còn sử dụng thuộc BVTV hóa học, phun khi có rệp hay sâu nhưng giờ mình phải thay đổi, phân bón phải tìm hiểu kỹ không gây độc đến đất và cây, những chế phẩm phun để xua đuổi côn trùng đều rất đơn giản mà không độc hại như sử dụng sả, ớt, tỏi băm nhỏ ngâm với rượu”, chị Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc HTX Ngọc Hoàng chia sẻ.

Thanh long canh tác theo hướng hữu cơ tại HTX Ngọc Hoàng. Ảnh: Đức Bình.

Thanh long canh tác theo hướng hữu cơ tại HTX Ngọc Hoàng. Ảnh: Đức Bình.

Theo chị Dung, thanh long khi thu hái xong phải sắp xếp theo size quả, chia thành từng nhóm từ 3 - 8 lạng phù hợp với yêu cầu. Công tác vệ sinh cũng quan trọng không kém, có rệp hay trứng kiến phải lấy chuôi thìa khoét sạch, rửa nước lã, dùng máy sấy, lấy cồn lau lại, xong mới bọc để xuất hàng.

Thanh long được đóng vào các hộp xốp, chuyển đến kho với nhiệt độ bảo quản từ 2 - 4 độ C, chỉ cần một khâu không đảm bảo hay xuất hiện côn trùng trên quả, hàng sẽ bị trả lại.

Đến nay, HTX đã xuất khẩu hàng trăm tấn thanh long sang các nước khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc bằng đường hàng không. Dẫu vậy, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn dù đây là thị trường tiềm năng. Để xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc, không chỉ yêu cầu về mã vùng trồng mà mã cơ sở đóng gói cũng quan trọng không kém, trong khi ở Sơn La vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Bình luận