Dại, căn bệnh nguy hiểm âm thầm len lỏi trong cộng đồng

Bình luận · 7 Lượt xem

Hiện nhiều địa phương trong tỉnh có tỷ lệ tiêm vacxin phòng dại cho chó, mèo vẫn còn ở mức thấp, khiến nguy cơ bùng phát bệnh dại âm thầm len lỏi trong cộng đồng.

Tháng 8/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Sơn La ghi nhận trường hợp bé trai 8 tuổi nghi mắc bệnh dại sau khi trải qua các triệu chứng sốt cao liên tục, kèm theo sợ nước, ánh sáng và tình trạng cứng hàm. Kết quả xét nghiệm khẳng định cháu bé mắc bệnh dại.

Theo chia sẻ từ gia đình, cháu bị chó cắn hơn một tháng trước đó, nhưng do vết thương nhỏ và tưởng chừng không nghiêm trọng, gia đình đã chủ quan không đưa cháu đi tiêm phòng, dẫn đến hậu quả vô cùng đau lòng.

Ngày 25/9, tại huyện Thuận Châu, hai cháu bé khác bị chó dại tấn công khi đang đi ngoài đường. Cả hai được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để tiêm phòng vacxin. Sau sự việc này, huyện Thuận Châu đã ra quyết định công bố dịch bệnh dại trên địa bàn, tiến hành thống kê số lượng chó và phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tổ chức tiêm phòng dại tại các xã, bản.

Huyện cũng thành lập các đội chuyên trách bắt chó thả rông, đồng thời áp dụng xử phạt hành chính đối với những chủ nuôi không thực hiện tiêm phòng cho vật nuôi. Kết quả, sau hơn hai tuần triển khai cho thấy tỷ lệ tiêm phòng dại tại huyện đã đạt 78%.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La chia sẻ, tình hình bệnh dại đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều huyện. Mặc dù đã nỗ lực để kiểm soát nhưng tỷ lệ tiêm phòng dại còn thấp, trong khi tình trạng chó thả rông rất nhiều ngoài đường không có rọ mõm, mối nguy tiềm tàng cho cộng đồng.

Nhiều gia đình dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa thường không tiếp cận đủ thông tin và chủ quan trong việc phòng chống bệnh, đặc biệt là tiêm phòng cho bản thân và vật nuôi. Điều này khiến nhiều trường hợp khi phát bệnh đã trở nên quá nặng, không thể cứu chữa. Thêm vào đó, chi phí và thời gian để tiêm phòng cũng là rào cản lớn đối với nhiều hộ dân, khiến việc tiếp cận các biện pháp phòng ngừa trở nên khó khăn hơn.

Việc thả rông chó và tỷ lệ tiêm vacxin ở mức thấp khiến bệnh dại tiềm ẩn rủi ro rất lớn ngoài cộng đồng. Ảnh: Đức Bình.

Việc thả rông chó và tỷ lệ tiêm vacxin ở mức thấp khiến bệnh dại tiềm ẩn rủi ro rất lớn ngoài cộng đồng. Ảnh: Đức Bình.

Bác sĩ Nguyễn Thị San, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm - CDC Sơn La bày tỏ lo ngại về việc nhiều gia đình chưa nhận thức đầy đủ nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ chó mèo. Bà nhấn mạnh, virus dại lây lan rất nhanh, không chỉ khi bị cắn nặng mới có nguy cơ. Thậm chí, chỉ cần bị chó cào hoặc liếm vào vùng da có vết thương hở cũng có thể dẫn đến phơi nhiễm virus.

Đối với những người bị phơi nhiễm nhưng chưa từng được tiêm ngừa, thường tiêm 5 liều vacxin (0,5 ml/liều) vào các ngày 0, 3, 7, 14 và 28 trong tháng. Trường hợp phơi nhiễm nặng (mức độ III), cần tiêm thêm globulin miễn dịch kháng dại vào ngày 0 cùng với vacxin.

Nếu đã tiêm đủ phác đồ trong vòng 1 năm, chỉ cần tiêm nhắc lại 2 liều vào ngày 0 và ngày 3, còn tiêm đủ phác đồ nhưng đã quá 1 năm, cần tiêm lại 5 liều như phác đồ ban đầu. Giá tiêm một mũi vacxin hiện dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng, đây cũng là gánh nặng chi phí đối với bà con ở vùng khó khăn.

Trước tình hình đó, từ tháng 10/2024, tỉnh đã triển khai chương trình tiêm vacxin dại miễn phí tại 12 Trung tâm Y tế các huyện và thành phố. Đây là chương trình sử dụng vacxin dại SPEEDA, giúp người dân tiếp cận tiêm chủng dễ dàng hơn, tăng cường hiệu quả phòng ngừa bệnh dại trên diện rộng.

Theo báo cáo của CDC Sơn La, trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 4.000 người bị nghi phơi nhiễm với động vật mắc bệnh dại phải tiêm vacxin, trong đó đáng tiếc có một trường hợp tử vong do chủ quan không tiêm phòng kịp thời.

Đối với đàn gia súc, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, nhiều huyện thậm chí chưa đạt được 50% tổng đàn. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tổ chức tiêm phòng dại cho chó mèo trên toàn tỉnh với hình thức xã hội hóa, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát việc tiêm phòng tại địa phương, nhằm kiểm soát tốt hơn dịch bệnh dại trên động vật.

Bệnh dại có thể phòng ngừa hoàn toàn nếu người dân tuân thủ việc tiêm phòng kịp thời. Sự chủ quan và thiếu thông tin dẫn đến những hậu quả không mong muốn, như các trường hợp đã xảy ra tại Sơn La. Do đó, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm phòng dại cho cả người và vật nuôi là điều vô cùng cần thiết, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh dại đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh.

Bình luận