Nâng tầm giá trị nông sản xứ Thanh (Bài 1): Phát triển nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn

Bình luận · 42 Lượt xem

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU, ngày 11/1/2019 về tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, c?

Nhiều mô hình cho doanh thu tiền tỷ

Ngay sau khi Nghị quyết số 13-NQ/TU ra đời, các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để chuyển từ sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp sang sản xuất nông nghiệp UDCNC quy mô lớn theo hướng hàng hóa và bền vững hơn. Qua đó, công tác tích tụ tập, trung đất đai để phát triển nông nghiệp UDCNC quy mô lớn đã được triển khai rộng khắp tại 27 đơn vị cấp huyện, thu hút 121 doanh nghiệp, 162 HTX, tổ hợp tác và 13.551 hộ gia đình, cá nhân tham gia. Các địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai với nhiều hình thức khác nhau, bảo đảm đúng quy định và điều kiện thực tế sản xuất.

Từ năm 2019 đến hết năm 2024, toàn tỉnh tích tụ, tập trung ước đạt 29.461 ha để phát triển nông nghiệp UDCNC quy mô lớn thông qua hình thức thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tổ chức sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn liên kết, bao tiêu sản phẩm gồm nhiều hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm nông sản. Đồng thời, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp UDCNC quy mô lớn mang lại hiệu quả cao và từng bước được nhân rộng.

Tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Quảng Xương, Yên Định, Triệu Sơn, Nông Cống, Hoằng Hóa... các doanh nghiệp, HTX đã thuê đất hoặc chuyển nhượng đất, xây dựng nhà màng, nhà lưới trồng rau, hoa, quả, ứng dụng các công nghệ tiên tiến cho doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân Lê Thị Dung, cho biết: Nhờ tích tụ, tập trung đất đai, trên địa bàn huyện Thọ Xuân đã phát triển được 55,5ha nhà màng, nhà lưới tại các xã Thọ Lập, Thuận Minh, Thọ Hải, Thọ Lâm, Bắc Lương, Xuân Bái... Phần lớn các diện tích nhà màng chủ yếu sản xuất rau, dưa vàng, dưa lưới, hoa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, lắp đặt hệ thống điều khiển tưới tự động, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, đóng mở mái che bán tự động, thiết bị bay... doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Trên địa bàn các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Quảng Xương, Nông Cống và thị xã Nghi Sơn, người dân, doanh nghiệp đã tích tụ, tập trung đất đai đầu tư nuôi tôm thẻ thâm canh UDCNC trong nhà màng, nhà lưới theo công nghệ biofloc, doanh thu từ 3 - 4,5 tỷ đồng/ha/vụ, hiệu quả gấp nhiều lần so với nuôi truyền thống. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt cao hơn 4,43 lần, lĩnh vực thủy sản cao hơn 18,6 lần so với sản xuất đại trà; diện tích sản xuất theo hướng công nghệ cao lĩnh vực trồng trọt cao hơn 2,5 lần, lĩnh vực thủy sản cao hơn 9,5 lần, các lĩnh vực khác cao hơn ít nhất 1,5 lần so với sản xuất đại trà.

Huy động đa dạng các nguồn lực đầu tư phát triển

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp UDCNC, từ năm 2021 đến nay, Trung ương, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tài chính lớn như: WB, ADB, KEXIMBANK, JICA và tỉnh đã quan tâm, hỗ trợ ngành nông nghiệp, nông thôn khoảng 3.364 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ đã tạo động lực, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích cực thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp UDCNC quy mô lớn. Qua đó, toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển nhượng quyền sử dụng đất 5,5ha với kinh phí 632,2 triệu đồng; hỗ trợ thuê đất 4.375,4ha với kinh phí 25,3 tỷ đồng. Ngoài chính sách của tỉnh, một số địa phương cũng đã ban hành nghị quyết về cơ chế hỗ trợ thực hiện mô hình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng công nghệ cao, quy mô lớn. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 90 HTX nông nghiệp UDCNC trong sản xuất. Nhiều HTX nông nghiệp có UDCNC, tham gia các chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả, như: HTX dịch vụ CGH nông nghiệp Đông Tiến (Đông Sơn), HTX nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc), HTX Dịch vụ nông nghiệp và Phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân)...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để thúc đẩy nông nghiệp UDCNC gắn với phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương trong tỉnh đang tích cực thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để hoàn thiện các công trình về thủy lợi, điện, giao thông nội đồng... phục vụ cho các vùng sản xuất tập trung. Kết hợp giữa huy động nguồn vốn đầu tư của Nhà nước với nguồn lực từ doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác, trong Nhân dân để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. Nhất là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng các khu nông nghiệp công nghệ cao; các khu sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản... Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua các hình thức thuê đất, nhận chuyển nhượng và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất của các hộ dân để đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao.

Lê Hợi

Bình luận