Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiêp đô thị ở Nhơn Trạch (Đồng Nai)

Bình luận · 45 Lượt xem

Năm 2015, huyện Nhơn Trạch là một trong những địa phương thuộc tốp đầu của tỉnh Đồng Nai và cả nước được công nhận là huyện nông thôn mới (NTM). Trong công cuộc xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền huyện Nhơn Trạch luôn đ

Chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị

Những ngày đầu thành lập huyện, Nhơn Trạch gặp nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, độc canh cây lúa. Từ xuất phát điểm thấp, Nhơn Trạch tập trung phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ, hình thành nhiều khu công nghiệp lớn trên địa bàn. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền huyện luôn đặt nông nghiệp, nông thôn, nông dân ở vị trí chiến lược, là cơ sở để phát triển bền vững.

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp nên huyện Nhơn Trạch tập trung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chuyển từ cây lúa sang các mô hình chăn nuôi, trồng trọt cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Xã Phú Thạnh là một trong những địa phương của huyện sớm về đích xã NTM nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 92,4 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2020 - 2025 theo chuẩn của Trung ương là 0,21%. Đạt được kết quả trên nhờ địa phương tập trung quy hoạch các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và đang chuyển dần nông nghiệp nông thôn sang nông nghiệp đô thị, thương mại dịch vụ, mang lại hiệu quả.

Với lợi thế có diện tích nước lợ lớn nhất tỉnh, huyện Nhơn Trạch định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ. Toàn huyện hiện có 1.769 ha nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là thủy sản nước lợ. Trong đó, có 333 ha nuôi tôm thâm canh gồm: tôm thẻ chân trắng và tôm sú. Mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm nước lợ đang thuộc tốp đầu về hiệu quả kinh tế của địa phương. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích nông dân, doanh nghiệp nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm thâm canh, huyện rất quan tâm đầu tư hạ tầng như: đường giao thông, đường điện, hệ thống thủy lợi cho các vùng nuôi thủy sản; phát triển vùng nuôi tôm VietGAP gắn với chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo hướng bền vững.

Ông Nguyễn Huy Bình, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp thủy sản Thành Công tại xã Phước An chia sẻ, năm 2023, hợp tác xã thuê thêm 13 ha đất đầu tư 26 ao nuôi tôm công nghệ cao, nâng tổng diện tích nuôi tôm lên 30 hécta. Công nghệ trong nuôi tôm ngày càng được cải tiến, hệ thống ao nuôi được đầu tư bài bản hơn, giúp tăng số vụ nuôi/năm; sản lượng thu hoạch mỗi vụ cũng tăng hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống.

Theo ông Phạm Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An, vài năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao tại địa phương tăng đều qua từng năm. Đến nay, toàn xã có gần 170 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ. Nhờ ứng dụng công nghệ, xử lý tốt môi trường nuôi nên hầu như không xảy ra tình trạng thiệt hại do dịch bệnh hoặc nuôi không đạt sản lượng. Địa phương rất quan tâm, đầu tư về hạ tầng như đường, điện cho các vùng chuyên canh nuôi tôm công nghệ cao, khuyến khích nhân rộng mô hình đang thuộc tốp đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao này.

Từ tuyên truyền đến đồng thuận xây dựng nông thôn mới

Để có được những kết quả nổi bật trong chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng NTM và nâng cao đời sống cho người dân, một trong những yếu tố góp phần làm nên thành công của huyện Nhơn Trạch là công tác tuyên truyền về xây dựng NTM được thực hiện một cách sâu rộng đến từng tổ dân, hộ gia đình với nhiều hình thức đa dạng. Theo đó, thu hút được cả doanh nghiệp và đông đảo nông dân đóng góp.

Lãnh đạo UBND huyện Nhơn Trạch chia sẻ, ngay sau khi tiếp nhận kế hoạch xây dựng NTM của UBND tỉnh Đồng Nai, huyện Nhơn Trạch đã xây dựng chương trình cụ thể, tổ chức một cách bài bản, có hệ thống, kịp thời tuyên truyền chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM tới tận thôn, ấp, mọi cán bộ, đảng viên và người dân trên địa bàn huyện.

Các ngành chức năng và địa phương cũng kịp thời cập nhật, chuyển tải những thông tin về tiến độ thực hiện quy hoạch, đề án phát triển sản xuất, hiến đất, kinh nghiệm huy động các nguồn lực, chuyển đổi cơ cấu giống cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Ngay từ những ngày đầu, công tác tuyên truyền đã làm cho người dân hiểu được những lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đây, nhiều người dân đã thay đổi nhận thức, từ chỗ hiểu “xây dựng nông thôn là một dự án của Nhà nước” đến nhận thức “xây dựng nông thôn bằng nhiều nguồn lực, trong đó nguồn lực trong dân là chủ yếu”, xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại. Cán bộ, nhân dân đã cơ bản nhận thức rằng, cốt lõi của xây dựng nông thôn mới chính là thực hiện đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, từ đó có thể thực hiện nhanh chóng và bền vững các tiêu chí nông thôn mới theo quy định.

Khu vực ao nuôi tôm công nghệ cao có diện tích 13ha.

Khu vực ao nuôi tôm công nghệ cao có diện tích 13ha.

Một trong những bí quyết thành công của Nhơn Trạch là trong giai đoạn hậu nông thôn mới, Nhơn Trạch vẫn đặt công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu. UBND các xã đều định kỳ 2 tuần/lần tổ chức ra quân phát động phong trào bảo vệ môi trường, trồng cây xanh trên địa bàn xã, tại các tuyến đường giao thông, khu công cộng; qua đó, nhiều hộ gia đình có ý thức hơn trong việc giữ gìn môi trường, tham gia trồng, chăm sóc cây xanh, hoa cảnh tại khuôn viên, đầu ngõ. Điển hình như tại xã Phú Hội, do công tác tuyên truyền, vận động sát với thực tế cuộc sống của người dân, hợp lòng dân nên mọi người đã tự giác đồng tình, ủng hộ. Chính vì thế mà phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Phú Hội đã thực sự có sức hút rất lớn, mọi người, mọi nhà cùng tham gia, lấy sức dân là chính, người có đất hiến đất, người góp của, người bỏ công cùng làm nên các tuyến đường vào ngõ xóm đều chắc chắn, chất lượng. Không chỉ bê tông hóa, nhựa hóa mở rộng các tuyến đường vào tận ngõ, xóm, các ấp trong toàn xã đều có các tuyến điểm sáng - xanh - sạch - đẹp, đường được trồng hoa, thắp sáng từ công sức đóng góp của dân và chính người dân bỏ công hàng ngày quét rác, dọn cỏ để các tuyến đường luôn sạch, đẹp.

Với sự chung sức đồng lòng của chính quyền các quyền các cấp và toàn thể nhân dân, việc thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản tác động đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nông thôn được chú trọng. Cụ thể, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,3%, sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt gần 84,2%, thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn nông thôn đạt 100%. UBND huyện đang tập trung thực hiện các tiêu chí đô thị để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản đạt đô thị loại II. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đạt trên 82 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn Trung ương chỉ còn 0,5%.

Những kết quả đạt được có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển chung của huyện Nhơn Trạch, đó là động lực, là niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phát huy truyền thống anh hùng, phát huy lợi thế của địa phương, vượt qua thách thức, đoàn kết một lòng đưa Nhơn Trạch ngày càng phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Nhơn Trạch cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II và sau năm 2030 sẽ đạt đô thị loại I.

Bình luận