Bảo vệ sản xuất nông nghiệp trước tác động của triều cường

Bình luận · 37 Lượt xem

UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường và thông tin sớm đến người dân. Đồng thời chủ động các giải pháp ứng phó, bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp.

Theo cơ quan chuyên môn tỉnh Hậu Giang, do mực nước cao trên sông Hậu kết hợp với đợt triều cường (rằm tháng 9 âm lịch) và mưa tại chỗ, mực nước trên các sông, kênh, rạch và nội đồng sẽ ở mức cao, trên mức báo động III từ 0,15m - 0,35m. Mưa và triều cường sẽ gây ngập diện rộng ở những khu vực trũng, thấp, những vùng thoát nước kém, vùng ngoài đê bao với thời gian kéo dài từ 4-7 ngày, ảnh hưởng tới sinh hoạt, sản xuất và giao thông.

Ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang thông tin: Khu vực ảnh hưởng triều biển Đông, dự báo đỉnh triều trong tháng 10 từ ngày 17/10-20/10, khả năng sẽ gây ngập ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy và một phần huyện Phụng Hiệp với thời gian kéo dài từ 4 đến 6 ngày. Riêng khu vực ảnh hưởng triều biển Tây, mực nước trên sông Xà No và mực nước nội đồng lên nhanh, ở mức cao từ ngày 19/10-23/10, cảnh báo gây ngập lụt ở huyện Vị Thuỷ, huyện Long Mỹ, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp với thời gian ngập kéo dài từ 5 đến 7 ngày.

   

Bà Nguyễn Thị Hồng, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ có 0,6ha đất trồng lúa và cây ăn trái. 2 tháng trước, bà Hồng thuê phương tiện nạo vét, khơi thông đường mương dẫn nước bị bồi lắng và gia cố bờ bao bảo vệ trồng.

"Nhớ thời điểm này năm trước, do chủ quan nên khi triều cường lên cao cộng thêm mưa lớn kéo dài, mấy chục gốc mít trong vườn bị ngập, một số cây bị chết sau khi nước rút, những cây còn lại cũng ảnh hưởng. Rút kinh nghiệm từ đó, năm nay gia đình sớm gia cố bờ bao quanh vườn và chuẩn bị sẵn máy bơm tháo ngay khi mực nước lên cao; tạo thêm rãnh thoát nước nhỏ trên liếp để tránh bị đọng nước những nơi trũng thấp trong những ngày mưa nhiều. Nhờ chủ động nhiều biện pháp như vậy nên tới nay, vườn cây vẫn an toàn".

Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành rà soát, cắm biển báo ở những đoạn đường ngập sâu, nước chảy xiết, khuyến cáo người dân vây bờ ao cá, gia cố bờ bao bảo vệ vườn cây ăn trái và chuẩn bị máy để bơm tháo nước khi xảy ra ngập kéo dài. Đồng thời, truyên truyền để nông dân ở những khu vực trũng, thấp như huyện Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ tuân thủ theo đúng lịch thời vụ, áp dụng các mô hình nuôi trồng phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, địa phương có trên 30 trạm bơm điện phục vụ trên 8.900 ha đất sản xuất nông nghiệp. Huyện đã tiến hành kiểm tra, gia cố xong các tuyến đê bao trên địa bàn, nhất là ở các khu vực trũng, thấp, dễ bị ngập và mở rộng khả năng thoát nước khi triều cường lên cao. Các trạm bơm trên địa bàn đảm bảo hoạt động hiệu quả sẵn sàng hỗ trợ việc tiêu, thoát nước trong tình huống khẩn cấp.

UBND tỉnh Hậu Giang đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý đê điều, chuẩn bị hộ đê và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi; gia cố đê bao, ngăn lũ, triều cường bảo vệ cây trồng và thủy sản. Ngành nông nghiệp tổ chức chỉ đạo kiểm tra, xây dựng phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn theo phương châm "4 tại chỗ", theo dõi diễn biến mưa, triều cường để thông tin nhanh đến các cấp chính quyền, người dân nhằm chủ động các biện pháp hiệu quả để bảo vệ sản xuất.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 74 nghìn ha đất sản xuất lúa, trên 45 nghìn ha vườn cây ăn trái, hơn 24 nghìn ha rau màu và trên 10 nghìn ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Hệ thống các công trình thủy lợi được củng cố, kiện toàn qua từng năm, phát huy hiểu quả bảo vệ diện tích sản xuất và vùng nuôi trồng thủy sản; trên 80% diện tích đất sản xuất chủ động được việc tưới tiêu. 

Đối với hạ tầng phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh có tuyến đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh dài 62km, phục vụ khoảng 24.000 ha đất nông nghiệp; tiểu dự án Ô Môn - Xà No dài 41km, phục vụ 12.800 ha đất nông nghiệp. Ngoài ra, hệ thống cống ngăn mặn Nam Xà No giúp ngăn mặn, trữ nước ngọt và điều tiết lũ, phục vụ khoảng 20.000 ha. Các công trình này đã được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo vận hành tốt để phục vụ sản xuất.

Ông Mai Thế Linh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết: Để đảm bảo tốt việc vận hành hệ thống công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, đơn vị đã sớm rà soát các tuyến bờ bao xung yếu và xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời. Đối với các tiểu vùng thủy lợi có cao trình bờ đê thấp, đơn vị sẽ theo dõi chặt chẽ dự báo mưa và diễn biến thủy triều để có phương án vận hành phù hợp giúp tiêu thoát nước kịp thời. Song song đó, Trung tâm đã chỉ đạo tổ công nhân thường xuyên kiểm tra công trình, đảm bảo vận hành các công trình phục vụ tiêu thoát nước khi có yêu cầu.

Toàn tỉnh có khoảng 900 khu vực khép kín với quy mô từ 100ha đến 300 ha. Tỉnh cũng đã đầu tư trên 130 trạm bơm điện, đảm bảo phục vụ trên 30.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị sản xuất và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các địa phương.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, tỉnh đang triển khai Dự án nạo vét kênh trục gồm kênh trục Nàng Mau 2 (dài khoảng 28km), kênh Hậu Giang 3 (dài khoảng 43,70km); xây mới 21 cống điều tiết nước trên tuyến kênh Nàng Mau 2. Dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí khoảng 320 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và của địa phương.

Những công trình trọng điểm này sẽ góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Hậu Giang, phù hợp với Nghị quyết số 120 của Chính phủ (về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu). Cùng với hệ thống thủy lợi hiện có, dự án nạo vét kênh trục còn giúp tăng khả năng dẫn nước ngọt, trữ nước ngọt tạo nguồn để cấp cho khoảng 22.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân trong vùng, cải thiện giao thông đường thủy trên địa bàn.

Nguyễn Hồng (TTXVN)
Bình luận