Ngày 18/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Kỷ niệm Ngày Lương thực Thế giới lần thứ 44.
Nhân sự kiện này Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã công bố và triển khai Đề án thúc đẩy hợp tác quốc tế trong nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, Bộ cũng ký thỏa thuận thành lập Đối tác chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam và khởi động Chương trình chung của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cơ chế đối tác và tài chính cho chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm ở Việt Nam".
Ngày Lương thực Thế giới 2024 với chủ đề "Quyền tiếp cận lương thực thực phẩm vì một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn" là cơ hội để chia sẻ rộng rãi những cam kết toàn cầu đối với việc bảo đảm quyền tiếp cận lương thực thực phẩm phù hợp cho tất cả mọi người, thông qua các hệ thống lương thực thực phẩm được chuyển đổi bền vững và công bằng.
Được biết, trên thế giới hiện có khoảng 733 triệu người đang thiếu, đói, chủ yếu do xung đột, thời tiết cực đoan, bất bình đẳng và suy thoái kinh tế. Hơn 2,8 tỷ người không có khả năng chi trả cho một chế độ ăn uống lành mạnh. Mỗi năm, có hơn 600 triệu người bị ngộ độc thực phẩm và 420.000 người tử vong mỗi năm do ăn phải thực phẩm bẩn.
Vì vậy, chủ đề Ngày Lương thực Thế giới năm nay đã nhấn mạnh nhu cầu thực phẩm phải mang tính đa dạng, đảm bảo dinh dưỡng, giá cả phải chăng, dễ tiếp cận, an toàn và bền vững cho tất cả mọi người. Việc đảm bảo tính đa dạng đối với các loại thực phẩm dinh dưỡng cần phải được thực hiện ngay từ trên các cánh đồng, tại từng ngư trường, tại mọi khu chợ, cũng như trên mọi bàn ăn, vì lợi ích của tất cả mọi người.
Trong đó, các chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu cho tất cả các hình thức suy dinh dưỡng – bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu hụt vi chất dinh dưỡng, béo phì, và hiện vẫn tồn tại ở hầu hết các nước, ảnh hưởng tới mọi tầng lớp trong xã hội.
Tại Việt Nam, nông nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và sinh kế cho trên 60% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, đóng góp 12% GDP của quốc gia (năm 2023), tạo việc làm cho gần 40% lao động và góp phần quan trọng cho xóa đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam đang phải đương đầu với một số thách thức lớn, từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan: quy mô nông hộ nhỏ chiếm đa số, nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Người sản xuất ít có điều kiện tiếp cận thị trường và thường chỉ dừng ở khâu cung cấp nguyên liệu thô.
Do đó, nhân sự kiện lần này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã kêu gọi các đối tác quốc tế sẵn sàng chung tay cùng Việt Nam một cách toàn diện để giải quyết các vấn đề về thương mại, đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, khoa học công nghệ và đào tạo, truyền thông theo tinh thần đa dạng hóa đối tác, làm bạn với tất cả và thúc đẩy hợp tác quốc tế đi vào thực chất, hiệu quả.
Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác ngoại giao và ngoại giao cũng có thể tận dụng lợi thế tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn, lan tỏa hình ảnh Việt Nam đến thế giới. Ngoại giao nông nghiệp đã, đang và sẽ được Chính phủ Việt Nam thúc đẩy hoạt động thực chất và hiệu quả.
Chính vì vậy, quyết định phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế được công bố là lúc một trong số những nhiệm vụ đề ra đã có kết quả. Đó chính là nhiệm vụ “Xây dựng đối tác hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, bền vững trách nhiệm", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.
Đây cũng là kết quả cho những nỗ lực của Chính phủ, sự chủ động của toàn ngành, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban ngành, địa phương, sự đồng hành các đối tác quốc tế, của khu vực tư nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự đóng góp của các chuyên gia cũng như toàn thể người dân.
Qua đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại, minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đóng góp tích cực cho an ninh lương thực và phát triển bền vững toàn cầu.