Nghiên cứu, phát triển hàng loạt sản phẩm chế biến từ trái vú sữa

Bình luận · 39 Lượt xem

Huyện Kế Sách đang hỗ trợ HTX nông nghiệp Trinh Phú nghiên cứu, phát triển hàng loạt sản phẩm chế biến, khai thác giá trị từ lá, hạt, thịt của trái vú sữa.

Huyện Kế Sách được biết đến là địa phương có diện tích trồng vú sữa lớn của tỉnh Sóc Trăng với quy mô trên 2.200ha, sản lượng hàng năm khoảng 34.000 tấn trái. Trong đó, vú sữa tím là giống chủ lực, chiếm gần 68% tổng diện tích.

Từ năm 2018, trái vú sữa tím đã liên kết được với doanh nghiệp để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng khoảng 120 tấn/năm. Trong khi đó, ở phân khúc sản phẩm chất lượng cao tại thị trường trong nước, sức tiêu thụ cũng chỉ ở mức tương đương. Phần lớn sản lượng vú sữa còn lại được tiêu thụ ở thị trường bình dân trong nước.

Để gia tăng giá trị cho trái vú sữa, thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, vừa qua, UBND huyện Kế Sách phối hợp với Trường Đại học Nông lâm TP.HCM triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa theo chuỗi giá trị (thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025).

Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chuyển giao máy móc, thiết bị cho HTX nông nghiệp Trinh Phú phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa. Ảnh: Kim Anh.

Trường Đại học Nông lâm TP.HCM chuyển giao máy móc, thiết bị cho HTX nông nghiệp Trinh Phú phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa. Ảnh: Kim Anh.

Mục tiêu của dự án là hỗ trợ HTX nông nghiệp Trinh Phú (xã Trinh Phú, huyện Kế Sách) chuẩn hóa quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển vú sữa. Với sự hỗ trợ từ các viện, trường, nhà vườn có điều kiện phát triển các sản phẩm chế biến từ trái vú sữa. Đồng thời trang bị kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho bà con, đảm bảo chất lượng sản phẩm trong quá trình kinh doanh, thương mại hóa sản phẩm chế biến.

Ông Vũ Bá Quan, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kế Sách cho biết, dự án xây dựng mô hình phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh một số sản phẩm thực phẩm từ cây vú sữa đảm bảo 3 mối liên kết: Nhà khoa học, nhà nước và nhà nông.

Dự án đã bàn giao cho nhà vườn một số thiết bị chế biến, bao gói, bảo quản, phân tích. Cùng với đó, chuyển giao một số sản phẩm, giúp HTX định hướng phát triển, tạo ra hàng loạt sản phẩm chế biến, khai thác tối đa giá trị từ lá, hạt và thịt của trái vú sữa.

Việc khai thác tối đa giá trị từ lá, hạt và thịt trái vú sữa để đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi mới, giúp nhà vườn ở Kế Sách nâng cao giá trị thay vì tiêu thụ trái tươi như hiện nay. Ảnh: Kim Anh.

Việc khai thác tối đa giá trị từ lá, hạt và thịt trái vú sữa để đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi mới, giúp nhà vườn ở Kế Sách nâng cao giá trị thay vì tiêu thụ trái tươi như hiện nay. Ảnh: Kim Anh.

Đến nay, dự án đã chuyển giao quy trình chăm sóc cây, thu hoạch, bảo quản và vận chuyển trái vú sữa, tập huấn kiến thức về xử lý, điều kiện bảo quản, chế biến và phát triển sản phẩm truyền thống từ trái vú sữa. Bên cạnh đó, chuyển giao và hướng dẫn sử dụng thiết bị, máy móc trong sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ trái vú sữa.

Thời gian tới, dự án tiếp tục chuyển giao các thiết bị, chọn ra 1 – 2 sản phẩm/nhóm sản phẩm để hỗ trợ HTX thương mại hóa sản phẩm. Đồng thời, huyện Kế Sách sẽ hỗ trợ HTX phát triển sản phẩm thông qua việc tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP

Hiện nay, dự án đã và đang tiến hành nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chế biến từ vú sữa như: Vú sữa sấy dẻo, Jelly vú sữa, trà túi lọc thảo mộc từ hạt vú sữa, muối mè nhân hạt vú sữa, sữa, nước uống dinh dưỡng, mứt, ô mai, xí muội, snack, kẹo dẻo, khô vỏ vú sữa tẩm gia vị...

Bình luận