Quảng Ninh không xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau bão

Bình luận · 37 Lượt xem

Sau bão số 3, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã chủ động hướng dẫn người dân phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhờ đó, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện ổ dịch.

Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, bão số 3 đã làm chết khoảng 400.000 con gia súc, gia cầm; nhiều nhất là ở Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Uông Bí, Tiên Yên. Tổng thiệt hại với ngành chăn nuôi của tỉnh ước tính khoảng 17 tỷ đồng. Nhiều trang trại bị tốc mái, đổ tường; chuồng nuôi bị ngập lụt; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Sở hữu trang trại rộng 7ha chăn nuôi 70.000 con gà siêu trứng (phường Tân An, TX Quảng Yên), bà Phạm Thị Nguyệt Dung, Giám đốc Trại gà Tân An, chia sẻ: "Chúng tôi có 7 chuồng nuôi gà, mỗi chuồng rộng 1ha, bão số 3 khiến cho các chuồng nuôi bị tung mái. Ngay sau khi bão tan, chúng tôi đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, sửa chữa khu vực nuôi. Đặc biệt, chúng tôi chú ý đến vấn đề an toàn dịch bệnh, yếu tố môi trường và nâng cao sức khỏe cho đàn gà sau bão". 

Được biết, trước mỗi đợt thiên tai, trại gà Tân An  đã chuẩn bị thuốc bổ (khoáng chất, thuốc bổ gan, ADE) trộn vào thức ăn để nâng cao sức đề kháng của đàn gà. "Sau khi bão tan, trang trại đã có nguồn thức ăn và bằng mội biện pháp phải đảm bảo gà ăn được, lượng thức ăn không giảm so với thời điểm trước bão. Nhờ đó, 1 tuần sau bão, sức khỏe đàn gà đã ổn định trở lại". 

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, cho biết, sau bão, Chi cục đã cử các đoàn công tác đến địa phương bị thiệt hại để hướng dẫn chủ trang trại, hộ dân dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, chăm sóc sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo yếu tố an toàn sinh học để tái đàn một cách an toàn.  

"Để hỗ trợ người chăn nuôi trong việc phòng chống dịch bệnh, Chi cục đã cung cấp 20.000 lít hóa chất, cùng với đó, Bộ NN-PTNT hỗ trợ thêm 10.000 lít hóa chất, vì vậy, công tác tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh được đảm bảo. Ngoài ra, lượng vacxin phục vụ cho tiêm phòng đợt 2 trên địa bàn tỉnh cũng đã chuẩn bị đầy đủ, giúp người dân yên tâm sản xuất", bà Chu Thị Thu Thủy chia sẻ.

Người chăn nuôi đã nhanh chóng tái sản xuất sau khi đảm bảo yếu tố phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Người chăn nuôi đã nhanh chóng tái sản xuất sau khi đảm bảo yếu tố phòng dịch. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sáng 17/10, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long làm trưởng đoàn, đã đến kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia cầm tại TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. 

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Long đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh trong việc khắc phục thiệt hại sau bão số 3. Đặc biệt, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng được các cơ quan chuyên môn và người dân thực hiện một cách nhanh chóng, bài bản.

"Qua kiểm tra tại các cơ sở chăn nuôi gia cầm ở TX Quảng Yên, chúng tôi thấy nhận thức của người dân trong việc phòng chống dịch bệnh sau bão rất tốt. Cụ thể, bà con đã tiêm phòng các loại bệnh nguy hiểm, tránh xảy ra bùng phát dịch.

Ngoài ra, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng được áp dụng triệt để. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm tại Quảng Ninh. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh trong thời gian chịu ảnh hưởng nặng nề do bão Yagi", Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, thời điểm sau bão số 3, nguy cơ dịch bệnh trên đàn vật nuôi rất lớn. Đặc biệt, các mầm bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng... có thể phát tán rộng ở nhiều địa phương. Do đó, các biện pháp phòng chống dịch bệnh cần tích cực, chủ động. Cục Thú y đã cử các đoàn công tác đến các địa phương, nắm bắt tình hình và phối hợp với cơ quan chuyên môn để hướng dẫn người chăn nuôi biện pháp kỹ thuật để phòng chống dịch bệnh. 

"Cục Thú y đã tham mưu Bộ NN-PTNT và Chính phủ để chỉ đạo các địa phương tổ chức triển khai tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc và tiêm phòng vacxin cho đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, Cục Thú y cũng tiến hành giám sát để kịp thời đưa ra cảnh báo đối với các vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh để phòng chống kịp thời", ông Nguyễn Văn Long cho biết.

Bình luận