Thủy sản bền vững, trách nhiệm: [Bài 3] Đi tắt đón đầu bằng công nghệ

Bình luận · 46 Lượt xem

Bà Rịa - Vũng Tàu đang đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản bằng công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, tránh thiệt hại bởi dịch bệnh và thiên tai ngày càng khó lường.

Trước đây, việc nuôi trồng thủy sản của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn khá nhỏ lẻ, manh mún. Từ khi ngành đánh bắt thủy sản xa bờ dần trở nên khó khăn thì việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản với ứng dụng công nghệ cao là cần thiết.

Nuôi trồng thủy sản không chỉ có khả năng tạo ra đột phá kinh tế, góp phần tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định cho xuất khẩu thủy sản mà còn giúp giảm áp lực trong khai thác thủy sản xa bờ.

Hiện, có nhiều doanh nghiệp và HTX đang đầu tư mạnh vào công nghệ để tạo "khiên chắn" vững chắc cho việc nuôi trồng. Các mô hình tiêu biểu này sử dụng phương pháp nuôi trong ao lót bạt hay hồ nổi khung thép có lót bạt, có mái che, nuôi trong nhà màng... với sản lượng lên tới 30-50 tấn/ha/vụ.

Kỹ sư Đoàn Văn Nam, phụ trách Phòng Nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, chỉ tính riêng tôm thẻ chân trắng, diện tích nuôi ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân rộng. Hiện, có 23 tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 429,31ha.

Trong đó, có 21 cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao với diện tích là 417,31ha. Hình thức nuôi chủ yếu là nuôi trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che, nuôi trong nhà màng, nhà kín với mật độ nuôi 250-500 con/m2, sản lượng đạt từ 30-50 tấn/ha/vụ.

“Môi trường nước ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ, nguồn nước tuần hoàn khép kín, quá trình nuôi ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết, có khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường rất tốt. Do đó, các cơ sở nuôi tôm từ 3-4 vụ/năm”, ông Nam chia sẻ.

HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (thành phố Bà Rịa) là một trong những đơn vị tiên phong, điển hình trong ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Hợp tác xã không chỉ đầu tư hệ thống giàn che kiên cố, bạt lót nổi mà còn ứng dụng công nghệ nước tuần hoàn trong nuôi trồng.

Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc hợp tác xã, cho biết, với quy trình nuôi khép kín tuần hoàn trong nhà mái che giúp thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng hóa chất, thuốc mà trước nay bà con vẫn dùng.

“Việc ứng dụng khoa học kĩ thuật này làm cho tăng năng suất, sản lượng lên so với trước đây. Nước luôn được kiểm soát và sử dụng tuần hoàn cũng giúp cho tôm được khỏe mạnh, sinh trưởng tốt”, ông Chuyên cho hay.

Nhờ các ứng dụng công nghệ cao mà người nuôi kiểm soát tốt sức khỏe cho tôm. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ các ứng dụng công nghệ cao mà người nuôi kiểm soát tốt sức khỏe cho tôm. Ảnh: Lê Bình.

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ cao, HTX Quyết Thắng đã kiểm soát được môi trường nuôi. So với cách nuôi truyền thống chỉ 1 vụ/năm, năng suất 5 tấn/năm/ha thì đến nay, năng suất của hợp tác xã này tăng gấp 20 lần với 3 vụ nuôi.

Trung tâm khuyến nông Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tăng cường khuyến khích các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh, chuyển đổi hình thức nuôi sang thâm canh, siêu thâm canh, thúc đẩy sản lượng tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh.

“Chúng tôi cũng có biện pháp quản lý và duy trì toàn bộ hoạt động nuôi trồng các đối tượng nuôi còn lại như tôm sú, cá nước ngọt, cá nước mặn, thủy sản khác... đảm bảo phát triển ổn định”, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh chia sẻ.

Các trang trại nuôi tôm được đầu tư bài bản với hệ thống nước tuần hoàn, vừa tiết kiệm, vừa an toàn cho tôm lại không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Các trang trại nuôi tôm được đầu tư bài bản với hệ thống nước tuần hoàn, vừa tiết kiệm, vừa an toàn cho tôm lại không gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Lê Bình.

Cũng theo ông Cường, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong nuôi trồng thủy sản còn giúp quản lý hiệu quả, giảm rủi ro, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững hơn.

Mặt khác, phát triển kinh tế từ nuôi trồng thủy sản còn kéo theo sự hình thành và phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ mới, đặc biệt là lĩnh vực hậu cần, thức ăn chăn nuôi, hải sản, qua đó góp phần tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho người dân.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản còn khá hạn chế so với các địa phương khác nhưng bù lại, việc ưu tiên ứng dụng công nghệ cao tại Bà Rịa - Vũng Tàu giúp tăng về sản lượng. Đặc biệt, với hình thức nuôi siêu thâm canh và các kĩ thuật, công nghệ cao thì có thể nuôi 3 vụ và năng suất đạt tới 120 tấn/ha.

Bình luận