Long An: Cập nhật kiến thức chuyên ngành về kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng và cây rau

Bình luận · 634 Lượt xem

Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Long An đã tổ chức 02 lớp tập huấn ToT về kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng và kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây rau màu (cây ăn lá) từ nguồn kinh

Có 60 học viên tham dự tập huấn là các nhân viên kỹ thuật làm công tác khuyến nông của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh và các huyện Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Cần Giuộc,… và cộng tác viên khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở, nông dân chủ chốt.

Đối với lớp tập huấn kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng, các học viên được giới thiệu, hướng dẫn đầy đủ quy trình canh tác và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng từ khâu chọn giống; thiết kế vườn trồng; mật độ trồng; tỉa cành, tạo tán; xử lý ra hoa trái vụ; hiện tượng sượng trái đến quản lý sâu hại, bệnh hại và cách phòng trừ,… Những kỹ thuật này được giảng viên điều chỉnh để phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ kỹ thuật của người dân trong tỉnh vì cây sầu riêng chỉ mới bắt đầu được trồng ở Long An trong những năm gần đây, nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tế.

Toàn cảnh lớp tập huấn kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên cây sầu riêng 

Để có cái nhìn thực tế, các học viên được ban tổ chức tổ chức chuyến tham quan mô hình trồng sầu riêng của ông Trần Văn Chính ở ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Tại đây, ông Chính chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong khâu thiết kế mô, khoảng cách trồng, đào mương chứa nước ngọt tưới cây thay vì tưới nước trực tiếp từ sông, quản lý dịch hại, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch. Để trồng sầu riêng đạt năng suất và chất lượng, ngoài việc đầu tư nhiều vốn ông còn đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng sầu riêng ở tỉnh Bến Tre, Tiền Giang cũng như tham gia các lớp tập huấn tại địa phương và các vùng lân cận để có thêm kiến thức. Trong quá trình diễn ra tập huấn, các học viên cùng giảng viên đã trao đổi và giải đáp những thắc mắc đang gặp phải trong thực tế như thời tiết biến đổi thất thường cây sầu riêng bị sốc nhiệt dẫn đến rụng trái non hàng loạt, xử lý ra hoa trái vụ cây không ra hoa hoặc ra hoa nhưng không đồng đều và các lưu ý khi xử lý ra hoa trái vụ để đạt hiệu quả nhất.

Với lớp tập huấn kỹ thuật trồng và quản lý dịch hại trên rau màu (rau ăn lá), học viện được cung cấp những kiến thức: thực hành nông nghiệp tốt tại Việt Nam; quy trình ủ phân hữu cơ vi sinh với nấm Tricoderma + vi sinh vật cố định đạm, hòa tan lân; rau an toàn và các yếu tố làm rau bị ô nhiễm; vườn ươm; kỹ thuật canh tác và quản lý dịch hại trên cây rau màu (rau ăn lá),…

Ngoài ra, các học viên còn được tham quan thực tế mô hình “Vườn trồng rau bè nổi thủy sinh” ở hộ ông Nguyễn Văn Đắc, số 1258, Quốc lộ 62, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Từ thực tế đó, các học viên được ông chủ vườn rau trao đổi, chia sẻ thông tin kinh ngiệm về cách tạo ra những chiếc bè nổi trên mặt nước để trồng rau; cách ủ và sử dụng phân bón hữu cơ từ cây lục bình nuôi dinh dưỡng cho rau; quản lý sâu, bệnh hại, sao cho đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo sản phẩm đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Học viên tham quan mô hình “Vườn trồng rau bè nổi thủy sinh” của ông Nguyễn Văn Đắc 

Những lớp tập huấn này đã cung cấp cho các học viên những thông tin rất hữu ích và cần thiết phải duy trì hàng năm, vì đây là nền tảng kiến thức quan trọng để giúp cho nhân viên khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông nắm bắt kịp thời những tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất để tư vấn, hướng dẫn làm thay đổi tư duy cách làm của người nông dân theo hướng thích nghi với xu hướng và nhu cầu người tiêu dùng hiện nay./.

Kim Xoàn

Bình luận