Tập huấn kỹ thuật sản xuất nấm rơm, phân compost từ rơm rạ

Bình luận · 39 Lượt xem

Hàng trăm nông dân đã được tập huấn về quản lý, xử lý rơm rạ sản xuất nấm rơm, sản xuất phân compost, phát triển kinh tế tuần hoàn từ chuỗi giá trị lúa gạo.

Từ ngày 16/9 đến 22/10/2024, triển khai Dự án các trung tâm đổi mới sáng tạo xanh ngành nông nghiệp và thực phẩm (GIC), Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang tổ chức 25 lớp tập huấn khóa 3 ngày cho nông dân về quản lý, xử lý rơm rạ để sản xuất nấm rơm, sản xuất phân compost từ rơm rạ, phát triển kinh tế tuần hoàn. Nông dân cũng được tham quan thực tế mô hình sản xuất nấm rơm và ủ phân hữu cơ, trình diễn máy trộn phân hữu cơ.

Tận dụng rơm rạ trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Trung Chánh.

Tận dụng rơm rạ trồng nấm rơm, sản xuất phân bón hữu cơ vừa giúp tăng thu nhập cho nông dân, vừa giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Ảnh: Trung Chánh.

Thông qua các kỹ thuật được tập huấn, sẽ góp phần hỗ trợ nông dân thực hiện đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ngoài ra, Dự án GIC giúp cải tiến các hệ thống canh tác lúa theo hướng bền vững, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng cường khả năng thích nghi và chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo các nhà khoa học, mỗi ha đất sản xuất lúa sau khi thu hoạch sẽ thải ra khoảng 6 tấn rơm rạ. Nếu được thu gom, xử lý thành phân compost và trả lại cho đồng ruộng, sẽ cung cấp dinh dưỡng cho đất từ 78 - 91kg ure, 37 - 45kg super lân và 150 - 180kg K­2O.

Trong khi đó, nông dân thường có tập quán đốt bỏ hoặc cày vùi rơm rạ vào trong đất trong điều kiện ngập nước, gây ô nhiễm môi trường, tạo phát thải khí nhà kính. Không chỉ vậy còn lãng phí nguồn dinh dưỡng N, P, K và hữu cơ có trong rơm rạ, làm cho đất ngày càng cạn kiệt dinh dưỡng, thoái hóa.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) cho biết, Hợp tác xã tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao với diện tích 620ha. Từ vụ lúa thu đông 2024, Hợp tác xã đã khởi động cánh đồng thí điểm 50ha, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ và các kỹ thuật sản xuất lúa giảm phát thải, bước đầu cho thấy hiệu quả cao.

Thông qua lớp tập huấn quản lý, xử lý rơm rạ của dự án GIC do Trung tâm Khuyến nông Kiên Giang thực hiện, sẽ góp phần giúp nông dân biết cách tận dụng nguồn rơm rạ sản xuất nấm rơm, làm phân hữu cơ để thêm tăng thu nhập và giảm phát thải khí nhà kính.

Nông dân tham gia tập huấn kỹ thuật xử lý rơm để sản xuất nấm rơm để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Nông dân tham gia tập huấn kỹ thuật xử lý rơm để sản xuất nấm rơm để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang đăng ký tham gia đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 với diện tích 200.000ha. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chọn 12/15 huyện, thành phố trên địa bàn để triển khai đề án gồm Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận và Rạch Giá.

Theo đó, diện tích thực hiện trong năm 2024 là 60.000ha, chủ yếu từ nền tảng các hợp tác xã, nông dân đã được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến khi tham gia dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vũng tại Việt Nam - VnSAT.

Mục tiêu đến năm 2025, Kiên Giang sẽ mở rộng diện tích đạt 100.000ha và mở rộng dần để đạt 200.000ha (năm 2030) chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Trong quá trình thực hiện, nhu cầu thu gom, xử lý rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch lúa sẽ rất lớn.

Bình luận