Những xã hơn 10 năm không dùng thuốc trừ cỏ

Bình luận · 40 Lượt xem

Cả 3 xã vùng cao thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã duy trì hơn 10 năm việc cấm dùng thuốc trừ cỏ nhờ đưa vào hương ước của xóm.

Lạm dụng thuốc trừ cỏ đã trở thành vấn nạn của nông nghiệp Việt Nam khiến cho môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm, sức khỏe của con người bị đe dọa nghiêm trọng nhưng nhiều địa phương rất lúng túng trong việc xử lý. Thế mà có 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình lại duy trì được việc không dùng thuốc trừ cỏ hơn 10 năm nay.

Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn giai đoạn 2004 – 2016 (hiện sáp nhập thành xã Vân Sơn) kể trước đây vì nghèo mà nhiều đồng bào Mường phải vào Tây Nguyên làm thuê. Thấy bà con trong đó trước khi trồng cây toàn phun thuốc trừ cỏ nên họ mang  kỹ thuật canh tác độc hại đó về. Cái lợi trước mắt như nhàn hơn, nhanh hơn nhưng cái hại thì chẳng mấy chốc cũng hiện nguyên hình.

Một ông người ở xóm Bái vào Tây Nguyên phun thuốc sâu, thuốc trừ cỏ thuê trong 3 năm, về được một thời gian thì lăn ra ốm rồi qua đời. Khi bà con còn chưa hết xôn xao thì lại có mấy trường hợp ở xã Lũng Vân đẻ con bị quái thai và chết...

Những cái chết giúp mở mắt cho bà con về tác hại của thuốc trừ cỏ. Khi họp dân, một số người đã đề nghị với xã Nam Sơn có văn bản cấm không sử dụng thuốc trừ cỏ. Ông Truyền bàn với các lãnh đạo khác rằng nếu xã cấm thì trái với pháp luật bởi thuốc trừ cỏ vẫn nằm trong danh mục thuốc BVTV, được phép lưu hành ở Việt Nam. Vậy thì chỉ còn cách đưa vào hương ước của các xóm để lách.

Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn thăm một vườn cam Canh trên địa bàn xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Bùi Thanh Truyền – cựu Chủ tịch UBND xã Nam Sơn thăm một vườn cam Canh trên địa bàn xã. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xóm Bái đã ra hương ước đầu tiên. Ông Hà Văn Nhai - trưởng xóm Bái nhớ lại, xóm có 34 hộ, trong đó có nhiều người đi làm thuê trong Tây Nguyên về rồi thấy nhàn nên cứ mang thuốc trừ cỏ đi phun. Các nương của xóm lại ở trên đầu các nguồn nước, khi phun thuốc trừ cỏ ngấm xuống, người uống về lâu dài sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Bởi thế, năm 2005 xóm đã ra hương ước cấm thuốc trừ cỏ, quy định người nào vi phạm lần một bị phạt 500.000đ, lần hai bị phạt 1 triệu đồng - số tiền rất to hồi đó. Ông Bùi Văn Khiên khi phun thuốc trừ cỏ trên đồi Đồng Khang Tuống, bị xóm phát hiện phạt 500.000đ. Ông nhận lỗi: “Tôi sai rồi, bà con phạt xin chấp nhận”. Thuốc trừ cỏ một khi đi phun, muốn giấu cũng khó bởi cỏ đã chết rạp ở trên nương như thể bị dội nước sôi.

Một nữ đại biểu Hội đồng Nhân dân xã lúc ấy đã từng ra tận UBND xã để phản ứng lại chính sách này: “Nếu xã, xóm cứ cấm thuốc trừ cỏ như thế thì bà con muốn phát triển kinh tế, làm lớn sẽ không làm được. Trong Nam đã đầy người dùng thuốc trừ cỏ mới phát triển kinh tế cho nông dân được chứ? Xã cứ tuyên truyền về tác hại của thuốc trừ cỏ như thế nhưng ở tỉnh Sơn La bên cạnh vẫn dùng nhiều có sao đâu?”.

Ông Bùi Thanh Truyền - Chủ tịch UBND xã Nam Sơn đã trả lời chị rằng: “Thực ra thuốc trừ cỏ nhà nước không cấm nhưng tác hại của nó không chỉ tới sức khỏe mà còn cả giống nòi”. Cứ mưa dầm thấm lâu như vậy, dần dần từ Nam Sơn, các xã khác như Bắc Sơn, Lũng Vân, Ngổ Luông, Quyết Chiến đều khuyến khích các xóm ra hương ước cấm thuốc trừ cỏ. Để từ đó tới nay đã hơn 10 năm loại thuốc này vắng bóng hẳn, làm nền tảng cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở đây.

Bình luận