Còn nhiều trăn trở với HTX phát triển du lịch nông nghiệp

Bình luận · 6 Lượt xem

HTX ở nhiều địa phương có tiềm năng, lợi thế làm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm nhưng do chưa khai thác được tiềm năng hay chỉ tập trung khai thác sản vật tự nhiên khiến cho cả vùng đất đó không thể phát triển m??

Thực tiễn tại HTX Nông trại Dốc Mơ (Đồng Nai) dù đang làm du lịch nông nghiệp nhưng hiện nay, các dịch vụ phục vụ du lịch của HTX diễn ra còn rời rạc nên chưa tạo được sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, các thành viên vẫn còn mù mờ thông tin về chiến lựơc phát triển kinh tế xã hội của địa phương nên chưa xây dựng rõ được đường hướng phát triển cho mô hình, dịch vụ của mình.

Thiếu tính đa dạng

Có thể thấy, dù nhiều HTX, nhiều địa phương đã thu được những kết quả không nhỏ trong phát triển du lịch nông nghiệp, nhưng Ts Bùi Thị Lan Hương, nguyên giảng viên Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn, cho biết du lịch nông nghiệp hiện chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh của các địa phương.

Điều này không chỉ đến từ nội tại các HTX mà còn do nhiều yếu tố tác động. Hiện nay, nhiều địa phương phát triển dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia ở những nước phát triển nên các thang đo họ định hướng chưa chắc đã phù hợp với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm ở Việt Nam.

Các định hướng này sẽ tạo ra những dồn ép về các địa phương như ô nhiễm môi trường, hạ tầng, văn hóa bị ngoại lai… và khiến nhiều HTX ở các địa phương bị ảnh hưởng khi vùng đất đó bị mất đi giá trị cốt lõi.

-6374-1728986420.jpg

Mỗi vùng đất đều có những giá trị cốt lõi để khai thác, phát triển du lịch nông nghiệp.

Ngoài ra, có nhiều đề án phát triển du lịch nông nghiệp nhưng thiên về quy hoạch vào một chuyên môn mà chưa tiếp cận ở mức đa chiều. Các đề án như vậy khiến các cơ quan quản lý địa phương rất khó bóc tách vấn đề để thực hiện trong thực tiễn, từ đó gây khó khăn cho nông dân, HTX trong quá trình triển khai thực hiện.

Giám đốc HTX nông nghiệp du lịch dịch vụ Đại Bình Nguyễn Thanh Tuyền cho biết, đã có đề án phát triển du lịch làng Đại Bình (Quảng Nam) nhưng qua tìm hiểu, HTX mới thấy đề án này tập trung nhiều vào vấn đề giao thông, hạ tầng, chưa chú trọng đến các yếu tố khác như thảm thực vật, văn hóa, thiên nhiên. Điều này khiến HTX khó vạch ra được cách định hướng cụ thể và dài hạn để phát triển du lịch nông nghiệp một cách hiệu quả.

Giám đốc Nguyễn Thanh Tuyền cho rằng nếu các nhà chuyên môn thực hiện các đề án không quan tâm đến các yếu tố khác và có cái nhìn dài hạn, đa chiều thì HTX với những hạn chế nhất định cũng khó có thể phát triển được mô hình du lịch đúng hướng.

Cụ thể như nếu đề án đó chưa quan tâm đến việc khi du lịch phát triển, giá đất tăng thì người dân ở vùng đó vì mục đích kinh tế sẽ bán đất đai, di chuyển đi sinh sống ở những nơi khác. Khi đó, địa phương nơi HTX đang làm du lịch có còn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng không? Trong khi giá trị văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng.

Kích thích tăng trưởng du lịch nông nghiệp

Báo cáo từ các địa phương cho thấy, trong tổng thu nhập của người dân nông thôn thì thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 30%, trong khi các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp và dịch vụ, trong đó có du lịch nông nghiệp chiếm 70%.

Do đó, để các HTX có thể khai phá được tiềm năng của các vùng đất để phát triển du lịch nông nghiệp thì những đề án, chiến lược của các cơ quan quản lý, nhà chuyên môn phải vạch ra được những rủi ro khi một vùng đất phát triển bên cạnh những tiềm năng. Bởi phát triển du lịch luôn đi kèm với nhiều yếu tố tiềm ẩn như môi trường, khí hậu, văn hóa… bị tác động, trong khi đây là những điều mà người dân, HTX khó nắm bắt, nhận biết.

Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Du lịch Nông nghiệp, cho biết làm nông nghiệp du lịch liên quan rất nhiều yếu tố. Do đó, về phía các HTX cần phải tự đánh giá được tổng quát chuyên môn cần thiết để xem HTX có tự giải quyết được không. Nếu không có khả năng, HTX cần mời những nhà chuyên môn ở từng lĩnh vực vào hỗ trợ một cách phù hợp. Nếu như ở giai đoạn đầu, HTX chưa cần các chuyên gia công nghệ, chuyên gia sở hữu trí tuệ… thì chưa cần mời để tiết kiệm nguồn lực.

Và từ những đóng góp chuyên môn của các chuyên gia, HTX phải tự biết đánh giá, phân tích để đưa ra quyết định phù hợp về kế hoạch, mục tiêu để phát triển một vùng đất khi làm du lịch. Các tư vấn của nhà chuyên môn chỉ mang tính chất tham khảo.

Bên cạnh đó, HTX phải có chiến lược phù hợp: sử dụng nguồn lực tự nhiên hợp lý và bền vững, phát huy văn hóa bản địa, tự chủ lương thực-thực phẩm; “xuất khẩu sản phẩm địa phương”, đa dạng nguồn thu kinh tế…

Ngay như vấn đề lương thực, nhiều địa phương hiện nay chưa tự chủ động được mà phải nhập từ nơi khác như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… dẫn đến tình trạng bị động khi chẳng may bị đóng cửa hoặc gặp tác động từ bền ngoài (dịch Covid-19).

Ông Đặng Quý Nhân, Phó trưởng phòng Quản lý OCOP và Du lịch nông thôn, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, cho biết để đánh thức được tiềm năng của một vùng đất khi làm du lịch nông nghiệp, điều quan trọng là HTX không "học mót” mà cần nghiên cứu kỹ lưỡng dựa trên nội lực của chính vùng đất đó. Nếu không nghiên cứu vùng đất đó, HTX không thể có chiến lược phát triển cụ thể để duy trì và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững.

Song song đó, việc tăng tri thức cho người dân, HTX, chính quyền cũng cần được quan tâm. Hiện, nhiều HTX có ý định phát triển du lịch nông nghiệp nhưng không hoặc chưa nắm được các chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương nên việc phổ biến rộng rãi các chính sách, quy định là cần thiết để HTX, người dân hình dung rõ được “bức tranh” du lịch nông nghiệp của địa phương mình để có hướng đầu tư phù hợp.

Huyền Trang

Bình luận