Tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững

Bình luận · 38 Lượt xem

Thời gian qua, TP Hồng Ngự tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giải quyết tốt việc làm, tăng thu nhập

Phát huy các thế mạnh trong nông nghiệp

Theo UBND TP Hồng Ngự, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ. Trong đó, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi kết hợp phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nông thôn.

Hướng đến phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, năm 2024, thành phố triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao như: sử dụng máy bay điều khiển từ xa để phun xịt thuốc, bón phân; mô hình ươm hoa kiểng trong nhà màng; ứng dụng công nghệ cao trồng dưa lưới trong nhà kính; sản xuất lúa sạch ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ; nuôi lươn theo quy trình tuần hoàn ứng dụng công nghệ cao; nuôi cá chốt sử dụng quạt oxy... Đồng thời, các mô hình sinh kế phát triển trên địa bàn gồm: mô hình lúa - cá đồng, cá tự nhiên; mô hình lúa - tôm càng xanh; mô hình lúa mùa - tôm càng xanh...

Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, TP Hồng Ngự quan tâm phát triển các mô hình kinh tế tập thể. Trong năm 2024, các ngành chuyên môn thành phố hỗ trợ 2 địa phương (phường An Lạc và phường An Bình A) thực hiện các hồ sơ, thủ tục thành lập mới 2 hợp tác xã theo đúng với Luật Hợp tác xã năm 2023. Ước cuối năm 2024, TP Hồng Ngự có tổng cộng 10 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả... Theo đó, ước tính cuối năm 2024, tăng trưởng bình quân của ngành nông nghiệp và thủy sản ước đạt 3,3%.

Về xây dựng nông thôn mới, qua kết quả đánh giá, đến nay, 2 xã: Tân Hội và Bình Thạnh đều đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, trên địa bàn TP Hồng Ngự dự kiến có 24 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng của Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Về công tác giảm nghèo bền vững, các ngành, các cấp trên địa bàn TP Hồng Ngự quan tâm chăm lo gia đình chính sách, đền ơn đáp nghĩa. Cùng với đó, tạo điều kiện về đào tạo nghề, giải quyết việc làm... Ước cuối năm 2024, giảm tỷ lệ nghèo từ 2,32% xuống còn 1,72%...

Huy động nguồn lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Thời gian tới, TP Hồng Ngự tập trung phát triển Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Trong đó, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh ngành nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, phù hợp với đặc điểm và quy mô sản xuất, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, cơ giới hóa và điện khí hóa vào sản xuất; từng bước xây dựng sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng Hồng Ngự.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án đào tạo nghề theo hướng đa dạng về hình thức đào tạo. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, phòng, ban, ngành, địa phương đối với nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững; tổ chức kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện kế hoạch đảm bảo đạt được các chỉ tiêu đề ra...

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự, cho biết: “Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và công tác giảm nghèo bền vững, địa phương huy động mọi nguồn lực để đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn; xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, nội đồng nhằm bảo vệ sản xuất. Cùng với đó, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực hiện đào tạo có địa chỉ, phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động; tiếp tục vận động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc thực hiện các chính sách an sinh hội; bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo...”.

Nhật Na

Bình luận