Công nghệ bảo quản đưa trái cây Việt đi sâu vào Trung Quốc

Bình luận · 48 Lượt xem

Trái cây Việt Nam chưa đi sâu được vào thị trường Trung Quốc có nguyên nhân chính là thời gian bảo quản ngắn và chi phí logistics còn cao.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Vina T&T, cũng như người dân khu vực phía Nam Trung Quốc, người Trung Quốc ở khu vực phía Bắc rất thích trái cây Việt Nam. Điều này đã thể hiện rõ qua Lễ hội Trái cây Việt Nam vừa được tổ chức rất thành công tại Bắc Kinh và người tiêu dùng ở thành phố này đón nhận rất nồng nhiệt các loại trái cây Việt Nam.

Tuy nhiên, đến nay, trái cây Việt Nam còn hiện diện rất ít ở phía Bắc Trung Quốc. Vấn đề mấu chốt khiến trái cây Việt Nam chưa lên phía Bắc Trung Quốc là ở công nghệ bảo quản.

Chẳng hạn, trái sầu riêng ở các tỉnh phía Nam Việt Nam từ khi thu hoạch đến vận chuyển ra Bắc để xuất khẩu sang các tỉnh phía Nam Trung Quốc, rồi thêm thời gian chờ thông quan. Khi đến tay người tiêu dùng, đã gần hết thời gian bảo quản. Do đó, rất khó để đưa trái sầu riêng Việt Nam cũng như nhiều loại trái cây khác lên phía Bắc Trung Quốc. Chỉ lô hàng nào khi đưa lên phía Bắc Trung Quốc mà còn giữ được sự tươi ngon, thì mới được đưa lên.

Đông lạnh sầu riêng sẽ giúp Việt Nam vận chuyển sản phẩm đến các địa phương phía Bắc của Trung Quốc đảm bảo chất lượng.

Đông lạnh sầu riêng sẽ giúp Việt Nam vận chuyển sản phẩm đến các địa phương phía Bắc của Trung Quốc đảm bảo chất lượng.

Ông Tùng cho rằng trong bối cảnh trái cây Việt Nam đang hiện diện rất ít ở phía Bắc Trung Quốc do bị hạn chế về công nghệ bảo quản, thì 2 Nghị định thư cho phép sầu riêng đông lạnh và dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc là một tin rất vui. Bởi sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản rất lâu, nên hoàn toàn có thể đưa lên phía Bắc Trung Quốc cũng như các khu vực khác ở sâu trong nội địa nước này.

Trái dừa tươi Việt Nam hiện đã có công nghệ bảo quản tốt, có thể kéo dài thời gian bảo quản lên tới 70 ngày. Với thời gian bảo quản lâu như vậy, hoàn toàn có thể đưa trái dừa tươi Việt Nam đi lên phía Bắc Trung Quốc và các khu vực khác mà vẫn bảo đảm được chất lượng khi tới tay người tiêu dùng.

Từ trường hợp của sầu riêng đông lạnh và dừa tươi, ông Tùng nhấn mạnh, công nghệ bảo quản là tất yếu để đưa trái cây đi xa.

Bên cạnh đó, trái cây Việt Nam sang Trung Quốc hiện chỉ có thể đi đường bộ hoặc đường biển để có giá bán ở mức sẽ tiếp cận với người tiêu dùng. Nếu vận chuyển bằng đường hàng không, chi phí vận chuyển sẽ “đội” giá trái cây lên rất cao, sẽ rất khó cạnh tranh được trên thị trường.

Hiện nay, mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu lượng sầu riêng rất lớn, lên đến hơn 1 triệu tấn, nhưng chỉ có khoảng 30% người dân nước này tiếp cận được trái sầu riêng, do giá bán loại trái cây này còn khá cao. Trong những nguyên nhân khiến cho giá sầu riêng bán lẻ tại Trung Quốc đang ở mức cao, có những nguyên nhân từ bảo quản và logistics.

Vì vậy, để việc vận chuyển trái cây sang Trung Quốc qua đường biển hay đường bộ ngày càng nhanh hơn với chi phí thấp hơn, việc cải thiện logistics ở 2 hình thức vậy chuyển này cũng cần được quan tâm, đẩy mạnh. Qua đó giúp cho thời gian đưa trái cây Việt Nam sang Trung Quốc được nhanh chóng hơn và có thể đi xa hơn trong thị trường Trung Quốc.

Với mục tiêu đưa trái cây Việt Nam đi tới phía Bắc và khu vực Nội Mông của Trung Quốc, Vina T&T đang tập trung vào trái dừa tươi, bởi như đã nói ở trên, công nghệ bảo quản đã có thể giúp giữ cho trái dừa vẫn tươi ngon trong thời gian 70 ngày.

Hiện Vina T&T đã ký được hợp đồng với 2 doanh nghiệp Trung Quốc, gồm một nhà phân phối và một doanh nghiệp logistics. Với những đối tác này, Vina T&T đang kỳ vọng có thể xuất khẩu những lô hàng dừa tươi sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất, thậm chí là có thể ngay trong tháng 10 này.

Bình luận