Gia Lai định hướng phát triển cà phê đến năm 2030

Bình luận · 52 Lượt xem

Gia Lai đang đẩy mạnh sản xuất cà phê gắn với chế biến sâu nhằm tăng lượng cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn, hướng đến thị trường xuất khẩu bền vững.

Cà phê là cây trồng chủ lực của tỉnh Gia Lai với diện tích hiện trên 105.000ha trải rộng ở 10 huyện, thành phố. Trong đó, gần 60.000ha cà phê được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, RA, FLO, C.A.F.E. Practices, Organic…

Cà phê được trồng ở Gia Lai chủ yếu là Robusta với năng suất hơn 3,9 tấn/ha, sản lượng hơn 400.000 tấn/năm. Cà phê của tỉnh Gia Lai đã xuất khẩu đi thị trường 60 nước trên thế giới. Năm 2023, giá trị xuất khẩu cà phê của Gia Lai đạt hơn 490 triệu USD, chủ yếu là cà phê nhân xanh.

Theo kế hoạch cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai đến năm 2030, định hướng phát triển ổn định diện tích cà phê toàn tỉnh khoảng 100.000ha. Trong đó, cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ đạt khoảng hơn 15%.

Để đạt được điều này, Gia Lai đang đẩy mạnh phát triển vùng trồng cà phê theo hướng cảnh quan, tập trung ở những nơi có điều kiện thuận lợi, kết hợp vùng trồng cà phê với phát triển văn hóa, du lịch, dịch vụ... Đồng thời, rà soát diện tích cà phê trồng ở những nơi không thích hợp, năng suất thấp, đặc biệt ở những vùng khó khăn về nước tưới để chuyển đổi sang trồng các cây trồng khác có hiệu quả, giá trị kinh tế cao hơn.

Đặc biệt, Gia Lai sẽ ưu tiên đẩy mạnh tái canh các vườn cà phê già cỗi, sử dụng 100% giống cà phê có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh. Thực hiện trồng xen canh cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm với những vùng trồng cà phê tái canh có điều kiện.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển cà phê đặc sản Việt Nam trên địa bàn. Đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu diện tích cà phê vối đặc sản đạt khoảng hơn 2.340ha, sản lượng đạt 1.700 tấn.

Để cà phê đạt chất lượng, những năm qua, doanh nghiệp, HTX, người dân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng rộng rãi kỹ thuật tưới tiết kiệm, trồng cây chắn gió, tủ gốc và canh tác cà phê cảnh quan. Đồng thời, từng bước áp dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch và sản xuất cà phê đạt chứng nhận.

Với những hướng đi bền vững, Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2030, trên 80% diện tích cà phê đạt các tiêu chuẩn sản xuất (VietGAP, 4C, RA, FLO, C.A.F.E. Practices, Organic...) và trên 70% diện tích cà phê được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, tỉnh cam kết sẽ thực hiện tốt quy định EUDR về phát triển ngành hàng cà phê chống suy thoái rừng, phá rừng.

Gia Lai đang đẩy mạnh chế biến sâu cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia Lai đang đẩy mạnh chế biến sâu cà phê. Ảnh: Tuấn Anh.

Những năm tới, Gia Lai cũng sẽ tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư về lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm cà phê và phát triển hệ thống logistics. Để đạt được mục tiêu này, địa phương này sẽ hỗ trợ người dân, HTX để chú trọng để nâng tỷ lệ cà phê thu hái đúng độ chín, đạt tiêu chuẩn chất lượng đạt 80 - 90%. Hạt cà phê cần được đảm bảo sạch trong tất cả các khâu từ thu hái, phơi sấy, sơ chế, bảo quản, cung cấp cà phê nguyên liệu... để nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Ngoài ra, tăng cường đầu tư nâng cấp hệ thống sân phơi và máy sấy đối với sơ chế cà phê bằng phương pháp khô. Khuyến khích nông dân hợp tác trong sơ chế cà phê, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về nguyên liệu cho các quá trình chế biến tiếp theo.

Gia Lai cũng đang khuyến khích đầu tư mới và nâng cấp các nhà máy sử dụng công nghệ hiện đại trong chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan. Đến năm 2030, mục tiêu sản lượng cà phê chế biến sâu chiếm 20 - 25% tổng sản lượng cà phê của toàn tỉnh.

Bình luận