Dẹp ngư cụ cấm, đánh bắt kiểu tận diệt

Bình luận · 19 Lượt xem

Để việc đánh bắt thủy sản được bền vững, ngoài việc thả tôm cá tái sinh, Đồng Nai đang mạnh tay dẹp bỏ ngư cụ cấm và hỗ trợ tiền chuyển đổi cho người dân.

Ở lòng hồ Trị An, không chỉ có người nuôi cá lồng bè mà bao lâu nay còn có cả những ngư dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản. Thế nhưng, những ngư cụ như ghe giã cào, lợp bát quái… không còn phù hợp, thuộc danh mục ngư cụ bị cấm.

Với những phương thức đánh bắt này thì mọi loài thủy sản với mọi kích cỡ không thể nào thoát được. Điều đó đồng nghĩa với việc cá, tôm chưa kịp tái tạo, sinh trưởng đã bị đánh bắt.

Theo thống kê, có khoảng 1.000 hộ với 5.000 nhân khẩu đang sinh sống trên khu vực lòng hồ Trị An. Nhiều người trong số đó vốn có thói quen đánh bắt thủy sản từ Biển Hồ (Campuchia) về nên rất khó quản lý.

Bà Đỗ Thị Thu Thủy, Phụ trách Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho biết, thời gian qua, Chi cục thường xuyên phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai và UBND các huyện, thành phố tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng nghề, ngư cụ cấm.

Đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng nghề, ngư cụ cấm trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong xử lý dứt điểm.

Sở NN-PTNT Đồng Nai thường xuyên tổ chức các đợt thả cá, tôm giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Lê Bình.

Sở NN-PTNT Đồng Nai thường xuyên tổ chức các đợt thả cá, tôm giống để tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Lê Bình.

"Nguyên nhân là do phương thức hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, khi phát hiện đoàn kiểm tra thì có hành vi chống đối lực lượng thực thi công vụ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và xử lý vi phạm", bà Thủy cho hay.

Đến nay, Đồng Nai đã xử phạt vi phạm 29 trường hợp, với số tiền 371,5 triệu đồng, tịch thu 32 máy xung điện, 767 lợp xếp, 8 ngư cụ lưới te.

Nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/NQ-HĐND hỗ trợ người dân chuyển đổi sinh kế. Theo đó, mỗi hộ chấp nhận chuyển đổi sinh kế sẽ được hỗ trợ từ 14-35 triệu đồng.

Các ngư cụ cấm chủ yếu còn tồn tại ở khu vực lòng hồ Trị An. Ảnh: Lê Bình.

Các ngư cụ cấm chủ yếu còn tồn tại ở khu vực lòng hồ Trị An. Ảnh: Lê Bình.

Đến nay, Sở NN-PTNT đã phối hợp với UBND các huyện Định Quán, Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Long Thành, Nhơn Trạch tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho 370/389 ngư dân với tổng số tiền gần 11,8 tỷ đồng.

Sau nhiều lần thuyết phục, ông Nguyễn Văn Khiêm (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) đã từ bỏ nghề giã cào. Công việc này gắn bó với gia đình ông đã lâu và cho thu nhập ổn định, từ 700.000 - 1 triệu đồng mỗi ngày. Thế nhưng, từ khi chuyển sang lợp tép theo hướng dẫn của UBND xã Phú Ngọc thì thu nhập của ông chỉ đạt khoảng 300.000 đồng/ngày. Thế nhưng, ông Khiêm vẫn vui vẻ và thấy hài lòng.

Từ khi chấm dứt ngư cụ cấm chuyển sang lợp tép, dù thu nhập ít hơn nhưng ông Khiêm vẫn cảm thấy vui vẻ. Ảnh: Lê Bình.

Từ khi chấm dứt ngư cụ cấm chuyển sang lợp tép, dù thu nhập ít hơn nhưng ông Khiêm vẫn cảm thấy vui vẻ. Ảnh: Lê Bình.

“Mình làm nghề khai thác, con cháu mình cũng nhờ con nước mà mưu sinh. Chuyển lên bờ thì lấy tiền đâu mà mua đất. Thế nên, mình cũng phải tính đường 'để dành' cho con cháu. Thu nhập ít thì tiêu ít đi một chút, hoặc tìm nghề khác để kiếm thêm”, ông Khiêm cho hay.

Tại nhiều buổi tiếp xúc cử tri tại các huyện như Định Quán, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch… ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND Đồng Nai, thẳng thắn khẳng định, cần phải nhanh chóng chấm dứt hoạt động tận diệt thủy sản.

Ông Võ Tấn Đức cũng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và địa phương có giải pháp hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống. Trong đó, các địa phương cần sớm làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Đồng Nai để hướng dẫn ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay theo quy định.

Mới đây, xã La Ngà (huyện Định Quán), địa phương mà người dân đang khai thác thủy sản có tỉ lệ chuyển đổi cao nhất (100%), đã tổ chức tiêu hủy 160 ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên hồ Trị An do ngư dân tự nguyện giao nộp.

Bình luận