Nhân rộng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu

Bình luận · 37 Lượt xem

Biến đổi khí hậu (BĐKH) làm cho thời tiết ngày càng cực đoan, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Để giúp đỡ người dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (

BĐKH không chỉ là thách thức lớn cho sự phát triển bền vững mà còn tạo ra áp lực sinh kế của người dân địa phương, nhất là khu vực nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, nông nghiệp là lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của BĐKH, vì vậy, để nông nghiệp phát triển cân bằng, ổn định, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường thì việc nghiên cứu, đưa ra các phương pháp canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết.

Quảng Bình là một trong những tỉnh chịu nhiều bất lợi từ các loại hình thiên tai, như: Mưa, bão, nắng hạn, gió Lào… ngày càng khắc nghiệt. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Trung tâm KN-KN tỉnh xây dựng kế hoạch và giải pháp để triển khai, thực hiện nhiều mô hình sinh kế cho người dân với mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với BĐKH tại địa phương. Việc triển khai các mô hình, chương trình sản xuất nông nghiệp đều dựa vào đặc điểm tự nhiên, xã hội của địa phương với mong muốn hỗ trợ người dân thích ứng với BĐKH.

Mô hình trồng tre lục trúc được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ thực hiện ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch).
Mô hình trồng tre lục trúc được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ thực hiện ở xã Hòa Trạch (Bố Trạch).

Điển hình gần đây, Trung tâm KN-KN tỉnh đã thực hiện mô hình trồng tre lục trúc tại thôn Bàng, xã Hòa Trạch (Bố Trạch). Mô hình thực hiện nhằm chuyển đổi đất sản xuất vùng gò đồi kém hiệu quả sang trồng tre lục trúc lấy măng theo hướng hàng hóa, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp giá trị, ổn định bền vững. Đồng thời, nhân giống tre lục trúc để chủ động cung ứng nguồn cây giống tại chỗ có chất lượng cho người dân cũng như thử nghiệm mật độ trồng, hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng phù hợp với điều kiện vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh.

Với quy mô 2ha, hiện tại, tre lục trúc sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 98%, chiều cao cây 2-2,5m (đối với cây măng ra đợt 2) lá có màu xanh đậm, thân xanh, bộ rễ phát triển, thích nghi khá với các bất lợi của môi trường, như: Nắng nóng gay gắt kéo dài, gió, đất nghèo dinh dưỡng...

Chị Lê Thị Lan Hương, chủ mô hình cho biết: Sau hơn 2 năm thực hiện, những cây tre đã khép tán và cho những lứa măng đầu tiên. Mỗi ha đất trồng được 1.000 gốc măng, những gốc măng khi trưởng thành đâm chồi phát triển thành khóm tre với 20-30 cây, trung bình mỗi khóm tre cho thu hoạch từ 15-30kg măng tươi. Măng được thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 2-8 hàng năm, mỗi ha cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng.

Không chỉ mô hình trồng tre lục trúc, Trung tâm KN-KN tỉnh đã triển khai nhiều mô hình sinh kế đem lại hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với BĐKH. Đối với những vùng bị đất bồi lắng sau mưa lũ chuyển đổi phương pháp canh tác qua trồng bí đọt, bí đỏ, cây đậu xanh…; vùng chiêm trũng thực hiện các mô hình chuyển đổi sang trồng sen, lúa-cá, lúa-tôm. Đối với vùng đất nhiễm mặn, trung tâm hỗ trợ bà con trồng cây dừa xiêm, mô hình hiện đã cho sản phẩm và được đánh giá là thích nghi với điều kiện nhiễm mặn của các địa phương; vùng gò đồi, thực hiện các mô hình chuyển đổi sang cây trồng dược liệu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm (cà gai leo, thìa canh, tràm trà, xạ đen…) và các loại cây ăn quả, như: Ổi, mít ruột đỏ, na Thái, cam, bưởi…; vùng đồng bằng, trung tâm đã thực hiện hàng chục mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP… các mô hình đều ứng dụng công nghệ tưới Israel nhằm tiết kiệm nước, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm sức lao động.

Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất là một trong những giải pháp quan trọng giúp người dân sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH hiện nay.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, trung tâm cũng đã triển khai nhiều mô hình sinh kế phù hợp và bền vững, giải quyết được các vấn đề khó khăn về dịch bệnh, thời tiết, mùa vụ… mà chăn nuôi truyền thống gặp phải. Điển hình là mô hình nuôi ong lấy mật theo hướng thâm canh, tạo hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, nuôi chuồng sàn, chuồng kín, nuôi trên đệm lót sinh học, chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, nhằm bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH.

Trong lĩnh vực thủy sản, nhiều mô hình sinh kế nuôi thâm canh, tranh thủ thời vụ, chủ động tránh mưa lũ… đã được thực hiện như mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực, nuôi 2-3 giai đoạn, nuôi cá dìa xen tôm, nuôi lươn trong bể không bùn, cá chình trong bể xi măng, ốc hương…

Phó Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Lê Thuận Trung cho biết: Việc phát triển các mô hình, chương trình sinh kế thích ứng với BĐKH được xem là chìa khóa giúp phát triển sinh kế bền vững và giảm thiểu rủi ro do thiên tai tại cộng đồng. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế cho bà con tại các vùng chịu nhiều nguy cơ rủi ro do thiên tai; trong đó, chú trọng đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới thích ứng với vùng đất đồi núi, đất nhiễm mặn, vùng đất trũng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ lụt, bồi lắng; thử nghiệm các giống cây trồng vật nuôi mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng BĐKH.

Trung tâm cũng sẽ tiếp tục xây dựng các quy trình, mô hình nuôi xen canh, luân canh và chuyển đổi mùa vụ, cây trồng thích nghi thực tế BĐKH nhằm giảm thiểu rủi ro; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai; nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông để cập nhật về diễn biến thiên tai, biến đổi khí hậu, tìm kiếm các mô hình sinh kế bền vững, chỉ dẫn cho người dân các sản xuất linh hoạt trong lựa chọn sinh kế, chiến lược sinh kế, ứng phó với BĐKH một cách bền vững.
Thanh Hoa
Bình luận