Làm phân bón từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp: Giảm giá thành, bảo vệ môi trường

Bình luận · 15 Lượt xem

Thời gian gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất và góp phần bảo vệ môi trường.

Gia đình anh Lê Hữu Trường (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) có 1,5 sào đất trồng cây ăn quả và các loại hoa, cây cảnh. Để hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh Trường chú ý đến việc sử dụng phân bón phù hợp để giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.

Với kiến thức có được khi công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên, anh Trường đã tự ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp để bón cho vườn cây.

0ht-5612.jpg
Anh Lê Hữu Trường (thôn Hòa Lộc, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh) tự làm phân để bón cho cây trồng. Ảnh: Hồng Thương

Anh Trường cho biết: Trên địa bàn huyện có nhiều phụ phẩm nông nghiệp nhưng người dân chưa biết tận dụng để ủ phân bón, nhất là cây bắp, vỏ trấu, rơm rạ. Do đó, anh đã thu gom, phơi khô rồi nghiền thành bột, rồi trộn với một số loại phân động vật và men sinh học để tạo ra phân bón hữu cơ.

Do nguồn dinh dưỡng trong bột phụ phẩm nông nghiệp không cao nên anh Trường chọn ủ trộn với một số loại đạm có dinh dưỡng cao như: đạm cá, đạm đậu nành, mật rỉ đường… Với 2 tấn bột phụ phẩm nông nghiệp, anh trộn với 5 lít đạm cá, 10 lít nước đậu nành, 4 kg nấm trichoderma, 5 lít rỉ mật và một ít loại đạm khác.

Cứ nửa tháng 1 lần, anh đảo và tưới nước để đảm bảo độ ẩm đạt 70-80%. Sau 75 ngày thì có thể sử dụng để bón cho cây trồng. “Nếu phải mua phân bón từ bên ngoài, tôi tốn khoảng 40-50 triệu đồng/năm. Nhờ tự ủ phân bón, tôi giảm được 70% chi phí”-anh Trường nói.

 

Tại thôn 3 (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa), ông Huỳnh Mau cũng có nhiều năm tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Ông Mau cho hay: Gia đình có hơn 20 ha hồ tiêu, cà phê, cao su và các loại cây ăn quả. Để đảm bảo cho cây trồng phát triển bền vững, giảm rủi ro về dịch bệnh, ông chọn canh tác theo hướng hữu cơ.

Ông Mau chia sẻ: Hàng năm, ông ủ khoảng 70 tấn phân bò với 43 tấn vỏ cà phê và hơn 500 lít nước men vi sinh. Ông tận dụng các loại cây ăn quả có hình thức xấu không bán được để ủ.

Theo đó, ông trộn 5 kg chuối đã lột vỏ với 3 kg đu đủ, 2 kg cám gạo, 2-3 kg mật rỉ đường, 15-20 lít nước sạch, 4 hộp sữa chua, 2-3 gói men tiêu hóa đường ruột và 5-6 viên men nấu rượu để làm men vi sinh. Sau khi ủ 2-3 ngày, ông lấy khoảng 10 lít men gốc trộn với khoảng 500 lít nước sạch và tưới đều lên phân bò và vỏ cà phê rồi đậy kín. Sau 2-3 tháng, ông mang bón cho các loại cây trồng.

“Việc ủ phân bón hữu cơ từ phân bò, vỏ cà phê và men vi sinh với tỷ lệ phối trộn như trên cho lượng phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng mà an toàn cho cây trồng. Bên cạnh đó, chi phí ủ phân hữu cơ vẫn rẻ hơn 2/3 số tiền mua phân bón hữu cơ từ thị trường. Đồng thời, cây phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất cao”-ông Mau nói.

1ht-1233.jpg
Ngoài ủ phân từ vỏ cà phê và phân bò, ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa) còn ủ thêm nhiều loại phân bón khác từ phụ phẩm của cây hồ tiêu để bón cho cây trồng. Ảnh: H.T
 

Tương tự, ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang cũng có hơn 13 năm tự ủ phân bón từ phân bò, vỏ cà phê và men vi sinh để bón cho cây trồng.

Gia đình ông Công có 5 ha đất trồng xen hồ tiêu và cà phê. Những năm trước, do chưa có kinh nghiệm, trong quá trình ủ phân bón, ông sử dụng không đúng tỷ lệ nên dinh dưỡng không cao. Sau nhiều năm nghiên cứu, ông rút ra được công thức chung để ủ phân bón.

Theo đó, ông ủ khoảng 20 tấn vỏ cà phê với 7 tấn phân bò và 5 kg trichoderma. Sau khoảng 3-6 tháng, ông đưa vào sử dụng. “Tổng chi phí cho mỗi đợt ủ là hơn 37 triệu đồng, so với giá mua phân bón hữu cơ từ thị trường giảm đến 50%. Đặc biệt, việc bón phân hữu cơ tự ủ giúp cho cây hồ tiêu không bị bệnh chết nhanh, chết chậm”-ông Công phấn khởi cho biết.

Cũng theo ông Công: 90% xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang tự ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng. Tuy mỗi hộ có công thức ủ phân khác nhau nhưng đều giảm được giá thành sản xuất, tạo sự phát triển bền vững cho cây trồng và góp phần bảo vệ môi trường.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Mỗi năm, Gia Lai có hơn 3 triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, nhiều nhất là các loại rơm rạ, thân lõi bắp, mùn mía, trấu, cám, vỏ cà phê, vỏ chanh dây, cành lá được cắt tỉa và các loại cây cỏ được người dân loại bỏ trong khi chăm sóc cây trồng.

Ngày 13-12-2023, Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch số 4890/KH-SNNPTNT về thực hiện “Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

 

Theo đó, Sở đã tuyên truyền, vận động người dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng, chuyển giao và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có sử dụng phân bón hữu cơ, mô hình tuần hoàn sử dụng triệt để các phế phẩm, phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi.

“Thời gian tới, Sở tiếp tục tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Trong đó, chú trọng sử dụng phế phẩm, phụ phẩm của ngành trồng trọt làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng… nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường”-ông Thơ thông tin thêm.

Bình luận