Làng mai ‘nói không’ với thuốc trừ sâu hóa học: Một thời ‘bán rẻ’ sức khỏe

Bình luận · 31 Lượt xem

Người trồng mai phải chấp nhận ‘chung sống’ với chất độc hại bởi cây mai rất mẫn cảm với sâu bệnh nên cứ cách 10 - 15 ngày lại phải phun thuốc BVTV một lần.

Không "ăn" thuốc, cây mai sẽ chết yểu

Thị xã An Nhơn (Bình Định) là “thủ phủ mai vàng” của miền Trung với hàng nghìn hộ dân trồng mai chuyên nghiệp. Mỗi dịp Tết Nguyên đán, nông dân ở đây xuất bán ra thị trường hàng trăm ngàn chậu mai cảnh, thu về hàng chục tỷ đồng.

Theo những người trồng mai cảnh kỳ cựu ở xã Nhơn An - địa phương “khai sinh” ra nghề trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn, mai là loài cây rất mẫn cảm với sâu bệnh. Các loại sâu bệnh như nấm hồng, bọ trĩ, thán thư, vỉ sắt, sâu đục thân, sâu cắn lá… thường xuyên bủa vây gây hại cây mai.

“Khi cây mai vừa ra lá non là bọ trĩ lập tức xuất hiện để “nhâm nhi” những chiếc lá non tơ. Do đó, các chủ nhà vườn trồng mai phải thường xuyên bơm thuốc trừ sâu diệt bọ trĩ để bảo vệ vườn mai của mình”, anh Lê Tấn Bộ, chủ nhà vườn trồng 6.000 - 7.000 chậu mai cảnh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An (thị xã An Nhơn) chia sẻ.

Cũng theo anh Bộ, muốn cây mai ra hoa đúng dịp Tết, người trồng phải chăm sóc bộ lá thật tốt. Bởi vậy, cứ cách 10 - 15 ngày, các nhà vườn phải cho những cây mai “ăn” thuốc BVTV trừ bọ trĩ 1 lần.

Các loại sâu bệnh như nấm hồng, bọ trĩ, thán thư, vỉ sắt, sâu đục thân, sâu cắn lá… thường xuyên bủa vây gây hại cây mai cảnh. Ảnh: V.Đ.T.

Các loại sâu bệnh như nấm hồng, bọ trĩ, thán thư, vỉ sắt, sâu đục thân, sâu cắn lá… thường xuyên bủa vây gây hại cây mai cảnh. Ảnh: V.Đ.T.

Bà Đoàn Thị Hương, người có thâm niên trồng mai cảnh ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An cũng cho hay: “Cây mai bị bọ trĩ tấn công sẽ bị quăn đọt, quăn lá, dẫn đến chết lao, chết cả chi lẫn cành. Nếu không điều trị kịp thời thì cây mai bị chết. Do vậy, cứ 10 - 15 ngày là tui phải phun thuốc trừ sâu một lần. Cứ 100 chậu mai, 1 lần phun 4 bình nước pha với thuốc trừ sâu, loại 16 lít/bình. Trồng mai rất tốn công tạo dáng, uốn cành, tưới nước, bón phân… nhưng khổ nhất là chăm sóc sao cho cây mai không bị sâu bệnh hại để chúng luôn sung sức, sẵn sàng cho hoa đúng dịp Tết”.

Anh Nguyễn Minh Hậu ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An năm nay mới 40 tuổi mà đã có hơn 20 năm gắn bó với cây mai cảnh. Hiện anh Hậu đang sở hữu hơn 2.000 chậu mai từ 3 đến 5 năm tuổi để trên 3 sào ruộng (500m2/sào) và 150 cây mai đã được 10 năm tuổi để ở vườn nhà. Trước đây, cứ định kỳ 10 - 15 ngày là anh bơm thuốc trừ sâu cho mai 1 lần.

Nói về ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với người trồng mai, anh Hậu lắc đầu, ngán ngẩm chia sẻ: “Mỗi lần bơm thuốc cho hơn 2.000 chậu mai tôi phải mua đến 8 chai thuốc trừ sâu. 8 chai thuốc này được pha với nước thành hàng chục bình bơm, mỗi lần bơm phải mất đến 6 tiếng đồng hồ. Bơm thuốc đầu trên, khi mệt tôi phải xuống đầu dưới để tháo khẩu trang ra mới có không khí sạch để thở”.

Những năm gần đây, lo ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhỏ nên anh Hậu “chia tay” với thuốc trừ sâu hóa học. “Được ngành chức năng và chính quyền địa phương khuyến cáo, tôi tiên phong thực hiện phòng trừ sâu bệnh cho cây mai bằng thuốc trừ sâu sinh học. Sau khi thực hiện, tôi thấy lợi ích thiết thực cho cả bản thân, gia đình và cộng đồng. Bơm thuốc trừ sâu sinh học sâu cũng chết lật gọng chứ cần gì phải bơm thuốc hóa học”, anh Hậu bộc bạch.

Các nhà vườn trồng mai phải thường xuyên bơm thuốc trừ sâu. Ảnh:V.Đ.T.

Các nhà vườn trồng mai phải thường xuyên bơm thuốc trừ sâu. Ảnh:V.Đ.T.

Làm có tiền mà đổ bệnh thì làm sao tiêu...

Trong 6.000 - 7.000 chậu mai cảnh hiện có, Tết Nguyên đán tới đây, anh Lê Tấn Bộ ở thôn Háo Đức, xã Nhơn An sẽ xuất bán khoảng 1.600 chậu mai có độ tuổi từ 5 năm trở lên. 10 năm qua, vì sức khỏe của chính mình và người thân trong gia đình, anh Bộ đã chuyển từ sử dụng thuốc BVTV hóa học sang sử dụng thuốc BVTV sinh học. “Mình làm là để kiếm tiền, nhưng khi đã có tiền nhiều mà đổ bệnh nan y thì làm sao tiêu”, anh Bộ lo lắng nói.

Nỗi lo của anh Bộ không phải là không có cơ sở. Bởi từ khi xã Nhơn An rộ lên nghề trồng mai cảnh thì số người mắc bệnh ung thư ở đây có con số đáng báo động. Số người chết vì bệnh ung thư tăng lên từng năm, nhất là bệnh ung thư phổi và ung thư gan. Đặc biệt, trong số đó có những người chết vì bệnh bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.

Thị xã An Nhơn có đến hàng chục ngàn hộ trồng mai với khoảng 2 triệu chậu. Với số lượng chậu mai kể trên, theo cách tính của anh Nguyễn Minh Hậu ở thôn Háo Đức (xã Nhơn An), cứ 2.000 chậu mai mỗi lần bơm thuốc phải mất đến 8 chai thuốc trừ sâu. Như vậy, với 2 triệu chậu mai, mỗi lần người trồng mai ở An Nhơn bơm thuốc phải sử dụng đến 8.000 chai thuốc trừ sâu. Con số quá khủng khiếp!

Theo anh Bộ, các loại thuốc trừ sâu hóa học dù hiệu quả hơn thuốc sinh học nhưng do độ độc cao nên khi bơm mùi hôi lan tỏa cả làng, người chăm mai lại phải tiếp xúc với cây mỗi ngày nên cảm nhận được sự nguy hiểm. Do đó, anh Bộ nhất quyết “lắc đầu” với các loại thuốc BVTV hóa học dù phải tốn chi phí nhiều hơn.

Thuốc trừ sâu hóa học lưu giữ mùi rất lâu, chủ nhà vườn vừa bơm thuốc xong ra vườn chăm sóc mai sẽ hít phải mùi độc hại. Ảnh: V.Đ.T.

Thuốc trừ sâu hóa học lưu giữ mùi rất lâu, chủ nhà vườn vừa bơm thuốc xong ra vườn chăm sóc mai sẽ hít phải mùi độc hại. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Bộ tính toán: Trước kia bơm thuốc BVTV hóa học phải 10 ngày, nửa tháng sau sâu bệnh mới tái phát và mới phải bơm thuốc trở lại. Nay sử dụng thuốc sinh học, chu kỳ bơm phải “nhặt” hơn, khoảng 5 - 7 ngày là phải bơm một lần, tốn thêm tiền mua thuốc và công bơm thuốc, thêm vào đó, giá thuốc BVTV sinh học đắt hơn thuốc BVTV hóa học khoảng 30%.

Thế nhưng khi còn sử dụng thuốc BVTV hóa học, sau khi phun 5 - 6 ngày khu vườn vẫn còn ngập ngụa mùi thuốc. Nay sử dụng thuốc BVTV sinh học, chiều nay phun thì sáng mai khu vườn đã hết mùi thuốc. Sử dụng thuốc BVTV sinh học sức khỏe người trồng mai không chỉ được bảo đảm hơn mà cây mai cũng dày lá hơn, lá xanh hơn so với khi sử dụng thuốc BVTV hóa học.

“Sử dụng thuốc sinh học tốn tiền thuốc, tốn công nhiều hơn nhưng cứ xem đó như là chi phí mua sức khỏe cho mình. Vả lại, khi còn bơm thuốc hóa học phải 5 - 6 ngày sau tôi mới dám ra vườn cắt tỉa cành, sửa cây, còn thuốc sinh học vừa bơm xong có thể chăm cây ngay vì không có mùi hôi, nhờ đó cây phát triển tốt hơn”, anh Bộ khẳng định.

Cũng theo anh Bộ, cây mai rất sợ bệnh bọ trĩ, nhưng cứ cách 4 ngày bơm thuốc sinh học 1 lần, bơm 3 lần liên tiếp là bệnh bay biến, không cần phải bơm thuốc hóa học. Riêng về “căn bệnh nan y” của cây mai là bệnh nấm hồng anh cũng có phương cách điều trị triệt để. Sau mỗi dịp Tết, khi cây đã được cắt tỉa cành, tuốt hết lá và hoa của năm cũ, anh mua thuốc sinh học đặc trị bệnh nấm hồng về pha loãng, dùng chiếc cọ nhỏ nhúng trực tiếp vào thuốc bôi lên thân và cành cây, thế là bệnh nấm hồng bay biến, thân cây lại sạch sẽ vì không có rong rêu bám vào.

Anh Lê Tấn Bộ: 'Sử dụng thuốc sinh học tốn tiền thuốc, tốn công nhiều hơn, nhưng cứ xem đó như là chi phí mua sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình'. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Lê Tấn Bộ: “Sử dụng thuốc sinh học tốn tiền thuốc, tốn công nhiều hơn, nhưng cứ xem đó như là chi phí mua sức khỏe cho mình và người thân trong gia đình”. Ảnh: V.Đ.T.

Nhờ sử dụng thuốc BVTV sinh học, cây mai cảnh của anh Bộ luôn có bộ lá dày, xanh, thân và cành nhánh không có rong rêu bám vào nên rất sạch sẽ. Những ưu điểm nói trên rất được thương lái ưa chuộng, mai của anh Bộ trồng không lo ế, kể cả những năm kinh tế suy thoái khiến thị trường tiêu thụ mai cảnh chậm lại.

Qua trao đổi chuyện nghề với anh Bộ, chúng tôi nhận thấy anh đã mạnh dạn chấp nhận tăng thêm chi phí trong quy trình chăm sóc những chậu mai khi sử dụng thuốc trừ sâu sinh học thay cho thuốc hóa học để “mua” sức khỏe cho chính mình và bảo vệ môi trường, đây chính là tư duy sản xuất tiến bộ mà những người làm nông nghiệp cần học hỏi.

Bình luận