1,5 triệu lao động nông thôn sẽ được đào tạo nghề mỗi năm

Bình luận · 256 Lượt xem

Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; thí điểm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo mô hình Nhật Bản.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bài liên quan

Chất lượng lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản còn thấp

Ngày 4/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.

Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những nội dung chưa làm tốt để đưa ra những giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành NN-PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”.

Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2005 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng Đông Nam bộ tiếp tục phát triển tốc độ khá, tăng bình quân 4,63%/năm. Đông Nam bộ đứng đầu cả nước về sản lượng cao su, điều, lợn..., tỷ lệ che phủ rừng của vùng đạt 19,42%.

Đến hết năm 2021, vùng Đông Nam bộ đã có 368/425 xã (gần 87%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng hơn 44% so với năm 2015), là vùng có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới cao đứng thứ 2 trong cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước.

Đối với ĐBSCL, đây là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước; hàng năm sản xuất trên 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% sản lượng gạo xuất khẩu. Vùng đất này được ca ngợi là “vựa lúa”, “vựa trái cây” và “vựa tôm - cá” của Việt Nam, với đóng góp trung bình 34% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân GDP nông nghiệp ĐBSCL giai đoạn 2004 - 2020 đạt 4,6%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của cả nước (trên 3,7%).

Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Theo ông Ngô Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ NN-PTNT, trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Vùng Đông Nam bộ có quy mô đào tạo gần 517.000 sinh viên với tỷ lệ 30,2% - đứng thứ hai của cả nước.

Trong số các trường đại học đóng trên địa bàn hai vùng, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi với các chuyên ngành: Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Lâm học, Lâm nghiệp đô thị, Nông học, Nuôi trồng thủy sản, Công nghệ chế biến thủy sản, Bệnh học thủy sản, Quản lý tài nguyên rừng, Công nghệ chế biến lâm sản, Thú y, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Công nghệ sinh học nông nghiệp...

Cùng với hệ thống các trường đại học, hiện nay cũng có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ ngành NN-PTNT trong vùng, như các trường trực thuộc Bộ NN-PTNT và các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc các tỉnh, thành phố.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, 4/28 trường cao đẳng thuộc Bộ NN-PTNT đã đào tạo lao động cho các tỉnh Nam bộ với các trình độ cao đẳng (gần 15.000 người), trung cấp (trên 41.000 người); sơ cấp và dạy nghề thường xuyên (gần 53.000 người).

Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh trong vùng đã đào tạo các cấp với số lượng là 3.092 người trình độ cao đẳng, 11.702 người trình độ trung cấp, 138.149 người trình độ sơ cấp và 390.136 người đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo nghề dưới 3 tháng vùng Đông Nam bộ là 57.807 người (bằng 7,17% cả nước); vùng đồng bằng sông Cửu Long là 332.328 người (bằng 41,23% cả nước).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đang đứng trước những khó khăn, thách thức như lao động nông lâm thủy sản có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua.

Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng Đông Nam bộ, giảm mạnh từ 1,24 triệu người năm 2011 còn 778 nghìn năm 2020, mỗi năm giảm trung bình 46,7 nghìn người/năm.

Vùng ĐBSCL, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên vùng ĐBSCL đã giảm từ 10,2 triệu người xuống 9,36 triệu người. Nguyên nhân sự sụt giảm này là do lao động đã di cư ra khỏi vùng để tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, đô thị của các vùng khác.

Chất lượng của lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên trong ngành nông, lâm thủy sản chiếm tỷ lệ thấp, cụ thể là chỉ là 7,4% đối với vùng Đông Nam bộ và 2.21% đối với vùng ĐBSCL. Phần lớn lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản trong vùng vẫn còn là lao động phổ thông, giản đơn, lao động làm việc theo kinh nghiệm, thời vụ, thiếu lao động có tay nghề cao.

Bên cạnh đó, lao động còn thiếu hụt kỹ năng và năng lực hành nghề, tỷ lệ lao động chưa được công nhận có kỹ năng nghề quốc gia còn chiếm tỷ lệ lớn. Nhiều học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường không kiếm được việc làm phù hợp với chuyên môn đào tạo, do chưa đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng và thị trường lao động.

Trong đào tạo đã chứng kiến sự suy giảm ở các ngành nông nghiệp truyền thống ở hầu hết các cấp trình độ. Cụ thể, trong nhóm ngành nông nghiệp có sự suy giảm ở ngành khoa học đất, khuyến nông, chăn nuôi, nông học, khoa học cây trồng, phát triển nông thôn, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ thực vật. Đối với nhóm ngành thủy sản giảm mạnh ở chuyên ngành khai thác thủy sản, quản lý và khai thác nguồn lợi biển đảo, khoa học thủy sản. Nhóm ngành lâm nghiệp giảm mạnh ở ngành lâm sinh, lâm học, quản lý tài nguyên rừng, lâm nghiệp đô thị. Nhóm ngành thủy lợi giảm mạnh ở ngành kỹ thuật tài nguyên nước, thủy văn, kỹ thuật xây dựng công trình thủy và kỹ thuật cấp thoát nước…

Đối với cán bộ quản lý các HTX nông nghiệp, dù tỉ lệ cán bộ quản lý có trình độ cao đẳng, đại học và trung cấp được nâng lên so với trước đây, tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ lớn cán bộ, thành viên hợp tác xã chưa có bằng cấp chứng chỉ hoặc chỉ mới đào tạo trình độ sơ cấp và các lớp ngắn hạn dưới 3 tháng nên chưa phát huy được hiệu quả. Kiến thức về thị trường, kỹ năng quản lý, quản trị của cán bộ quản lý các hợp tác xã nhìn chung còn yếu. Nhiều nhân sự quản lý HTX đã lớn tuổi, thậm chí đã hết tuổi lao động, chưa qua đào tạo nên không tránh khỏi lúng túng trong điều hành, thiếu nhạy bén với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, cơ chế thị trường, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số.

Thí điểm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp theo mô hình Nhật Bản 

Trước bối cảnh đó, Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT ban hành Nghị quyết số 37-NQ/BCSĐ về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cầu phát triển ngành NN-PTNT đến năm 2025 và định hướng tới năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ (từ sơ cấp trở lên) của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản từ 4,6% năm 2020 lên 10% vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tuyển sinh bình quân hàng năm: 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp, trong đó, phấn đấu tỷ lệ đăng ký học các ngành nông, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản chiếm 40% đối với trình độ thạc sĩ (tỷ lệ hiện tại là 37%); 30% đối với trình độ đại học (tỷ lệ hiện tại là 24%); và 20% đối với trình độ cao đẳng và trung cấp (tỷ lệ hiện tại của cao đẳng là 15,1% và trung cấp là 12,6%)…

Để đạt được các mục tiêu này, thời gian tới, Bộ NN-PTNT tập trung tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp.

Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.

Sản phẩm của học sinh cấp 3 Nhật Bản được chào hàng tại các siêu thị.

Sản phẩm của học sinh cấp 3 Nhật Bản được chào hàng tại các siêu thị.

Triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp; trong đó, triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, tình yêu đối với ngành nông nghiệp cho các ngành phục vụ nông nghiệp và các ngành phi nông nghiệp để khi ra trường các em có thể phục vụ trong ngành nông nghiệp hoặc định hướng công việc, kinh doanh các ngành liên quan đến ngành nông nghiệp.

Nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở, bảo đảm học sinh tốt nghiệp có kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp; có đủ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tiếp tục học lên bậc học cao hơn

Bình luận