Sóc Trăng có hơn 600 kênh thủy lợi là 'hồ thuận thiên' trữ nước ngọt

Bình luận · 40 Lượt xem

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có 613 kênh cấp I, II, III, khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Hệ thống này là thế mạnh trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn.

Huyện Trần Đề (Sóc Trăng) là một trong những địa phương ven biển, thường xuyên chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn. Đặc biệt, trải qua đợt hạn mặn gay gắt những tháng đầu mùa khô 2024, bài toán trữ nước lại càng trở nên quan trọng, được chính quyền địa phương quan tâm.

Toàn huyện Trần Đề hiện có 17 trạm cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, với lưu lượng 10.000m3/ngày đêm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước hiện tại của người dân chỉ dao động từ 7.000 - 8.000m3/ngày đêm. Như vậy, hệ thống cấp nước của huyện vẫn đảm bảo đủ năng lực cung cấp cho người dân.

Huyện Trần Đề có 17 trạm cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, với lưu lượng 10.000m3/ngày đêm. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Trần Đề có 17 trạm cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, với lưu lượng 10.000m3/ngày đêm. Ảnh: Kim Anh.

Trước đây, người dân địa phương thường sử dụng nguồn nước từ các kênh nội đồng để phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Trước bối cảnh nguồn nước bị cạn, bà con chuyển qua sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung.

Điều này dẫn đến một số khu vực xa nguồn bị thiếu nước. Qua rà soát của UBND huyện Trần Đề, địa phương hiện có 51 điểm với khoảng 5.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2023 - 2024 vừa qua. Nguyên nhân là do đặc thù của từng khu vực, một số địa phương thừa nước, nhưng địa phương khác lại thiếu nước sinh hoạt.

Ông Nguyễn Trọng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, Phòng NN-PTNT huyện đang phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng lập hồ sơ, xin phép khoan bổ sung thêm giếng và tăng lưu lượng khai thác ở các trạm Liêu Tú, Trung Bình, Đại Ân 2, Tài Văn, Thạnh Thới An, Thạnh Thới Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của người dân trong giai đoạn mùa khô.

Đồng thời, vận động người dân trữ nước ngọt bằng nhiều cách trong những tháng mùa mưa. Hộ nào có quỹ đất, thực hiện đào ao trữ nước phục vụ trồng trọt, chăn nuôi. Hoặc bà con tận dụng các dụng cụ như bồn, thùng, xây hồ để trữ nước sạch, đồng thời sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm.

Huyện Trần Đề tăng cường vận động xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị chứa nước, xử lý nước để nâng cao năng lực trữ nước sạch cho người dân nông thôn. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Trần Đề tăng cường vận động xã hội hóa để hỗ trợ thiết bị chứa nước, xử lý nước để nâng cao năng lực trữ nước sạch cho người dân nông thôn. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Trần Đề có tổng số 613 kênh cấp I, II, III, với tổng khối lượng trữ nước trên 6,5 triệu m3. Ông Sơn nhấn mạnh, hệ thống kênh này là một trong những thế mạnh trữ nước ngọt cần thiết. Trong điều kiện xâm nhập mặn, các cống đồng loạt đóng, các kênh sẽ trở thành “hồ thuận thiên” tích trữ nước ngọt, đảm bảo tưới tiêu, phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Do đó, huyện Trần Đề luôn chủ động công tác nạo vét kênh thủy lợi nội đồng để trữ nước ngọt. Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương nạo vét 27 tuyến kênh với khối lượng trên 72.400m3 và đang tiếp tục nạo vét một số kênh cấp II trong quý IV/2024 để tích trữ nước phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện có 25 cống ngăn mặn, trên 400 hệ thống kênh mương là điều kiện tốt để tích trữ nguồn nước ngọt tự nhiên.

Hệ thống kênh là một trong những thế mạnh để huyện Trần Đề tích trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống kênh là một trong những thế mạnh để huyện Trần Đề tích trữ nước ngọt trong điều kiện xâm nhập mặn. Ảnh: Kim Anh.

Mặt khác, trong khuôn khổ “Dự án Xây dựng tổng thể trữ nước vùng ĐBSCL để giải quyết vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL” của Viện Khoa học tài nguyên nước, huyện Trần Đề đang xem xét, đề xuất vị trí, quy mô khu trữ nước trên địa bàn.

Về lâu dài, UBND huyện có đề xuất quy hoạch các hồ chứa nước mặt, phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho người dân tại vùng trũng ở ấp Bờ Đập (xã Viên An), ấp Bưng Chông (xã Tài Văn) với diện tích 50ha. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nâng cấp, mở rộng 8 công trình cấp nước tập trung.

Đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng đang quản lý, vận hành 145 công trình cấp nước tập trung, phục vụ hơn 145.000 hộ dân nông thôn.

Tỷ lệ người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn quốc gia từ hệ thống cấp nước tập trung đạt 63%. Trong đó, huyện Trần Đề có tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt cao nhất tỉnh, tương đương khoảng 81,4%.

Bình luận