Gia Lai: Tìm giải pháp thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển bền vững

Bình luận · 41 Lượt xem

(GLO)- Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo ra giá trị gia tăng lớn và khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nên cần tăn

bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tạo ra giá trị gia tăng lớn và khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế nên cần tăng cường giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.

Những chuyển biến rõ nét

Năm 2024, tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt trên 595 ngàn ha cây trồng các loại; sản lượng lương thực ước đạt trên 400 nghìn tấn. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 7.700 ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, toàn tỉnh hiện có khoảng 256 ngàn ha cây trồng các loại được sản xuất theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

vuon-sau-rieng-nha-ong-nheng-6536.jpg
Sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Ảnh: Nguyễn Diệp

Ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Những năm gần đây phương thức sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục có sự đột phá từ nhận thức đến hành động, chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, 4C, hữu cơ… Nông dân các địa phương đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao theo nhu cầu thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, Gia Lai đã có 227 mã số vùng trồng và 38 mã số cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Hiện nay, có gần 24 ngàn hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với 95 hợp tác xã và 69 doanh nghiệp…tạo điểm sáng của ngành trồng trọt hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét khi chăn nuôi nhỏ, lẻ đang giảm dần. Chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao ngày càng phát triển.

 

Ông Thái Văn Dũng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh- thông tin: Ngành chăn nuôi của tỉnh đã có bước chuyển biến rõ rệt từ khâu con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật, hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao góp phần chuyển dịch chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi tập trung. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 208 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, 93 dự án đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư và hiện nay 38 dự án đã đi vào hoạt động. Ngành chăn nuôi ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Riêng năm 2023, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt khoảng 6.420 tỷ đồng.

chan-nuoi-theo-huong-an-toan-sinh-hoc-tai-trung-tam-giong-vat-nuoi-tinh-3869.jpg
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học góp phần giảm nguy cơ dịch bệnh.Ảnh: Nguyễn Diệp

Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng cũng đã có sự chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm dần qua từng năm. Cơ quan chuyên môn phối hợp cùng các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng. Đến cuối tháng 9-2024, toàn tỉnh đã trồng được hơn 6.000 ha rừng, phấn đấu từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành kế hoạch trồng 9.000 ha rừng trong năm nay.

Tìm giải pháp căn cơ

Ngành nông nghiệp và PTNT đã có sự chuyển biến rõ nét, nhất là lĩnh vực rau quả và chăn nuôi. Kết quả này là nhờ công tác xây dựng chính sách, cải cách hành chính được ngành Nông nghiệp chủ động triển khai, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước tháo gỡ khó khăn, thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, giúp người dân tiêu thụ nông sản ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, ngành cũng đang gặp không ít những khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ để phát triển theo hướng bền vững.

 

Tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa đã nêu những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đề xuất một số kiến nghị với UBND tỉnh như: Xem xét, ban hành kế hoạch khai thác đa mục đích các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh; quan tâm bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi, kiểm kê rừng. Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh xem xét, cho ý kiến về việc xóa nợ tiền thuê đất của 3 Trung tâm: Nghiên cứu Giống cây trồng, Giống vật nuôi, Giống thủy sản vì sau khi giao cơ chế tự chủ, các Trung tâm này gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh để mua vắc xin, hóa chất phục vụ công tác phòng-chống dịch bệnh động vật. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan quan tâm cùng với Sở tháo gỡ các khó khăn trong việc triển khai các dự án trên lĩnh vực nông nghiệp…

z5891473660116-f472b5c1e2b2d665d0869688d74b04a9-7437.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa nêu những khó khăn, vướng mắc hiện nay của ngành Nông nghiệp. Ảnh: Nguyễn Diệp

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp và PTNT, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung ghi nhận và biểu dương những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cũng cho rằng, với tiềm năng, lợi thế của Gia Lai hiện nay thì những kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và có sự đầu tư mạnh mẽ. Do đó, ngành Nông nghiệp cần phát huy vai trò trong công tác quản lý, theo đúng quy định của pháp luật. Từ đó, tham mưu, đề xuất cho tỉnh xây dựng các chương trình, kế hoạch, phương án phát huy được tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường, thích ứng được biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cũng đề nghị, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và PTNT cần quan tâm củng cố lại đội ngũ cán bộ, chia sẻ những khó khăn của các Ban Quản lý rừng phòng hộ. Liên quan đến hai lĩnh vực lớn nhất của ngành là trồng trọt và chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần quan tâm xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mã vùng trồng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, cần đánh giá lại một cách toàn diện các dự án chăn nuôi, kiên quyết xử lý đối với các dự án chăn nuôi không đảm bảo về môi trường.

z5891416451550-4c73c44025ad070b7b8698ef5983ec2e-3428.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu tại buổi làm việc với ngành Nông nghiệp.
Ảnh: Nguyễn Diệp
 

Về kiến nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT liên quan đến chuyển đổi diện tích rừng trồng cao su có hiện tượng chết, kém phát triển sang đầu tư dự án khác. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chủ trương chuyển rừng nghèo sang trồng cao su không hiệu quả, để như hiện nay rất lãng phí. Do đó ngành Nông nghiệp cần phối hợp cùng các địa phương, đơn vị liên quan phối hợp tìm giải pháp phù hợp để tham mưu cho tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, để chuyển đổi hết diện tích này cùng một lúc thì rất khó nên phải tính toán làm từng bước. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung cũng đề nghị ngành Nông nghiệp cần tham mưu với UBND tỉnh trong việc sắp xếp lại các Công ty lâm nghiệp để phát huy hiệu quả trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện tốt công tác quản lý các công trình thủy lợi, xây dựng đề án phát triển du lịch sinh thái tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng…Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các sở, ngành liên quan cùng phối hợp sớm tháo gỡ những khó khăn, đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế trong những năm tới.

Bình luận