APEC 2023: Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, mở cửa thị trường

Bình luận · 246 Lượt xem

Đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực, các nền kinh tế thành viên APEC tìm cách tăng năng suất nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack chủ trì Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh lương thực.

Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Thomas Vilsack chủ trì Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh lương thực.

Hội nghị APEC SOM 3 diễn ra tại Seattle từ ngày 28/7 - 21/8 tại Seattle, Hoa Kỳ. Trong khuôn khổ APEC SOM 3, Bộ NN-PTNT đã cử đại diện tham dự các sự kiện liên quan mà ngành nông nghiệp được cử làm đầu mối của Việt Nam như:

  • Hội nghị Bộ trưởng về An ninh lương thực APEC (FSMM)
  • Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về công nghệ sinh học APEC (HLPDAB)
  • Nhóm Đại dương và Nghề cá (OFWG)
  • Nhóm Công tác về chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp (EGILAT)
  • Cuộc họp Đối tác chính sách về an ninh lương thực APEC (PPFS)
  • Nhóm Công tác Kỹ thuật Nông nghiệp (ATCWG)
  • Nhóm công tác APEC về phòng chống thảm họa khẩn cấp (EPWG)
  • Diễn đàn quản lý thiên tai APEC (SDMOF)

Đối diện với tình trạng mất an ninh lương thực gia tăng trên toàn cầu do chi phí gia tăng, xung đột và biến đổi khí hậu làm gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng, các nền kinh tế thành viên APEC tìm cách tăng năng suất nông nghiệp thông qua đổi mới công nghệ và thực hành sản xuất bền vững.

Các Bộ trưởng Nông nghiệp khu vực APEC đã có cuộc họp riêng chiều 3/8 tại Seattle để tăng cường các biện pháp nhằm đáp ứng nhu cầu dân số ngày gia tăng với nguồn tài nguyên hạn chế do những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC 2023.

Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp APEC 2023.

Hội nghị Bộ trưởng APEC về An ninh lương thực đặt trọng tâm vào thúc đẩy đổi mới và khoa học, bao gồm cả công nghệ sinh học, để cải thiện năng suất, tính bền vững và khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp trước các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ môi trường, coi đổi mới và công nghệ là chìa khóa để xây dựng một hệ thống lương thực, thực phẩm tự cường trong khu vực APEC.

Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong cam kết duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, cởi mở, công bằng, toàn diện và minh bạch, lấy WTO làm trung tâm, và công nhận tầm quan trọng của các biện pháp minh bạch trong thúc đẩy thương mại quốc tế đối với thực phẩm, động vật và sản phẩm thực vật.

Tại Hội nghị, thay mặt cho Bộ NN-PTNT Việt Nam, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, đã chia sẻ Việt Nam luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo lương thực cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi, cho tất cả mọi người trên thế giới nói chung và trong khu vực APEC nói riêng. Việt Nam đã cam kết chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững tại Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc năm 2021. Việt Nam sẽ không chỉ cung cấp thực phẩm chất lượng cao mà còn nỗ lực giảm tác động xấu tới môi trường.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thay mặt Bộ NN-PTNT phát biểu tại Hội nghị.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế thay mặt Bộ NN-PTNT phát biểu tại Hội nghị.

Thời điểm này, Việt Nam đang triển khai mạnh mẽ Kế hoạch Hành động quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2023. Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực của APEC nhằm đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người, cũng như thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp xanh, phát thải thấp và tăng cường năng lực chống chịu với khí hậu. Đây là nền tảng quan trọng để tạo ra một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người như chủ đề được đặt ra tại APEC 2023 lần này.

Việt Nam hiện đặt ưu tiên cao cho đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nhằm giúp nền nông nghiệp có khả năng chống chịu và thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Hợp tác công - tư được coi là công cụ để thúc đẩy thực hành nông nghiệp sinh thái và chuyển đổi số để nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Về vấn đề này, Việt Nam ủng hộ Sáng kiến Đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu do Hoa Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất khởi xướng. Đồng thời, Việt Nam đang hợp tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới để phát triển Trung tâm Đổi mới Lương thực, Thực phẩm tại Việt Nam theo hình thức hợp tác công - tư.

Trong khuôn khổ hợp tác hợp tác với APEC về chính sách an ninh lương thực (PPFS), phía Việt Nam đề xuất 2 dự án, đó là: (1) Tăng cường hợp tác APEC trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm và bền vững; và (2) Thúc đẩy hợp tác APEC để nhân rộng các thực tiễn tốt nhất về mô hình cộng đồng số hướng tới chuyển đổi nông thôn bền vững và toàn diện.

Việt Nam mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ các nền kinh tế thành viên APEC khác để có những hành động chung, thiết thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực, đồng thời bảo vệ môi trường trước tình trạng nóng lên toàn cầu.

Hội nghị đã thông qua các “Nguyên tắc chung của APEC để đạt được an ninh lương thực thông qua phát triển hệ thống nông sản, lương thực bền vững”, bao gồm:

Nguyên tắc 1: Thúc đẩy các hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, có khả năng phục hồi, hỗ trợ an ninh lương thực, quản lý môi trường, duy trì sinh kế và mang lại lợi ích xã hội cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Nguyên tắc 2: Thúc đẩy các chính sách để nâng cao tính bền vững và khả năng phục hồi trong các hệ thống lương thực thực phẩm.

Nguyên tắc 3: Thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm của APEC hướng tới tính bền vững và tự cường thông qua việc ra quyết định về các chính sách và quy định phản ánh các thỏa thuận quốc tế hiện hành và các tiêu chuẩn được chấp nhận.

Nguyên tắc 4: Phát huy vai trò của hệ thống thương mại đa biên và thị trường minh bạch, có thể dự đoán, cởi mở và công bằng trong an ninh lương thực khu vực và toàn cầu.

Bình luận