Bàn giải pháp gỡ khó cho lâm nghiệp và thủy lợi ở Gia Lai

Bình luận · 82 Lượt xem

Trước những khó khăn trong lĩnh vực lâm nghiệp và thủy lợi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã gợi mở những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho tỉnh Gia Lai.

Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Bộ NN-PTNT làm việc với UBND tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Khó khăn trong chuyển đổi và thực trạng lấn chiếm đất rừng

Ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan trong lĩnh vực của ngành nông nghiệp như lâm nghiệp, các dự án thủy lợi trên địa bàn tỉnh.

Tại buổi làm việc, ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển khá, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 3,1%; tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Bên cạnh những thuận lợi, Gia Lai cũng đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp và các dự án thủy lợi.

Liên quan đến chuyển đổi diện tích rừng trồng cao su, ông Tiệp cho biết, từ năm 2018 đến nay, ngoài diện tích hơn 12.000ha cây cao su bị chết, kém phát triển, tiếp tục phát sinh thêm gần 4.500ha. Các doanh nghiệp muốn chuyển đổi các dự án cao su kém hiệu quả sang thực hiện các dự án khác để sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, tạo nguồn thu, tháo gỡ những khó khăn về kinh tế.

Trong khi đó, diện tích người dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp của các công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ và UBND các xã quản lý khoảng 76.000ha.

Dự án trồng cao su tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án trồng cao su tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Tuấn Anh.

Trước những khó khăn trên, Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển mục đích sử dụng rừng; trồng rừng thay thế khi chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang đầu tư các dự án khác. Đồng thời, cho phép tỉnh được chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và điều kiện thực tế tại địa phương.

Gia Lai cũng đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì xem xét đề xuất Chính phủ xử lý vấn đề dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp tồn tại dai dẳng từ trước đến nay trên địa bàn.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho biết, Gia Lai cần thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong năm 2022. Theo đó, tỉnh cần phải rà soát kỹ tổng diện tích cao su bị chết, từ đó phân loại xác định nguồn gốc đất rừng; trước khi hình thành rừng cao su có rừng tự nhiên không hay là đất trống? Bởi khi chuyển đất rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp.

Cụ thể, nếu chuyển mục đích sử dụng rừng trồng thì phải trồng rừng thay thế bằng một diện tích tương đương; đối với rừng tự nhiên, phải trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích chuyển đổi. Bên cạnh đó, Gia Lai cũng cần xác định phương án cụ thể sử dụng diện tích cao su bị chết này để làm gì. Khi đó, tỉnh cùng Bộ, ngành sẽ cùng nhau bàn hướng tháo gỡ.

Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả

Liên quan đến hồ chứa nước Ia Thul (huyện Ia Pa), UBND tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm đầu tư đồng bộ từ đầu mối đến hệ thống kênh nội đồng dẫn nước phục vụ sản xuất khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Đồng thời, trong quá trình triển khai dự án, đề nghị phân kỳ đầu tư hệ thống kênh đồng bộ từ kênh chính đến kênh nội đồng để sớm đưa công trình từng phần vào khai thác.

UBND tỉnh Gia Lai cũng đề nghị bố trí đầu tư nâng cấp, mở rộng cầu Bến Mộng, đoạn đường giao thông vào vùng tưới của dự án, đường quản lý vận hành kết hợp đường giao thông nông thôn để thuận lợi cho người dân trong vùng tưới của 2 huyện Ia Pa và huyện Krông Pa.

Bên cạnh đó, người dân huyện Krông Pa, Ia Pa cũng có nhu cầu lớn với nguồn nước sạch. Vì vậy, đề nghị trong thiết kế xây dựng công trình có tính toán thiết kế van lấy nước để xây dựng đấu nối nhà máy xử lý nước sạch cho người dân.

Dự án thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

Dự án thủy lợi Ia Mơr. Ảnh: Tuấn Anh.

Đối với dự án thủy lợi Ia Mơr, UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị ưu tiên bố trí kinh phí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Bộ để thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh, hệ thống bơm tưới trọng lực. Đồng thời, xây dựng hệ thống kênh nội đồng nhằm đảm bảo đồng bộ từ công trình đầu mối đến nội đồng, khép kín trong hệ thống công trình thủy lợi.

Ông Lê Hồng Linh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN-PTNT) cho biết, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo rất rõ, công trình thủy lợi Ia Thul phải được điều chỉnh theo hướng đa mục tiêu, không chỉ phục vụ lĩnh vực nông nghiệp mà còn các ngành khác. Những vấn đề về nước sạch sinh hoạt hay đầu tư được giao thông nông thôn trong vùng tưới… đã có trong kế hoạch. Trong thời gian tới, khi có thiết kế chi tiết sẽ phối hợp với các Sở, ban, ngành và các huyện để bổ sung các nội dung này vào trong kế hoạch.

Đối với thủy lợi Ia Mơr, chúng ta đã tạo ra kho nước với hơn 200 triệu m3 và đã xây dựng xong 100km kênh tưới để phục vụ cho hơn 9.000ha cây trồng. Hiện còn hơn 4.700ha phải chuyển đổi đất rừng, việc này tỉnh cũng đã kiến nghị ra Bộ NN-PTNT. Sau khi xem xét, Bộ NN-PTN thống nhất không chuyển đổi đất rừng mà sẽ tìm vùng tưới mới. Trong thời gian tới, Bộ sẽ báo cáo vấn đề này với Thủ tướng Chính phủ để làm sao phát huy hết công năng, hiệu quả của thủy lợi Ia Mơr.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Anh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc. Ảnh: Tuấn Anh.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, với việc hơn 12.000ha cao su bị chết, kém hiệu quả nhưng tỉnh Gia Lai mới có văn bản đề nghị cho phép chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy là chưa thuyết phục. Chúng ta cần có hẳn 1 tập hồ sơ đánh giá kỹ hơn về việc tại sao cao su chết và chết rồi thì phải làm sao. Còn nếu chuyển đổi hơn 12.000ha cao su đó thì sẽ trồng cây gì cho hiệu quả.

“Sau khi chuẩn bị hồ sơ nghiêm túc, xác định hết thực trạng của vấn đề cao su bị chết, kém phát triển, Bộ NN-PTNT sẽ đồng hành cùng với tỉnh để tháo gỡ những khó khăn trên”.

Liên quan đến vấn đề chiếm canh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, với những quy định của Luật Lâm nghiệp thì không giải quyết được vấn đề chiếm canh ở Tây Nguyên. Theo đó, cần phải đặt trong quá trình lịch sử của Tây Nguyên, từ khi bà con di dân tự do, lấn chiếm đất rừng cũng như việc chuyển đổi cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp.

“Chúng ta cần phải nghiêm túc hơn, cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc, nhìn từ thực tế địa phương để có những đề xuất tốt hơn về xử lý việc người dân chiếm canh trên đất lâm nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đối với dự án thủy lợi Ia Mơr, Bộ sẽ phối hợp cùng UBND 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh, mở rộng vùng tưới và bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống kênh trong trung hạn 2026 - 2030, đảm bảo phát huy mục tiêu, nhiệm vụ dự án đã đề ra. Giữa Bộ và tỉnh Gia Lai đã thống nhất lại là sẽ tìm vùng tưới khác để khai thác tối đa hiệu quả dung tích của hồ thủy lợi Ia Mơr.

Bình luận