Chăn nuôi tuần hoàn giúp giải quyết bài toán thị trường

Bình luận · 242 Lượt xem

Nông nghiệp hữu cơ được xác định sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và xã hội.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã hướng dẫn, hỗ trợ bà con triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi tuần hoàn giúp hạ giá thành tối đa

Cuối năm 2022, giá trâu bò giảm mạnh xuống mức 50.000 - 60.000 đồng/kg khiến người chăn nuôi rơi vào tình cảnh lao đao. Cứ mỗi con trâu, con bò bán ra, trung bình người chăn nuôi lỗ hàng chục triệu đồng.

Nhớ lại khoảng thời gian khó khăn đó, anh Dương Văn Hồng, Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My, xã Nga My, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, hoàn cảnh khốn đốn khiến người dân bắt buộc phải đi tìm một hướng đi khác để có thể gia tăng thu nhập từ nghề chăn nuôi.

Nói là làm, từ đầu năm 2023, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, các thành viên trong HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My đã bắt đầu triển khai mô hình chăn nuôi bò thịt tuần hoàn.

Theo đó, phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế. Sau đó, trùn quế sẽ được làm thức ăn cho lợn và chất thải của trùn sẽ được xử lý làm phân bón bón cho cỏ, ngô, rau củ, cây ăn quả. Cuối cùng, cỏ và ngô sinh khối sẽ lại được sử dụng làm thức ăn cho bò.

Cho đến nay, HTX đã có 25 thành viên và đang chăn nuôi khoảng 500 con bò với hơn 200ha diện tích trồng ngô sinh khối và cỏ voi làm thức ăn vỗ béo bò. Bước đầu, mô hình đã mang lại những hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi.

“Trước đây chưa áp dụng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, phân bò không những phải bỏ đi mà người dân còn phải mất chi phí để xử lý. Hiện nay, với diện tích 250m2 chuồng trại nuôi trùn quế, mỗi tháng tôi sẽ thu về từ 10 - 15 tấn phân trùn, tương đương khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, còn có phân bón hữu cơ để bón cho cây trồng”, anh Dương Văn Hồng phấn khởi chia sẻ.

Giám đốc HTX Chăn nuôi bò và Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Nga My cho biết thêm, quy trình vỗ béo bò cần phải được áp dụng theo từng giai đoạn để bò phát triển thể trạng theo đúng ý muốn. Sau khi vỗ béo từ 12 - 15 tháng bò sẽ đạt tiêu chuẩn từ 600 - 650kg để xuất bán, sau khi trừ đi hết các chi phí sẽ thu về lợi nhuận khoảng 18 triệu đồng mỗi con.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, đối với các sản phẩm nông nghiệp nói chung, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho người dân. Với mô hình chăn nuôi bò tuần hoàn tại xã Nga My, Trung tâm đã hỗ trợ bà con tổ chức thành lập các HTX và liên kết tiêu thụ bò.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng như chính quyền địa phương cũng đã kết nối để bà con có thể tiêu thụ được sản phẩm phân hữu cơ với các mô hình trồng trọt khác như trồng lúa, rau, chè cũng như cây ăn quả khác trên địa bàn tỉnh.

Phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế. Ảnh: Quang Linh.

Phân bò sẽ được dùng để nuôi trùn quế. Ảnh: Quang Linh.

Nông nghiệp tuần hoàn tạo dư địa lớn cho nông nghiệp hữu cơ

Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đang phải chịu rất nhiều tác động từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Những khó khăn, thách thức đó đòi hỏi sản xuất nông nghiệp cần phải xác định, lựa chọn những hướng đi đúng đắn, khai thác tối đa các lợi thế so sánh để phát triển theo chiều sâu, khẳng định giá trị và thương hiệu sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu, phù hợp trong điều kiện hiện nay. Hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong khi áp lực về lương thực giảm đi, áp lực về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng lên.

Chính phủ cũng như Bộ NN-PTNT dù đã có một số chính sách tạo điều kiện cho tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất chăn nuôi theo hướng tuần hoàn nhưng theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, thực tế cho thấy thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trong nước chưa phát triển, chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu, tiêu thụ tập trung tại các kênh phân phối hiện đại và phục vụ thị phần nhỏ khách hàng trung và cao cấp.

Đặc biệt, đang có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm hữu cơ có chứng nhận và sản phẩm “hữu cơ tự xưng” (sản phẩm không có chứng nhận nhưng được ghi trên bao bì, nhãn mác là sản phẩm hữu cơ) khiến cho doanh nghiệp có chứng nhận bị thiệt hại và người tiêu dùng bị nhầm lẫn.

Người tiêu dùng cũng chưa thực sự tin tưởng vào chất lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ do chưa phân biệt được chất lượng của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thông thường. Cùng với đó, giá thành sản phẩm hữu cơ còn cao do phải trải qua nhiều khâu trung gian khi đến tay người tiêu dùng, do đó chưa thu hút được sự quan tâm, chấp nhận của người tiêu dùng trong nước.

Phân bò sau các công đoạn thành thức ăn cho cỏ, cỏ sau đó lại trở thành thức ăn vỗ béo cho bò theo một vòng tuần hoàn khép kín. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phân bò sau các công đoạn thành thức ăn cho cỏ, cỏ sau đó lại trở thành thức ăn vỗ béo cho bò theo một vòng tuần hoàn khép kín. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gia tăng giá trị kinh tế so với các sản phẩm thông thường. Đồng thời, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường như nguồn nước, không khí, đất. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ có thể kết hợp với du lịch để mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất. 

Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho rằng, trước nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp cũng như người dân đối với các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện nay, nông nghiệp hữu cơ đang được xác định là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới do đảm bảo cung cấp được các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe con người và cho xã hội.

“Ngoài ra, sản xuất hữu cơ còn bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông nghiệp thế giới”, ông Phạm Văn Duy nhấn mạnh.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gia tăng giá trị kinh tế so với các sản phẩm thông thường. Ảnh: Quang Linh.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần gia tăng giá trị kinh tế so với các sản phẩm thông thường. Ảnh: Quang Linh.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ và báo cáo của Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ thế giới, số lượng tỉnh, thành phố của Việt Nam tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ đã tăng từ 46 tỉnh trong năm 2018 lên đến 62 tỉnh trong năm 2022. Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam khoảng trên 175.000ha, tăng 50% so với năm 2016. Chủng loại sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ ngày càng mở rộng đối với cả tiêu chuẩn trong và ngoài nước.

Lực lượng các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ ngày một đông đảo. Cụ thể, đã có khoảng hơn 17.000 đơn vị, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ, khoảng 600 chủ thể chế biến, 60 doanh nghiệp xuất khẩu và 40 doanh nghiệp nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 350 triệu USD/năm.

Bình luận