Khắc phục yếu điểm của nuôi gà thả vườn bằng quy trình VietGAHP

Bình luận · 68 Lượt xem

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP giúp đàn gà thả vườn khoẻ mạnh, ít dịch bệnh, thịt săn chắc, thơm ngon hơn so với cách chăn nuôi truyền thống.

Thả vườn theo quy trình có kiểm soát

Theo thống kê, tổng đàn gia cầm của tỉnh Thái Nguyên là trên 16 triệu con. Tại huyện Đồng Hỷ, từ tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, tự cung tự cấp nay nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gà theo mô hình gia trại quy mô từ 500 con trở lên, có nhiều trang trại chăn nuôi quy mô 2.000 - 10.000 con, chủ yếu là gà lông màu. Tuy nhiên, phương thức chăn nuôi thả vườn kiểu cũ khiến đàn gà không đảm bảo an toàn dịch bệnh, đặc biệt là cúm gia cầm.

Từ thực tế đó, để đảm bảo chăn nuôi an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm, đồng thời, chuyển giao các tiến bộ khoa học mới về chăn nuôi gà tới người dân, năm 2024 này Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên triển khai mô hình “Nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại xã Hoá Trung, huyện Đồng Hỷ, quy mô 4.400 con gà thịt thương phẩm.

Mô hình được triển khai với quy mô 500 - 3.000 con/hộ, sử dụng giống gà Lai Hồ nuôi theo phương thức bán chăn thả có hàng rào, lưới, tường bao quanh tách biệt nơi ở của con người. Mô hình cũng áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP từ khâu chọn giống, chuồng trại, thức ăn, phòng bệnh... qua đó hạn chế lây lan dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn gà cũng như đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi.

Mô hình được triển khai với quy mô 500 - 3.000 con/hộ, sử dụng giống gà Lai Hồ nuôi theo phương thức bán chăn thả có hàng rào, lưới, tường bao quanh tách biệt với nơi ở của con người. Ảnh: Phạm Hiếu.

Mô hình được triển khai với quy mô 500 - 3.000 con/hộ, sử dụng giống gà Lai Hồ nuôi theo phương thức bán chăn thả có hàng rào, lưới, tường bao quanh tách biệt với nơi ở của con người. Ảnh: Phạm Hiếu.

Là một trong những hộ tham gia triển khai mô hình tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, ông Phạm Văn Định cùng nhiều bà con đã được tham gia lớp tập huấn về quy trình kỹ thuật chăn nuôi theo VietGAHP từ việc hướng dẫn xây dựng chuồng trại, chọn con giống cho đến quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh phòng bệnh, đặc biệt là quy trình phòng bệnh bằng vacxin…

Ngoài ra, theo ông Định, bà con còn được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã cử cán bộ chuyên trách trực tiếp theo dõi các chỉ tiêu như số hộ tham gia, số lượng gà nuôi, tỷ lệ nuôi sống, tiêu tốn thức ăn, tăng trọng của gà qua các thời kỳ, đặc biệt là giúp đỡ các hộ nông dân trong công tác vệ sinh sát trùng chuồng trại, quy trình sử dụng vacxin…

Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

Tham gia mô hình, bà con được hỗ trợ 70% chi phí mua con giống, thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Trước đây chúng tôi chăn nuôi theo phương thức truyền thống, gà rất dễ nhiễm bệnh và phải dùng nhiều thuốc kháng sinh. Nhưng giờ đây chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP đã giúp đàn gà khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm, ngon hơn.

Đặc biệt, chất thải chăn nuôi đã được xử lý bằng chế phẩm sinh học nên chuồng trại không có mùi hôi, tạo môi trường sạch giúp đàn gà phát triển khỏe mạnh, an toàn. Việc chăn nuôi an toàn cũng sẽ đảm bảo sức khỏe cho người dân, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển một cách hiệu quả và bền vững”, ông Phạm Văn Định nhấn mạnh.

Về hiệu quả kinh tế, người chăn nuôi cho biết, tuy có yêu cầu khắt khe hơn nhưng mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP đã mang lại sự khác biệt so với chăn nuôi truyền thống. Theo tính toán, với quy mô 1.000 con gà Lai Hồ, với giá bán hiện nay, người chăn nuôi sẽ có lãi 17 triệu đồng, mức lợi nhuận được bà con nông dân chấp nhận.

Theo ông Phạm Văn Định (ảnh), chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP giúp đàn gà khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm, ngon hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Phạm Văn Định (ảnh), chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP giúp đàn gà khoẻ mạnh, ít bị nhiễm bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm, ngon hơn. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nâng tỉ lệ sống đàn gia cầm lên 90 - 99%

Năm 2024, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế của tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã triển khai mô hình “Nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” với quy mô 4.500 con tại xã Hóa Trung, huyện Đồng Hỷ.

Cùng với đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp triển khai mô hình chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 9.000 con và mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ gắn với phát triển sản phẩm OCOP với quy mô 3.300 con đều tại huyện Phú Bình.

Theo ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên, thông qua 3 mô hình trên, Trung tâm đã tập trung vào khai thác những tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi gia cầm như áp dụng tiêu chuẩn VietGAHP, tiêu chuẩn hữu cơ, sử dụng những chế phẩm sinh học trong xử lý chuồng trại, bổ sung dinh dưỡng cho đàn gia cầm… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Theo ông Hà Trọng Tuấn (giữa) việc khai thác những tiến bộ kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo ông Hà Trọng Tuấn (giữa) việc khai thác những tiến bộ kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Việc đáp ứng những yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là sử dụng những chế phẩm sinh học xử lý chuồng trại, xử lý chất thải chăn nuôi đã góp phần tăng cường sức khỏe, giảm tỉ lệ mắc bệnh, nâng cao tỷ lệ nuôi sống của đàn gia cầm lên 90 - 99%, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và thu nhập cho bà con”, ông Hà Trọng Tuấn phân tích.

Cùng với đó, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho rằng, việc sử dụng những chế phẩm sinh học để xử lý chuồng trại, xử lý chất thải đã hạn chế xuống mức tối thiểu, thậm chí không còn mùi hôi thối trong chuồng, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống của chủ trang trại cũng như người dân xung quanh, góp phần đảm bảo sức khỏe cho bà con, giúp bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi.

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là hướng đi đúng của ngành chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là hướng đi đúng của ngành chăn nuôi gia cầm. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thông qua mô hình, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên muốn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, chuyển đổi nhận thức của bà con nông dân, đặc biệt là các hộ chăn nuôi chủ động, tự giác áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi VietGAHP, chăn nuôi hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý chuồng trại, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đàn gia cầm, nâng cao tỉ lệ nuôi sống, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

“Tuy chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP đòi hỏi cần đầu tư kinh phí, thời gian và công sức nhưng đây là hướng đi đúng của ngành chăn nuôi gia cầm. Không những đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia cầm mà còn đảm bảo an toàn cho người chăn nuôi và người tiêu dùng”, ông Hà Trọng Tuấn khẳng định.

Kết quả triển khai mô hình tại Thái Nguyên cho thấy, chăn nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP phù hợp với điều kiện chăn nuôi tại địa phương, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như tỷ lệ nuôi sống 95%, trọng lượng gà 13 tuần tuổi nặng 2,6 kg… đều đạt so với yêu cầu đề ra.

Bình luận