Nâng tầm sản xuất nông nghiệp từ cánh đồng công nghệ

Bình luận · 66 Lượt xem

Ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã ứng dụng thành công công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và công sức, đồng thời bảo vệ môi trường.

Đây cũng là tiền đề quan trọng để nông nghiệp Bắc Ninh phát huy những lợi thế sẵn có góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích canh tác trong bối cảnh đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Chú thích ảnh
Máy cày không người lái trên cánh đồng mẫu lớn.

Trên những cánh đồng mẫu lớn của huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh hình ảnh máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại đã không còn xa lạ đối với người nông dân. Không còn cảnh dầm mưa dãi nắng, không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật, người nông dân chỉ cần đứng trên bờ, thao tác điều khiển từ xa. 

   
 
 
Advertisement: 0:46

Nhiều nông dân ở Lương Tài chia sẻ, mô hình cánh đồng công nghệ thực hiện đồng bộ cơ giới hoá từ khâu gieo mạ, làm đất, gieo cấy chăm sóc bằng máy, sử dụng thiết bị máy bay không người lái bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật với những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Ưu điểm của cánh đồng công nghệ là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiết giảm công lao động, hạn chế được sâu bệnh trên đồng. Thay vì phải mất nhiều giờ lội ruộng, giờ đây chỉ cần từ 15-20 phút, thiết bị bay không người lái đã hoàn thành quy trình gieo xạ và phun thuốc diệt cỏ tại cánh đồng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bền ở thôn Nghĩa Hương, xã Mỹ Hương, huyện Lương Tài tích tụ được gần 7 ha đất nông nghiệp. Trong vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất gia đình không chỉ tiết kiệm được nhiều chi phí đầu tư mà còn thu nhập tăng thêm nhờ năng suất tăng cao.

Anh Bền chia sẻ, trước đây cứ vào vụ cấy là gia đình phải thuê hàng chục nhân công để làm thủ công. Nay nhờ thiết bị bay không người lái 3 trong 1 trong sản xuất lúa, gia đình đã tiết kiệm được 30% chi phí thuê nhân công và năng suất mỗi vụ cũng tăng lên 25%.

Ông Trần Văn Bình, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Đại An (xã Trung Kênh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) cũng chia sẻ, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp giải phóng sức lao động, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất lao động, đáp ứng được tiến độ thời vụ, khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động lúc mùa vụ cao điểm và thời tiết bất thuận. Đồng thời, giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm được khoảng 30% chi phí so với phương pháp sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra nhiều chính sách tạo động lực để các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất có ý nghĩa quan trọng giúp người nông dân thay đổi tư duy nhận thức, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm, có thu nhập ổn định và yên tâm gắn bó với ruộng đồng.

Chú thích ảnh
Chuẩn bị gieo giống bằng thiết bị bay không người lái.

Từ năm 2021 đến nay, Trung tâm Khuyến nông và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao áp dụng cơ giới hóa. Cụ thể, mô hình sản xuất rau quả trong nhà màng nhà kính; mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 (gieo giống, rải phân, phun thuốc bảo vệ thực vật) trong sản xuất lúa; mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất khoai tây phục vụ chế biến... 

Đặc biệt, mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 trong sản xuất lúa tại Bắc Ninh được triển khai năm 2022 với quy mô 80 ha tại các huyện Gia Bình, Lương Tài, Yên Phong đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ thành công của mô hình đến nay sau 2 năm đã nhân rộng lan tỏa tới các địa phương trong tỉnh đặc biệt tại những vùng sản xuất lúa theo hình thức gieo sạ, tăng hiệu quả kinh tế từ 15-17% so với sản  xuất lúa gieo sạ truyền thống. Đến nay việc ứng dụng thiết bị bay không người lái trong gieo giống, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật được hầu hết các hộ sản xuất lúa có quy mô lớn, các hộ tích tụ đất đai áp dụng trên phạm vi toàn tỉnh. 

Tại Bắc Ninh, tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất lúa, khâu làm đất, tưới tiêu hiện đạt trên 98%, gieo cấy đạt trên 15%, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt trên 60%, thu hoạch đạt gần 100%. Trong sản xuất rau màu tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, tưới tiêu ước đạt trên 90%, phun thuốc bảo vệ thực vật ước đạt hơn 30%, gieo trồng ước đạt từ 1-2%, thu hoạch ước đạt từ 7-10%, sơ chế, bảo quản ước đạt từ 2-3%.

Ông Nguyễn Ngọc Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Phát triển công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh khẳng định, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng từng bước giải quyết bài toán thiếu hụt lao động tại các địa phương đang gặp phải. Hiện nay, phần lớn lực lượng lao động trong độ tuổi làm nghề khác không làm nông nghiệp, vì vậy lao động nông nghiệp chủ yếu là người già, quá tuổi lao động. Do vậy, ứng dụng cơ giới hóa là rất cần thiết. 

Bên cạnh đó, cơ giới hóa thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai tạo các cánh đồng lớn và khuyến khích hình thành quan hệ hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa. Việc sử dụng máy móc cơ khí là hướng thu hút lao động trẻ có tay nghề ở nông thôn, hạn chế mất cân đối lực lượng lao động giữa lao động khu vực thành thị và nông thôn.

Với mục tiêu trở đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; ngành nông nghiệp Bắc Ninh đã và đang thực hiện mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đề ra: “Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”. 

Chú thích ảnh
Trên những cánh đồng mẫu lớn của tỉnh Bắc Ninh, hình ảnh máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại đã không còn xa lạ đối với người nông dân.

Ông Nguyễn Song Hà - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh khẳng định, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ là nhân tố quyết định, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế.

Trong những năm gần đây, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, Bắc Ninh là 1 trong những địa phương có chính sách tốt nhất trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn; trong đó có chính sách hỗ trợ thiết bị máy móc phục vụ sản xuất; chế biến bảo quản nông sản.

Bài, ảnh: Đỗ Huyền (TTXVN)
Bình luận