Thay đổi tập quán chăn nuôi ở miền núi: [Bài cuối] Nhốt chuồng lợi đủ đường

Bình luận · 89 Lượt xem

Ý thức của người dân miền núi ngày càng thay đổi, thay vì thả rông, đàn bò đã được nuôi nhốt chuồng bài bản, giúp người dân lợi đủ đường.

Nuôi bò thả rông dần bị xóa bỏ

Khi được gợi ý viết bài về những đàn bò được nuôi nhốt trong chuồng bài bản, anh Nhữ Xuân Huy, cán bộ thú y thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) không ngần ngại dẫn chúng tôi về xã Dun.

Theo lời giới thiệu của anh Huy, sự khác biệt lớn nhất ở xã Dun, nơi phần lớn người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng có trên 80% đàn bò được nuôi nhốt trong chuồng bài bản. Việc chăn thả rông trên những cánh đồng hay vách núi vốn là thói quen trước đây của người dân nay không còn trong khái niệm.

Dù đã hẹn trước, nhưng khi chúng tôi đến, ông Kpă Tô (thôn Queng Mép, xã Dun) vẫn tranh thủ đi giao những bao phân bò cho khách hàng quen thuộc làng bên. Ông Tô cho biết, 8 con bò của gia đình cho lượng phân khá ổn định, sau khi đem bán tiền thu được giúp cải thiện đáng kể cuộc sống.

Gia đình ông Tô nuôi bò từ hơn 30 năm về trước, thời đểm bấy giờ chủ yếu theo hình thức thả rông ngoài cánh đồng. Tuy nhiên, nuôi theo hình thức này gặp rất nhiều khó khăn do bò hay bị dịch bệnh, gầy ốm khiến lợi nhuận thu lại không cao.

Sau này, gia đình được nhiều người mách bảo, nếu cứ chăn thả rông sẽ không lấy được phân, làm thất thu kinh tế của gia đình. Sau đó, ông Tô học hỏi, xây dựng chuồng bò khang trang, sạch đẹp để lấy phân bán kiếm tiền trang trải phần nào cho cuộc sống gia đình.

“Tiền có được từ bán phân bò giúp gia đình mua thịt, cá, mắm, muối… cải thiệt bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, gia đình cũng dành một ít phân bò để bón cho cà phê, lúa rất hiệu quả”, ông Tô bộc bạch.

Ông Kpă Tô chăm sóc đàn bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Kpă Tô chăm sóc đàn bò. Ảnh: Tuấn Anh.

Bỏ qua câu chuyện hưởng lợi từ bán phân bón, hướng mắt về chuồng bò, ông Tô cho biết, việc chăn nuôi theo kiểu chuồng trại giúp gia đình khỏe hơn rất nhiều. Trước đây, gia đình luôn phải tốn thời gian trông coi khi thả rông ngoài đồng. Chưa kể, việc chăn thả rông cũng khiến gia đình không kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Con trai ông Tô là anh Siu Đên, sống cạnh nhà cũng có 8 con bò đang được nuôi nhốt trong chuồng rất kỹ càng. Đang cho bò ăn cỏ, anh Đên cho biết, từ năm 2018, xác định chăn nuôi là nguồn thu nhập chính nên gia đình rất chú trọng đến việc chăm sóc cũng như xây dựng chuồng trại cho đàn bò. Ngày trước người dân trong vùng chủ yếu nuôi theo hình thức thả rông, dẫn đến bò hay bị thất lạc, dịch bệnh, trong khi người dân thất thu từ việc lấy phân bò đi bán.

“Giờ gia đình nuôi nhốt tuyệt đối trong chuồng, đàn bò luôn béo tốt và gần như không bị dịch bệnh. Bản thân gia đình cũng nhàn hơn, chỉ mất chút thời gian đi cắt cỏ về cho bò ăn, còn lại không phải lo lắng gì cả”, anh Đên chia sẻ.

Theo anh Đên, với đàn bò nuôi nhốt trong chuồng, trung bình mỗi thánh gia đình anh kiếm được 2,5 triệu đồng từ tiền bán phân. Ngoài ra, tùy thuộc vào lượng bò sinh sản, gia đình anh cân đối sẽ bán đi từ 2-3 con bò mỗi năm, thu về khoảng hơn 40 triệu đồng.

Ngược về xã Ia Blang (huyện Chư Sê), trước đây trên những cánh đồng, hình ảnh đàn bò gặm cỏ đã trở nên quen thuộc. Còn hiện tại, những cánh đồng đã được thay thế bằng bằng những loại cây trồng có giá trị hơn. Bò cũng không còn cỏ để ăn nên đã được người dân nơi đây chuyển sang nuôi nhốt trong chuồng.

Nhận thấy nuôi bò mang lại giá trị cao, năm 2022, gia đình anh Siu Bum (làng Myng Hlú, xã Ia Blang) quyết đình đầu tư xây dựng 2 chuồng để nuôi 12 con bò. “Mong ước của gia đình là học cách chăn nuôi bò làm sao cho giá trị cao và nhanh lấy lời nhất. Với việc nuôi bò trong chuồng vừa sạch sẽ lại nhanh cho sinh sản. Trong khi nuôi thả rông dễ xảy ra bệnh tật và không mang lại hiệu quả kinh tế”, anh Bum nói và cho biết, riêng việc bán phân bò, mỗi tháng cũng kiếm được hơn 5- 6 triệu đồng, đủ chi phí sinh hoạt cho gia đình.

Lợi đủ đường từ nuôi bò nhốt chuồng

Với hơn 12 năm trong nghề làm cán bộ thú y, anh Nhữ Xuân Huy cảm nhận rõ nét sự thay đổi theo hướng tích cực của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về việc chăn nuôi bò. Anh Huy cho biết, truyền thống trước đây của người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chăn nuôi kiểu thả rông nhiều nơi, dẫn đến không kiểm soát được đàn bò, đặc biệt là dịch bệnh. Vài năm trở lại đây, nhờ sự tuyên truyền, tập huấn, ý thức của người dân được nâng lên, việc xây dựng chuồng trại đã được chú trọng hơn.

“Người dân đã nhận thức được việc nuôi bò nhốt chuồng có rất nhiều cái lợi hơn so với thả rông. Theo đó, người dân có thể tận dụng được nguồn phân bón bán kiếm tiền trang trải phần nào cho cuộc sống gia đình. Việc nuôi bò nhốt chuồng cũng giúp người dân theo dõi được quá trình phối giống, quản lý đàn bò không bị mất và đặc biệt kiểm soát được tình hình dịch bệnh”, anh Huy chia sẻ.

Chia sẻ về những thay đổi của người dân trong chăn nuôi bò, ông Lê Sĩ Quý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết, hiện nay nhà nước đang đẩy mạnh tiêm phòng vacxin dịch bệnh nên thời gian qua chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chăn nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng để dễ dàng thực hiện hơn. Không chỉ đảm bảo về an toàn dịch bệnh, nuôi bò nhốt chuồng cũng giúp người dân dễ dàng chăm sóc hơn.

Gia đình anh Bum yên tâm với những con bò được nuôi nhốt trong chuồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Gia đình anh Bum yên tâm với những con bò được nuôi nhốt trong chuồng. Ảnh: Tuấn Anh.

Từ những lợi thế đó, người dân cũng đã nhận thức để chuyển theo hướng chăn nuôi bò nhốt chuồng. Tính đến thời điểm này, trên 80% người dân trên địa bàn huyện Chư Sê đã chăn nuôi bò theo hình thức nhốt chuồng, qua đó tình hình dịch bệnh cũng ít xảy ra.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ dân hướng tới xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò đảm bảo theo kỹ thuật tiên tiến, vệ sinh chồng trại sạch sẽ. Đồng thời khuyến khích các hộ dân xây dựng chuồng trại theo hướng công nghệ cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh", ông Quý cho hay.

Theo ông Lê Đình Tuyền, Chủ tịch UBND xã Dun (huyện Chư Sê), người dân đã ý thức được việc chăn nuôi bò thả rông không còn đảm bảo trước tình hình thực tế. Trong khi, nuôi bò nhốt chuồng tiện cho việc chăm sóc, cũng như đảm bảo an toàn dịch bệnh.

“Thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền, khuyến cáo đến các hộ dân về việc muốn được hỗ trợ cung cấp bò về nuôi thì buộc phải xây chuồng để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn dịch bệnh cũng như hiệu quả kinh tế”, ông Tuyền chia sẻ.

“Bò nuôi trong chuồng khi bị bệnh gia đình phát hiện được ngay, nếu nhẹ tự mua thuốc về điều trị, nặng gọi cán bộ thú y đến hỗ trợ. Từ khi nuôi theo hình thức nhốt chuồng, đàn bò của gia đình chưa bị dịch bệnh hay xảy ra sự cố đáng tiếc nào cả”, ông Kpă Tô, thôn Queng Mép, xã Dun chia sẻ.

Bình luận