Hơn 4.000 ha lúa và hoa màu ngập úng chờ giải cứu

Bình luận · 76 Lượt xem

Tại huyện Hoài Đức, nhiều diện tích cây ăn quả của người dân vẫn ngập sâu trong nước dù trên địa bàn Hà Nội không có mưa 2 ngày qua.

Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Hữu Du, xã An Thượng, huyện Hoài Đức vẫn ngập sâu. Ảnh: Hùng Khang.

Vườn ổi của gia đình ông Nguyễn Hữu Du, xã An Thượng, huyện Hoài Đức vẫn ngập sâu. Ảnh: Hùng Khang.

Tính đến hết ngày 26/7, toàn thành phố Hà Nội vẫn còn trên 4.799 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Các địa phương có diện tích bị ngập nặng nhất là Thanh Oai, Chương Mỹ, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai.

Hiện tại, các công ty thủy lợi của thành phố Hà Nội đã vận hành 203 trạm bơm với 761 tổ máy tiêu úng, trong đó, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ vận hành 5-7 tổ máy bơm.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vận hành các trạm bơm tiêu: Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế; mở phai các hồ điều hòa: Thiền Quang, Bảy Mẫu, Tân Mai, Đống Đa...

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các công ty thủy lợi tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm túc việc chuẩn bị dụng cụ, vật tư, tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa, lũ năm 2024; bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình.

Ghi nhận tại huyện Hoài Đức, nhiều diện tích hoa màu của người dẫn vẫn đang bị ảnh hưởng do ngập úng.

Bì bõm bước dưới dòng nước ngập phần lớn diện tích cây ăn quả, ông Nguyễn Hữu Du, xã An Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội thở dài: “Vụ này coi như vậy là mất ăn rồi! Gia đình trồng hơn 6 sào cây ăn quả bao gồm bưởi, ổi và đu đủ. Cây đang đến độ thu hoạch, 4 ngày nay tất cả đều bị ngập, cây đu đủ đang bắt đầu chết. Thiệt hại ước tính khoảng 40 triệu đồng”.

Người dân chỉ biết khoanh tay đứng nhìn cây trồng chết dần do ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Người dân chỉ biết khoanh tay đứng nhìn cây trồng chết dần do ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Không chỉ gia đình ông Du, nhiều hộ trồng hoa màu tại xã An Thượng cũng điêu đứng. Chạy dọc tuyến đê Song Phương - An Thượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), có thể dễ dàng quan sát thấy nhiều diện tích cây lương thực, cây ăn quả như hồng xiêm, ổi và bưởi của bà con nông dân vẫn đang bị ngập sâu trong nước.

Nhiều hộ dân đã phải vận hành máy bơm để chống úng cho hoa màu. Anh Trần Văn Nam, một hộ trồng hoa cho biết, với hoa hồng là thân gỗ thì có thể chống chịu được 1 - 2 ngày, nhưng với các loại hoa ly, cúc… nếu không thoát nước kịp thời thì cây sẽ bị chết. Ngoài việc bơm nước thoát úng, vợ chồng anh Nam còn phải huy động nhân lực đi cắt hoa cúc để bán, đề phòng nước ngập làm hư hỏng.

Nhiều diện tích bưởi trồng lâu năm cũng có nguy cơ chết do ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Nhiều diện tích bưởi trồng lâu năm cũng có nguy cơ chết do ngập úng. Ảnh: Hùng Khang.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội có công điện đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung khắc phục các sự cố, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; vận hành tối đa hệ thống tiêu úng khi đủ điều kiện; theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn.

“Lãnh đạo các đơn vị chịu trách nhiệm trước thành phố nếu lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân”, Công điện nêu rõ.

Tại trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) vẫn đang vận hành hết công suất với 10 tổ máy công suất 120m3/s, giúp tiêu úng cho gần 6.300 ha diện tích của huyện Hoài Đức và các quận: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, đồng thời khớp nối với các trạm bơm tiêu Liên Mạc, Yên Thái, Đào Nguyên thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây của thành phố.

Với sự chủ động, tích cực của ngành thủy lợi, công nhân tại các trạm bơm trên địa bàn thành phố sẽ duy trì ứng trực 24/24 giờ, chủ động tiêu nước để nhanh chóng giảm thiểu thiệt hại cây trồng của người dân.

Bình luận