Trung Quốc tăng mua sầu riêng Việt, giảm mua sầu riêng Thái

Bình luận · 106 Lượt xem

Thái Lan vẫn đang là nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất vào Trung Quốc nhưng thị phần tiếp tục giảm trước sự cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam.

Sầu riêng Việt Nam tiếp tục tăng mạnh thị phần ở Trung Quốc. Ảnh: Sơn Trang.

Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu quả sầu riêng tươi của Trung Quốc đạt 202,5 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Thái Lan vẫn là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng tươi Thái Lan nhập khẩu vào Trung Quốc giảm mạnh. Nguyên nhân là tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng sầu riêng thu hoạch của Thái Lan trong những tháng đầu năm.

Thậm chí, do sản lượng giảm, Thái Lan đang phải nhập khẩu thêm sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam với lượng nhập khẩu tăng rất mạnh để đáp ứng nhu cầu thưởng thức sầu riêng của khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan giảm mạnh dẫn tới tỷ trọng của sầu riêng tươi Thái Lan trong tổng lượng sầu riêng nhập khẩu của Trung Quốc 4 tháng đầu năm 2024 giảm xuống còn 60%, thấp hơn nhiều so với mức 86,7% của 4 tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, tỷ trọng của sầu riêng Việt Nam trong tổng lượng sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc lại tăng lên và đạt 39,2% trong 4 tháng đầu năm, tăng mạnh so với mức 13,3% của cùng kỳ 2023. Qua đó, giúp Việt Nam giữ vững vị thế là nước cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho thị trường Trung Quốc.

Nông dân Đồng Nai thu hoạch sầu riêng. Ảnh: Sơn Trang.

Trái ngược với sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đang tăng rất mạnh. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sầu riêng Việt Nam nhập vào Trung Quốc đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh nhờ sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này.

Số lượng vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã vùng trồng tăng mạnh trong năm nay, cũng là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang thị trường này.

Hiện nay, trên thị trường Trung Quốc, ngoài sầu riêng Thái Lan, sầu riêng Việt Nam đang phải cạnh tranh với sầu riêng Philippines, nhưng sức ép từ thị trường này chưa lớn. 4 tháng đầu năm nay, mới chỉ có 1.778 tấn sầu riêng Philippines được nhập khẩu vào Trung Quốc, trị giá 5,8 triệu USD. So với cùng kỳ 2023, sầu riêng Philippines nhập khẩu vào Trung Quốc đang tăng rất mạnh, tới mức tăng trưởng 3 con số. Tuy nhiên, cả lượng và trị giá đều đang rất khiêm tốn nếu so với sầu riêng Thái Lan hay sầu riêng Việt Nam.

Sầu riêng trồng ở Trung Quốc cũng đang tiếp tục được đưa ra thị trường dù sản lượng còn rất nhỏ. Các nguồn tin từ Trung Quốc cho thấy, năm nay là năm thứ hai sầu riêng trồng ở Hải Nam được thu hoạch và đưa ra thị trường, với sản lượng dự kiến vào khoảng 250 tấn, tăng 400% so với năm trước. Diện tích trồng sầu riêng ở Hải Nam đang tiếp tục được mở rộng, từ 1.400 mu (93,3 ha) trong năm 2023 sẽ tăng lên 4.000 mu (266,7 ha) trong năm nay.

Với nhu cầu cao của thị trường Trung Quốc, quy mô trồng sầu riêng ở Hải Nam được dự báo sẽ tăng lên khoảng 100.000 mu (6.667 ha) trong vòng 3 - 5 năm tới. Sầu riêng Hải Nam nở hoa vào tháng 3, được đưa ra thị trường từ cuối tháng 5, thời điểm chín trên diện rộng vào giữa tháng 6 và sẽ cho thu hoạch đến tháng 9.

Một vườn sầu riêng ở Đồng Nai. Ảnh: Sơn Trang.

Vấn đề lớn nhất của sầu riêng Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu sang Trung Quốc là kiểm soát một số đối tượng kiểm dịch thực vật trên sầu riêng. Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), cho biết, ngoài trồng chuối xuất khẩu, trong thời gian qua, ông đã đầu tư trồng sầu riêng với diện tích vài chục ha ở huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương).

Ông Huy chia sẻ, kiểm soát con rệp sáp trên chuối, sầu riêng… là rất khó vì nó rất nhỏ. Công ty lại không thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học trong vườn chuối, vườn sầu riêng vì sử dụng thuốc hóa học sẽ có nguy cơ nhiễm dư lượng hóa chất trên sản phẩm và ảnh hưởng tới sức khỏe công nhân thu hoạch. Ông kiến nghị, cần có giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề này trên các loại trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có sầu riêng.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam trong 4 tháng đầu năm đạt 470 triệu USD, tăng 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc với kim ngạch đạt 432,2 triệu USD, tăng 2,7 lần cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 92% tổng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam. Tiếp đến là Thái Lan đạt 22,5 triệu USD, tăng 81,7% so với cùng kỳ và chiếm 4,8% thị phần …

Như vậy, sầu riêng đang tiếp tục là loại trái cây xuất khẩu số 1 trong cơ cấu chủng loại trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.

Bình luận