Ngành sắn Việt Nam cần các sản phẩm có tính nổi bật

Bình luận · 99 Lượt xem

Việt Nam đang là nước xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn hàng đầu thế giới, nhưng cần có những sản phẩm có tính nổi bật để tăng khả năng cạnh tranh.

Một cánh đồng sắn đang thu hoạch ở Tây Ninh. Ảnh: Sơn Trang.

Xuất qua đường biển nhiều hơn đường bộ

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ngành sắn Việt Nam. Vì vậy, những biến động của thị trường này đều ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn.

5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc không ổn định và có xu hướng  giảm. Đặc biệt, trong tháng 5, lượng sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đạt thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây khi chỉ đạt 83 nghìn tấn, trị giá 39 triệu USD, giảm 50% về lượng và giảm 46% về trị giá so với tháng trước đó. Còn so với tháng 5/2023, giảm 51% về lượng và giảm 45% về trị giá.

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh khiến cho xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn đi tất cả các thị trường trong tháng 5 cũng giảm mạnh theo. Cụ thể, trong tháng 5, Việt Nam xuất khẩu được 118 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 52 triệu USD, giảm 35,4% về lượng và giảm 35,8% về trị giá so với tháng 4/2024. So với tháng 5/2023, giảm 39% về lượng và giảm 35% về trị giá. Đây là tháng giảm thứ 2 liên tiếp so với cùng kỳ năm 2023.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,24 triệu tấn, trị giá 562 triệu USD, giảm 8,4% về lượng, nhưng tăng 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,13 triệu tấn, trị giá 509 triệu USD, giảm 7% về lượng, nhưng tăng 8,9% về trị giá. Thị trường Trung Quốc chiếm 91% về lượng và cả trị giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn của cả nước trong 5 tháng đầu năm.

Nhu cầu nhập khẩu sắt lát giảm mạnh của thị trường Trung Quốc là nguyên nhân quan trọng dẫn tới xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam giảm về lượng. Thông tin từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 1,09 triệu tấn sắn lát, giảm 65% về lượng so với cùng kỳ năm 2023.

Sắn lát khô. Ảnh: Sơn Trang.

Dù các thương nhân Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn trong những tháng đầu năm, nhưng hiện tại, nhu cầu của thị trường Trung Quốc với mặt hàng này cũng đang giảm do giá bột ngô rẻ hơn so với sắn nên khách hàng mua bột ngô nhiều hơn. Mặt khác, do đang mùa nắng nóng nên nhu cầu tinh bột sắn ở Trung Quốc cũng giảm.

Các thương nhân ngành sắn Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sẽ khởi sắc trở lại từ tháng 7 này. Về sắn lát, dự báo các nhà máy Trung Quốc có thể sẽ mua hàng trở lại khoảng từ tháng 7/2024, khi tồn kho hàng sắn lát tại Trung Quốc đang cạn dần do giảm mạnh nhập khẩu trong thời gian qua. Theo số liệu từ Trung Quốc, lượng sắn lát nhập khẩu vào nước này từ đầu năm 2024 đến nay giảm tới 40% so với bình quân 3 năm gần đây.

Với tinh bột sắn, thị trường kỳ vọng nhu cầu tinh bột sắn của Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong tháng tới để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Trung thu. Theo tin từ một số thương nhân ngành sắn, nhu cầu khảo giá mua hàng từ các công ty lớn của Trung Quốc khá nhiều, tuy nhiên, lượng hàng khớp được giá mua bán với nhà máy sắn Việt Nam còn hạn chế. Nguyên nhân được cho là khách hàng Trung Quốc hiện vẫn đang trả giá mua quá thấp.

Một thay đổi đáng chú ý trong xuất khẩu tinh bột sắn sang Trung Quốc trong những tháng qua là xuất khẩu qua đường biển cao hơn hẳn so với xuất khẩu biên mậu. Số liệu của Agromonitor cho hay, trong thời gian từ 1 - 28/6, xuất khẩu tinh bột sắn qua đường biển đạt gần 84 nghìn tấn, cao gấp 5,5 lần so với lượng tinh bột xuất khẩu qua biên mậu.

Lý giải về điều này, ông Nguyễn Hà, một thương nhân kinh doanh sắn ở Tây Ninh, cho biết, qua thông tin mà ông biết được, do xuất khẩu qua biên mậu đình trệ và giá thấp nên các nhà máy chế biến tinh bột sắn ở miền Trung và miền Nam đang chủ yếu đóng hàng vào container để đẩy mạnh xuất khẩu qua đường biển. Do đó, trong thời gian tới, lượng tinh bột sắn từ phía Nam đưa ra các tỉnh phía Bắc để xuất khẩu qua biên giới sẽ tiếp tục ở mức thấp.

Củ sắn mới thu hoạch. Ảnh: Sơn Trang.

Thiếu sản phẩm có tính nổi bật

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ngành sắn Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa chất lượng sản phẩm, nhất là tinh bột sắn. Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, tại Hội nghị “Diễn đàn kỹ thuật và thị trường tinh bột mùa xuân năm 2024” diễn ra tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) cuối tháng 5/2024, các thương nhân Trung Quốc đánh giá tinh bột sắn Thái Lan ổn định cả về số lượng cũng như chất lượng. Tính ổn định trong chất lượng sản phẩm tinh bột sắn của Thái Lan đồng đều hơn tinh bột sắn của Việt Nam.

Ngoài ra khách hàng cũng đề cập đến tính nổi bật của sản phẩm. Ở Thái Lan có nhiều sản phẩm có tính nổi bật về chất lượng (ví dụ tinh bột sắn mang nhãn hiệu Hoa Hồng, hiện đang được bán với giá 560 USD/ FOB Bangkok). Trong tình hình thị trường sắn và sản phẩm sắn hiện nay, sản phẩm nên có tính nổi bật thì mới dễ tiêu thụ. Phía Trung Quốc nhấn mạnh và đề nghị các nhà máy sản xuất Việt Nam nên quan tâm đến vấn đề chất lượng ổn định và sản phẩm có tính nổi bật.

Bình luận