Hợp tác Việt Nam - châu Phi là hình mẫu cho hợp tác Nam - Nam

Bình luận · 115 Lượt xem

Thông qua chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên gia hàng chục năm qua, Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò dẫn dắt trong việc đảm bảo an ninh lương thực.

Quang cảnh phiên tọa đàm của Hội thảo hợp tác Nam - Nam chiều 25/7. Ảnh: Linh Linh.

Việt Nam sẵn sàng hợp tác

Chiều 25/7, tại Hội thảo quốc tế Tầm nhìn chiến lược Hợp tác Nam – Nam bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững cho châu Phi, ông Phạm Ngọc Mậu, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đã thực hiện nhiều dự án tại các quốc gia đang phát triển, nhằm thực hiện sứ mệnh chuyển giao khoa học - công nghệ - kỹ thuật nông nghiệp.

Tính đến nay, Việt Nam đã ký gần 30 văn kiện hợp tác song phương về nông nghiệp với các nước châu Phi, tham gia hợp tác ba bên với gần 10 quốc gia, cử hơn 400 chuyên gia sang làm việc tại châu Phi… Các dự án nông nghiệp mà Việt Nam tham gia giúp tăng năng suất cây trồng từ 2 đến 4 lần, góp phần nâng cao mức sống của người dân và giải quyết an ninh lương thực trong khu vực.

“Hợp tác ba bên Việt Nam - châu Phi được coi là hình mẫu hợp tác Nam - Nam. Việt Nam tự hào với một nền nông nghiệp sáng tạo, dễ áp dụng, hiệu quả cao, đã giúp Việt Nam từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành một nước đảm bảo an ninh lương thực, bây giờ là nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo và một số nông sản khác”, ông Mậu chia sẻ.

Với trách nhiệm của mình trên trường quốc tế, Việt Nam đã hỗ trợ các quốc gia châu Phi xây dựng các dự án, quy hoạch tổng thể đất nông nghiệp, quy hoạch chi tiết về sử dụng đất, hợp tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật về nông nghiệp. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo tại Việt Nam hoặc tại nước chủ nhà để nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông, cho cán bộ quản lý, các nhà hoạch định chính sách.

Phương pháp tiếp cận của Việt Nam trong hợp tác ba bên là kiến tạo các cơ hội cùng học hỏi và phát triển; Tích cực chuyển giao công nghệ, chia sẻ thông tin; Học tập và làm việc cùng nhau nhằm mang lại lợi ích cho các nước châu Phi.

Ông Phạm Ngọc Mậu: Việt Nam cam kết không chỉ đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Quỳnh Chi.

Trên cơ sở đó, Phó Vụ trưởng cho rằng, để các dự án nông nghiệp hợp tác hiệu quả, đảm bảo sự thành công, các dự án hợp tác ba bên trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam là hết sức cần thiết. Ở đó, Việt Nam sẽ là bên cung cấp kỹ thuật, công nghệ, chuyên gia, giống, vật tư nông nghiệp cần thiết và kỹ năng quản lý các dự án nông nghiệp và nước thứ ba sẽ là quốc gia hưởng lợi.

Theo số liệu của FAO (năm 2022), cứ 5 người châu Phi thì có 1 người đói kinh niên. Báo cáo chỉ số đói kém toàn cầu 2023 cũng chỉ ra, châu Phi có khoảng 1/7 số quốc gia rơi vào tình trạng đói kém. Một số còn rơi vào tình trạng báo động khẩn cấp như Angola, Ethiopia, Zambia, Siera Leone, Chad, Niger và Somalia.

“Việt Nam cam kết không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đưa nông nghiệp từ ngành gây nhiều phát thải trở thành ngành đóng góp vào việc giảm phát thải, tính được tín chỉ carbon để có thể có thêm thu nhập cho nông dân”, ông Mậu bày tỏ.

Thay mặt Bộ NN-PTNT, lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế cam kết đồng hành cùng các nước đang phát triển với tinh thần vô tư, hết mình cho đến khi nước bạn làm chủ được khoa học kỹ thuật.

Với sự phát triển của khoa học, đặc biệt là công nghệ AI, ông Mậu cho biết, chuyên gia Việt Nam hiện có thể hỗ trợ trực tiếp các quốc gia châu Phi bằng hình thức trực tuyến. Ngoài ra, ông đề xuất các quốc gia nhận tài trợ nên cụ thể hóa quyết tâm sản xuất lương thực, thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ giữa ở cấp chính phủ.

Đây là giải pháp giúp tăng số lượng các dự án hợp tác Nam - Nam trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và châu Phi hiện ở mức khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và dư địa hợp tác, chưa tương xứng với mong đợi của chính phủ và người dân hai bên.

Hơn 400 chuyên gia nông nghiệp Việt Nam đã được cử sang hỗ trợ châu Phi. Ảnh: Thanh Thủy.

Tiềm năng chưa khai phá

Trả lời phỏng vấn Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Paul Kayizzi, đại diện Công ty Continental Markets của Uganda thừa nhận, quốc gia này hiện gặp khó khăn về đảm bảo an ninh lương thực. "Những kinh nghiệm về lúa gạo của Việt Nam rất phù hợp với chúng tôi", ông nói.

Tại Uganda, nhiều nơi người dân đang nhận hỗ trợ của Chính phủ trong việc trồng tre. Loài cây này có thể thích ứng với nhiều vùng khí hậu của Uganda, sử dụng đa mục đích trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, nông dân Uganda ưa thích tre hơn bạch đàn, keo bởi khả năng phát triển ở những nơi đất nghèo dinh dưỡng.

Qua buổi hội thảo, ông Kayizzi mong muốn được tham khảo thêm cách phát triển tre theo quy mô hàng hóa, đồng thời cam kết sẵn sàng mời những chuyên gia chất lượng cao sang Uganda.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng Đại diện FAO tại Việt Nam nêu thực tế, rằng những chuyên gia về nông nghiệp của Việt Nam sẵn sàng sang châu Phi hiện nay gặp rào cản lớn về ngôn ngữ. Thống kê của FAO những năm qua cho thấy, không có nhiều chuyên gia Việt Nam thông thạo tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha.

"Những người giỏi ngoại ngữ và giỏi cả chuyên môn, đa số có công việc ổn định, thu nhập cao tại Việt Nam. Không dễ để mời những chuyên gia như vậy sang châu Phi", ông Hà bày tỏ.

Ngoài vấn đề thu nhập, bà Vuyiswa Tulelo, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam còn chỉ ra sự khác biệt về văn hóa có thể gây khó khăn cho chuyên gia Việt Nam. Bà cho rằng, các chuyên gia sẽ mất thời gian để am hiểu và hòa nhập với người dân địa phương. "Đó là cách gần như duy nhất để có thể hỗ trợ, phổ biến kiến thức cho người dân", bà bộc bạch.

Tham tán Nông nghiệp Pháp mong muốn châu Phi tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về nông nghiệp sinh thái. Ảnh: Linh Linh.

Từng tham gia triển khai một số dự án tại châu Phi, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp Pháp, chuyên gia CIRAD đánh giá, tiềm năng phát triển nông nghiệp của châu Phi còn rất lớn. Hiện châu lục này còn khoảng trên 600 triệu ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang.

Phục hồi, tái cơ cấu và chuyển đổi nông nghiệp tại châu Phi là một hành trình dài, theo bà Chaminade. Vị chuyên gia này đề nghị, các quốc gia trước mắt cần quan tâm hơn đến việc bảo tồn và phục hồi đất, nhất là chống sa mạc hóa thích ứng với biến đổi khí hậu và đạt được an ninh lương thực. Cùng với đó, quản lý nước một cách khoa học, hiệu quả trên cơ sở thiết kế tối ưu hệ thống nông nghiệp và thực phẩm, đồng thời đẩy mạnh tái sử dụng nước thải.

Bà cũng mong muốn, châu Phi tăng cường tính thích nghi của rừng và rừng nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu năng lượng, thức ăn chăn nuôi và các loại cây trồng liên quan của người dân địa phương.

Song song với việc ban hành các chính sách quản lý nông nghiệp tích cực, hỗ trợ của Chính phủ, vị Tham tán Nông nghiệp mong muốn châu Phi tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về nông nghiệp sinh thái, cũng như áp dụng một cách có hệ thống các thực hành tốt như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" mà Việt Nam đã triển khai.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt chia sẻ, hoạt động sản xuất lúa gạo tại Việt Nam hiện không đơn thuần là đảm bảo an ninh lương thực, mà được lồng ghép trong nhiều chiến lược quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Chính phủ VIệt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến ngành hàng lúa gạo, gần nhất là ban hành đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải.

Bình luận