Ngành nuôi lợn châu Âu tìm cách lấy niềm tin người tiêu dùng

Bình luận · 74 Lượt xem

PHÁP Hội nghị thường niên của các nhà sản xuất lợn châu Âu (EPP) năm 2024 diễn ra từ 29 - 31/5 tại Nantes sẽ đặt trọng tâm xây dựng chiến lược truyền thông hướng tới khách hàng.

Taru Antikainen, Phó Chủ tịch EPP tại một trang trại lợn.

Taru Antikainen, Phó Chủ tịch EPP tại một trang trại lợn.

Theo Ban tổ chức, “Làm thế nào để thu hút người tiêu dùng” sẽ là chủ đề xuyên suốt chương trình hội nghị năm tới của EPP.

Dự kiến hơn 250 nhà chăn nuôi, kinh doanh lợn trên toàn châu Âu cùng các đối tác sẽ tham dự Hội nghị EPP, diễn ra tại Nantes, Pháp, trong 3 ngày từ 29 đến 31/5/2024.

Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những thách thức hiện tại mà ngành chăn nuôi châu Âu đang phải đối mặt. Phiên thảo luận chuyên đề, diễn ra vào ngày đầu tiên 29/5, tập trung vào các chiến lược truyền thông định hướng người tiêu dùng và chăn nuôi lợn bền vững để giảm phát thải và trung hòa các bon.

Đồng thời, trong thời gian diễn ra chuỗi sự kiện, Ban tổ chức còn bố trí các chuyến tham quan tới vùng nuôi, cơ sở chế biến và một chương trình kết nối toàn diện giữa các quốc gia, các tổ chức, cá nhân trên toàn thế giới.

EPP được thành lập vào năm 1990 tại Herning, Đan Mạch. Ngoài quốc gia Bắc Âu này, nhiều thành viên sở hữu trang trại lợn tại Hà Lan, Bỉ, Ireland, Đức, Áo và Thụy Sĩ cũng tham gia. Tổ chức này bao gồm 70% người chăn nuôi lợn và 30% thành viên của ngành công nghiệp lân cận trực tiếp.

Kể từ đó, Hội nghị EPP được tổ chức thường niên. Tuy nhiên, vào năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng và Covid-19, đại hội bị hoãn.

Một phiên hội nghị EPP được tổ chức tại Ireland năm 2016.

Một phiên hội nghị EPP được tổ chức tại Ireland năm 2016.

Lý giải về chủ đề năm 2024 - “Làm thế nào để thu hút người tiêu dùng”, các nhà tổ chức EPP cho rằng, thói quen người tiêu dùng đang thay đổi, theo hướng đề cao tính minh bạch, bền vững và chất lượng. Do đó, người chăn nuôi lợn tại châu Âu cần xác định lại cách tiếp cận và phương thức giao tiếp với người tiêu dùng.

EPP tin họ cần truyền tải nhiều hơn các vấn đề liên quan tới truy xuất nguồn gốc, phúc lợi động vật, tác động môi trường và dinh dưỡng để sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn với người tiêu dùng nội khối, cũng như thị trường ngoài EU.

Ngoài những chủ đề liên quan đến động vật, Ban tổ chức còn dành một thời lượng lớn để thúc đẩy hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà bán lẻ, đồng thời chia sẻ về những cơ hội giao thương quốc tế.

Gert von Beek, Chủ tịch EPP cho biết, tổ chức đã phát triển thành một mạng lưới mang tính toàn cầu trong hơn 30 năm qua. Ở đó, các thành viên liên tục trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm tại các triển lãm hàng đầu như Euro Tier hoặc trong các chuyến tham quan, nghiên cứu vòng quanh thế giới.

"Việc trao đổi kiến ​​thức và kinh nghiệm ngày càng trở nên quan trọng. Không quan trọng độ tuổi, trang trại lớn hay nhỏ, chúng tôi luôn dành nguồn lực để trao cơ hội cho thế hệ trẻ. Đó có lẽ là lý do khiến EPP trở nên hấp dẫn trong mắt người trẻ", Von Beek nói.

Trong Ban lãnh đạo EPP, ngoài Chủ tịch Gert von Beek còn Phó chủ tịch Taru Antikainen và Tổng thư ký Sven Hauser.

Chăn nuôi lợn tại châu Âu tập trung ở một số quốc gia thành viên như Tây Ban Nha (khoảng hơn 20%), Pháp (khoảng 10%) và Đức (gần 20%).

Vào giai đoạn Covid-19, ngành chăn nuôi lợn tại châu Âu điêu đứng vì Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn vì lo ngại Dịch tả lợn Châu Phi. Nhiều doanh nghiệp giết mổ ở châu Âu không xuất khẩu được, trong lúc tiêu thụ vẫn giảm dần trên thị trường nội khối.

Cùng với đó, trang trại nuôi lợn không bán được cả lợn thương phẩm và lợn giống, trong lúc thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá. Ngành chăn nuôi lợn thịt tại châu Âu bị buộc phải thu hẹp, nông dân nhiều nơi thậm chí không muốn tái đàn.

Bên cạnh yếu tố thị trường, ngành chăn nuôi châu Âu nói chung còn chịu nhiều sức ép về môi trường. Các quốc gia có đàn vật nuôi lớn hầu hết đã phải tính đến việt cắt giảm sản lượng, nhằm giảm ô nhiễm.

Bảo Thắng
Bình luận