'Bệnh than' và bài thuốc từ mô hình độc đáo ở Nam Định

Bình luận · 242 Lượt xem

Tư duy mới, cách làm khác lạ ở Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định đang mở ra không gian rộng lớn hơn về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành nông nghiệp.

Liều thuốc chữa “bệnh than”

Giữa tháng 6 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận được một văn bản kiến nghị của Câu lạc bộ Khối đào tạo Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thuộc Hiệp hội các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam).

Một loạt vấn đề gửi tới Bộ trưởng, đó là ngành nông nghiệp chưa có sức hấp dẫn đối với người học, tâm lý học sinh sợ vất vả và dễ gặp rủi ro khi học ngành nông nghiệp, thu nhập thấp… Các cơ sở đào tạo chưa có chính sách hỗ trợ trong đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, vấn đề tự chủ của các trường còn khó khăn...

Học sinh ở Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

Học sinh ở Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài liên quan

Cùng với đó là những con số đưa ra khiến không ít người cảm thấy chạnh lòng. Kết quả tuyển sinh đại học khối ngành nông, lâm, thủy sản hằng năm của các học viện, trường có xu hướng giảm nghiêm trọng. Đơn cử như năm 2022, tỉ lệ tuyển sinh đạt có 0,86%, chỉ đáp ứng được khoảng 11,2% so với nhu cầu…

Ngay lập tức, "Tư lệnh ngành nông nghiệp" đã chủ trì một buổi tọa đàm để đối thoại với các thầy cô nhằm tìm giải pháp tháo gỡ ở một địa điểm khá đặc biệt, đó là trong một căn phòng đơn sơ ở Trường cấp III Nông nghiệp tỉnh Nam Định - ngôi trường đầu tiên và duy nhất đào tạo học sinh làm nông nghiệp theo mô hình Nhật Bản. Dường như thông điệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan muốn nhắn nhủ đến các thầy cô là thay vì kêu khó hãy tự thay đổi để cứu mình.

Những chi tiết, câu chuyện ở Trường cấp II Nông nghiệp Nam Định dù nhỏ nhưng có thể sẽ là phương thuốc điều trị căn bệnh đào tạo nhân lực đang hành hạ các cơ sở đào tạo hiện nay.

Ngôi trường được thành lập vào năm 2019. “Cha đẻ” là TS Phạm Hữu Lợi, một người có nhiều năm sinh sống, làm việc ở xứ sở hoa anh đào, hiện đang là Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản.

TS Phạm Hữu Lợi - 'cha đẻ' mô hình Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Phạm Hữu Lợi - "cha đẻ" mô hình Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài liên quan

Hôm chúng tôi đến trường, TS Lợi đang cùng với học sinh đọc sách ở thư viện. Một buổi sinh hoạt thường nhật sau những giờ cùng nhau học tập, cùng nhau lao động, cùng nhau vui chơi. Ấn tượng đầu tiên về ngôi trường này là sự ngăn nắp, sạch sẽ. Dù cơ sở vật chất, hạ tầng ít nhiều đã cũ kỹ nhưng khuôn viên có đầy đủ khu học tập, khu thực hành nông nghiệp, khu ký túc xá, khu vui chơi…

Thầy Lợi chia sẻ, trường không có lao công, mọi hoạt động đều do thầy cô và học sinh phân công nhau làm. Triết lý “học mà chơi, chơi mà học” chính là giá trị cốt lõi, xuyên suốt giúp ngôi trường mới chỉ tổ chức tuyển sinh từ năm 2021 nhưng hiện đã có 134 em học sinh theo học. Khóa 1 có 51 em, khóa 2 tăng lên 83 em, dự kiến tháng 9 này tổ chức tuyển sinh sẽ còn nhiều đơn đăng ký nữa. Từ Cà Mau, Bình Thuận, Hà Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Sơn La…, tiếng tăm về một ngôi trường cấp III  nông nghiệp đặc biệt ngày càng vang xa, nhiều người biết đến.

Bài liên quan

“Chúng ta cứ than vãn chuyện ngày càng ít học sinh theo học ngành nông nghiệp, nhưng có bao giờ tìm hiểu đến tận cùng nguyên nhân vì sao hay chưa”, thầy Lợi đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các thầy cô đầu ngành.

Nông nghiệp hay bất cứ ngành học nào cũng vậy, thứ đầu tiên phải truyền được cho các em chính là tình yêu. Tình yêu với thiên nhiên, với nông nghiệp, với từng hòn đất, cây cối xung quanh mình và tình yêu với cả những người làm ra hạt lúa, củ khoai. Có tình yêu sẽ có trách nhiệm. Giống như văn hóa Nhật Bản, một đứa trẻ ăn cơm chỉ cần sót lại một hạt để thừa trong bát hay để rơi vãi trên bàn đều bị người lớn nhắc nhở phải biết trân trọng, yêu quý người làm ra hạt gạo.

Sản phẩm rau hữu cơ của học sinh Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

Sản phẩm rau hữu cơ của học sinh Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài liên quan

Vừa nói, thầy Lợi vừa vỗ tay làm hiệu cho các em học sinh bê lên mấy món ăn “cây nhà lá vườn” để chiêu đãi Bộ trưởng cùng các thành viên đoàn công tác. Trứng hấp theo kiểu Nhật Bản, bánh làm từ dầu lạc, tất cả đều do học sinh của thầy tự sản xuất, tự chế biến, tự trình bày, hấp dẫn không thua gì các nhà hàng.

Đó cũng là minh chứng cho triết lý “tình yêu nông nghiệp” của thầy Lợi. Có tình yêu sẽ có con đường, có sản phẩm. Người phụ trách ngôi trường độc đáo này khoe rằng, mới chỉ khóa học thứ hai thôi nhưng hiện cả khu vực dân cư xung quanh ngôi trường đều đặt hàng rau của “học sinh thầy Lợi”, sắp tới đây sẽ còn là bánh trái, dưa muối, kim chi, dầu lạc... Những sản phẩm từ quá trình học tập trải nghiệm “chơi mà học, học mà chơi” của thầy và trò đang từng bước thương mại hóa, nhà trường còn dạy cho các em kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn mác sao cho hấp dẫn để chào bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

“Chúng tôi truyền tình yêu nông nghiệp đến với các em rồi mới xây dựng triết lý đào tạo lấy học sinh làm trung tâm của mọi hoạt động. Ngoài thời gian học văn hóa, học tiếng Nhật thì chủ yếu là chơi với đất, chơi với cây cỏ, sâu bọ... Nhưng không phải các em tự chơi với nhau mà có các thầy cô nhiệt huyết, các chuyên gia Nhật Bản, có những nông dân tiên phong chơi cùng. Phải có mô hình thực tiễn để các em trải nghiệm, giúp các em thỏa sức sáng tạo, truyền cho các em tình yêu đối với nông nghiệp, để các em tự tìm tòi, học hỏi, bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề…”, thầy Lợi tiếp tục chia sẻ.

TS Phạm Hữu Lợi (phải) tặng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sản phẩm của học sinh trường tự làm. Ảnh: Hoàng Anh.

TS Phạm Hữu Lợi (phải) tặng Bộ trưởng Lê Minh Hoan sản phẩm của học sinh trường tự làm. Ảnh: Hoàng Anh.

Bài liên quan

Theo đề án đào tạo của Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định, mô hình Nhật Bản sẽ kéo dài từ 10 - 15 năm. Học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ được đưa sang Nhật Bản làm việc từ 3 - 5 năm tại các công ty nông nghiệp, công ty chế biến thực phẩm theo dạng tu nghiệp sinh. Đó vừa là học tập, trải nghiệm, vừa giúp các em có thêm các khoản thu nhập để “báo hiếu gia đình”.

Sau đó, căn cứ vào nhu cầu của từng em, có thể học tiếp 4 năm đại học tại Trường Minami Kyushu, tỉnh Miyazaki theo chương trình hợp tác liên kết. Mục tiêu của nhà trường sang năm sẽ đào tạo quy mô từ 180 - 200 học sinh mỗi khóa, trở thành nguồn cung cấp lao động kỹ thuật chất lượng cao cho các doanh nghiệp tại Nhật Bản và doanh nghiệp của Nhật Bản đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Cuối cùng, chia sẻ với Bộ trưởng Lê Minh Hoan và các thầy cô giáo ở các cơ sở đào tạo nông nghiệp đầu ngành, TS Lợi đúc kết rằng, thực sự muốn làm sẽ tìm ra cách làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chắc chắn sẽ thành công. 

Nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng thực tế chương trình đào tạo theo mô hình Nhật Bản này cực kỳ bài bản. Ngoài chương trình học văn hóa thông thường, nhà trường sẽ tập trung đào tạo ngoại ngữ và kỹ thuật nông nghiệp. Đặc biệt là chương trình đào tạo nông nghiệp thực hành do chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ. Từ học về đất, phân, giống, sâu bệnh đến các kỹ thuật, nghiên cứu khoa học sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Tiếp đó là học về chế biến, về tư duy, nhận thức phải biết nâng niu sản phẩm mình làm. Học về văn hóa, thể chất, về cách thức tiếp cận thị trường, nâng cao giá trị nông sản…

Nhân rộng mô hình trường cấp III nông nghiệp

Liên tiếp trong thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chủ trì 2 hội nghị lớn ở phía Bắc và phía Nam về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Từ những mô hình thực tiễn như Trường cấp III Nông nghiệp Nam Định, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành trình Chính phủ cho phép thí điểm mô hình hệ cấp III nông nghiệp trong hệ thồng đào tạo trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ nhân rộng mô hình trường cấp III trong hệ thống đào tạo của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hoàng Anh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết sẽ nhân rộng mô hình trường cấp III trong hệ thống đào tạo của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Hoàng Anh.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ nhân rộng mô hình trường cấp III nông nghiệp như ở tỉnh Nam Định. Mục tiêu nhằm khơi gợi, lan toả được phong trào yêu ngành nông nghiệp ngay từ khi còn ở lứa tuổi học sinh.

Thực tế hiện nay ở một số trường trong hệ thống cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã thí điểm triển khai mô hình trường THPT thuộc trường đại học như ở Đại học Nông - Lâm Bắc Giang, Đại học Lâm nghiệp… Tuy nhiên, có bao nhiêu học viện, sản phẩm cụ thể, có bao nhiêu đề án khởi nghiệp của học sinh có thể thương mại hóa, có bao nhiêu cơ sở đào tạo có các mô hình thực nghiệm để học sinh thực hành... vẫn là những câu hỏi lớn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kể rằng, ông đến một cơ sở đào tạo hàng đầu nhưng rất buồn bởi không hề có một sản phẩm “cây nhà lá vườn” nào mang ra đãi Bộ trưởng cả. “Ngoài khơi gợi, lan tỏa tình yêu của các em với ngành nông nghiệp, cần phải có những chính sách hỗ trợ, đồng hành với các mô hình khởi nghiệp thực chất, tránh hình thức”, Bộ trưởng gợi mở

Bình luận