Tre tứ quý giúp đồi cằn 'đẻ ra tiền'

Bình luận · 96 Lượt xem

HÀ TĨNH Chi phí ít, không kén đất, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, đầu ra ổn định, trồng tre tứ quý đang là hướng đi mới đầy triển vọng cho vùng núi Hà Tĩnh.

Cây măng tre tứ quý phát triển rất tốt ở cả đất đồi bạc màu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây măng tre tứ quý phát triển rất tốt ở cả đất đồi bạc màu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Mạnh dạn chuyển đổi hơn 2ha đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng cây tre tứ quý, anh Cao Xuân Hoàn, chủ trang trại Đại Ngàn tại thôn 6, xã Đức Bồng (Vũ Quang, Hà Tĩnh) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Trên diện tích đất đồi hơn 2ha, anh Hoàn đã trồng nhiều loại cây ăn quả nhưng công chăm sóc nhiều mà hiệu quả kinh tế lại không cao. Qua nhiều trăn trở, tìm hiểu từ báo, đài, mạng internet, anh thấy cây tre tứ quý khá phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở địa phương nên đã mạnh dạn bỏ ra 35 triệu đồng đặt mua 1.000 cây giống tre tứ quý tại tỉnh Tây Ninh về trồng. 

Tre tứ quý dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tre tứ quý dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây tre tứ quý có nguồn gốc từ Đài Loan, được trồng ở nước ta vài năm trở lại đây. Đây là giống tre dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất, đặc biệt có thể trồng trên các loại đất bạc màu. Cây cho thu hoạch măng quanh năm, năng suất, chất lượng măng thơm ngon, sản phẩm qua chế biến có màu vàng bắt mắt nên rất được thị trường ưa chuộng. Nhờ sự quyết tâm, chịu khó, sau gần 4 năm bén rễ trên đất đồi Vũ Quang, cây tre tứ quý đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh Hoàn.

Theo anh Hoàn chia sẻ: Trung bình 1.000m2 trồng 100 cây tre, mỗi cây cách nhau 3m, hàng cách hàng 3m. Tre tứ quý trồng khoảng 8 tháng bắt đầu cho thu hoạch măng đợt đầu tiên, đến tháng thứ 10 trở đi mỗi bụi tre có thể cho 10 cây măng/tháng, mỗi cây măng đạt từ 1,5 - 1,7kg. Giá măng dao động từ 15.000 - 45.000 đồng/kg, tùy thời điểm.

Bên cạnh lấy măng, mỗi năm anh Hoàn còn xuất bán ra thị trường từ 5.000 - 7.000 nhánh tre giống với giá từ 25.000 - 30.000 đồng/nhánh, đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình. Ngoài ra, lá tre cũng được nhiều người tìm đến mua để sử dụng cho việc gói bánh với giá trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. Tính hết các nguồn thu từ cây tre tứ quý, hàng năm gia đình anh Hoàn thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Măng tre tứ quý ngon, giòn, ngọt, không bị hậu vị đắng, khi luộc có màu vàng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Măng tre tứ quý ngon, giòn, ngọt, không bị hậu vị đắng, khi luộc có màu vàng tự nhiên nên được người tiêu dùng rất ưa chuộng, giá bán cao. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cây tre tứ quý cho thu hoạch măng 10 tháng liên tục trong năm, chỉ nghỉ 2 tháng thay lá. Anh Hoàn cho biết trồng tre tứ quý để lấy măng không đòi hỏi kỹ thuật cao, trong quá trình canh tác người trồng cần thường xuyên phát dọn cành vô hiệu để tạo môi trường thông thoáng, vun gốc cao, giữ ẩm cho gốc tre để kích thích ra măng non. Mỗi năm nên tiến hành đốn bỏ những cây tre già trong vườn để lứa măng tơ phát triển, mỗi bụi chỉ giữ lại 2 - 3 cây để tre nhanh cho măng to, múp.

"Măng tre tứ quý có đặc điểm vỏ xanh, không lông, thịt trắng, không có hậu vị đắng như các loại măng khác, khi luộc qua lửa măng có màu vàng tự nhiên. Ưu điểm của cây tre tứ quý là không bị sâu bệnh gây hại nên khi trồng không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, măng được thu hoạch trong ngày để bán, đảm bảo độ tươi ngon nên khách hàng rất ưa chuộng", anh Hoàn cho hay.

Chia sẻ về hiệu quả của mô hình trồng tre tứ quý, anh Hoàn cho biết cây trồng này có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, tre không kén đất, chỉ cần bón lót phân lân, phân chuồng và tưới nước đầy đủ là cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt, trồng tre tứ quý một lần cho thu hoạch măng trên chục năm.

Tận dụng nguồn thân cây tre già cỗi và các nhánh tre cắt bỏ trong quá trình chăm sóc, anh Hoàn đầu tư xây dựng thêm chuồng nuôi dúi với quy mô 150 con. Sau hơn 1 năm, đàn dúi đã lên tới 400 con. Anh đang nhân đàn và bán dúi giống cho các hộ tại địa phương. Với hiệu quả mô hình trồng tre và nuôi dúi, anh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Hiện nay, cùng với việc tập trung phát triển, xây vựng vườn tre tứ quý thành điểm đến dã ngoại miễn phí, anh Hoàn cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, liên kết mở rộng mô hình trồng cây tre tứ quý với các hộ nông dân. Với thị trường tiêu thụ măng tre tứ quý khá ổn định, anh Hoàn đang hướng đến chế biến sâu các sản phẩm từ măng như măng tươi, măng chua, măng khô... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng thành sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương.

Hiện anh Hoàn đã chế biến sâu sản phẩm từ măng tre, hướng tới tạo sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện anh Hoàn đã chế biến sâu sản phẩm từ măng tre, hướng tới tạo sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP của địa phương. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Vũ Quang, mô hình trồng tre tứ quý của anh Cao Xuân Hoàn là mô hình đầu tiên tại Vũ Quang nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Sau gần 4 năm trồng, cây tre tứ quý cho thấy rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một số bà con nông dân trên địa bàn đã đến học tập kinh nghiệm trồng, chăm sóc và mua cây giống về trồng. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ phối hợp với hộ dân tiếp tục theo dõi, hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng cây tre tứ quý ở những khu vực đất đai thích hợp.

Bình luận