Nhân lực đông nhưng chưa mạnh
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan cho rằng, nguồn nhân lực chính là gốc rễ để hiện thực hóa chủ trương lớn về nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp tuy đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao, tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn còn rất lớn...
Nguyên nhân chính là do các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp gặp quá nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp hiện nay chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước, tuy nhiên số lượng sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chỉ chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2016 - 2020, số học sinh, sinh viên đăng ký các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản đã giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký học.
Đó là thực trạng đặt ra rất nhiều nhiều thách thức đối với sự phát triển ngành nông nghiệp, nhất là trước những đòi hỏi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Hun đúc tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên
Thưa Giáo sư, như loạt bài “Bắt bệnh, bốc thuốc" đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp" mà Báo Nông nghiệp Việt Nam phản ánh, các cơ sở đào tạo hiện nay gặp quá nhiều khó khăn, vậy theo Giáo sư, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp?
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, theo tôi Nhà nước, các bộ, ngành, các cơ sở đào tạo cần phải triển khai một số giải pháp đồng bộ.
Cụ thể là truyền thông, phổ biến, làm sâu sắc, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự thống nhất trong nhận thức của toàn xã hội, từ các cấp, các ngành, các địa phương, từ cơ sở đào tạo đến các trường phổ thông về tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước. Cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu nguồn nhân lực, các lĩnh vực mà đất nước đang cần. Có chính sách khuyến khích sinh viên vào học các ngành xã hội có nhu cầu cao nhưng khó tuyển sinh như khoa học đất, nông học, thủy sản, công nghệ sau thu hoạch…
Đặc biệt, cần phải có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở có thế mạnh về đào tạo nguồn nhân lực những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu hoặc các ngành khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu. Sớm rà soát quy hoạch các cơ sở đào tạo của Bộ NN-PTNT để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nâng cấp các cơ sở đào tạo đảm bảo đào tạo có chất lượng.
Các cơ sở đào tạo tập trung rà soát các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để sinh viên ra trường có chất lượng tốt, tay nghề giỏi, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Rà soát các chương trình đào tạo bám sát với nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như các chuyên gia, lãnh đạo, kỹ sư…, cũng cần chú trọng đến chất lượng của việc đào tạo, tập huấn ngắn hạn, đào tạo kỹ năng, kiến thức người dân, đào tạo người dẫn dắt tại các cộng đồng, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thông qua các mô hình cụ thể, có hiệu quả cao. Làm tốt công tác kết nối cơ sở đào tạo - doanh nghiệp – xã hội để đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn…
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện các giải pháp đó như thế nào, thưa Giáo sư?
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành thực tế tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng những thay đổi từ thực tiễn, nhanh chóng đưa các tiến bộ mới về cơ giới hóa, tự động hóa… vào sản xuất nông nghiệp, mở ngành nghề để đáp ứng nguồn nhân lực cho chuỗi liên kết từ khâu sản xuất nông sản, thực phẩm, chế biến, đến thương mại hóa kết hợp kinh doanh.
Một số ngành khác cũng đã được ưu tiên mở mới, cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo như: Cơ điện tử, Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa, Công nghệ và Kinh doanh thực phẩm, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Thương mại điện tử, Kinh doanh nông nghiệp...
Để nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi đã thực hiện một số giải pháp chính, trong đó yếu tố tiên quyết là phải nâng cao nhận thức cho cán bộ và sinh viên về ngành nông nghiệp. Đặc biệt là truyền cảm hứng, tạo cho người học có ý chí khát vọng, có trách nhiệm với gia đình, xã hội và cộng đồng, có tinh thần nỗ lực, quyết tâm vượt khó, có tình yêu quê hương, tự hào dân tộc, yêu nông nghiệp…
Chúng tôi không ngừng nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ, từ thầy cô giảng viên, cán bộ quản lý đến cán bộ hỗ trợ. Đổi mới cơ chế chính sách để giảng viên, nghiên cứu viên tích cực nghiên cứu khoa học, tích cực hoạt động thực tế, sâu sát với doanh nghiệp, với địa phương, chuyển tải nhu cầu, đòi hỏi của thực tế, chuyển tải kết quả nghiên cứu vào công tác giảng dạy, đào tạo. Đổi mới, cập nhật chương trình đào tạo, chương trình không chỉ được cập nhật, đối sánh với quốc tế mà còn phải bám sát thực tiễn, bám sát yêu cầu của nhà tuyển dụng, của thị trường lao động. Sinh viên được học hỏi thực tế nhiều hơn, quá trình đào tạo được gắn với doanh nghiệp, với địa phương.
Học viện có chính sách hỗ trợ học bổng, tìm việc làm, tăng cường giáo dục kỹ năng mềm, giúp các em định hướng công việc, hun đúc tinh thần khởi nghiệp…, dạy các em phương pháp thích nghi và vượt qua khó khăn, thử thách. Trong nhiều năm gần đây, chất lượng sinh viên của Học viện được xã hội đánh giá cao. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau 1 năm luôn ở mức cao, như năm 2022 là trên 97%.
GS.TS Nguyễn Thị Lan
Hợp tác, liên kết đào đạo là cánh cửa hội nhập
Thưa Giáo sư, một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn của các cơ sở đào tạo hiện nay là tăng cường hợp tác quốc tế và liên kết với doanh nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thực hiện giải pháp này như thế nào?
Chúng tôi xác định hợp tác quốc tế là cánh cửa của hội nhập, con đường ngắn, hiệu quả để nâng tầm vị thế. Học viện có mối quan hệ hợp tác với khoảng 200 đối tác quốc tế là các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ phát triển và doanh nghiệp nước ngoài.
Trong nhiều thập kỷ qua, Học viện luôn là địa chỉ tin cậy để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các nước Lào, Campuchia, Mozambique, Angolar..., hiện cũng là cơ sở đào tạo đón tiếp nhiều thực tập sinh đến từ các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hà Lan…
Bên cạnh việc đào tạo sinh viên quốc tế, chúng tôi cũng thúc đẩy phát triển các chương trình liên kết đào tạo với các đại học uy tín, giúp sinh viên có điều kiện tiếp cận với các nền giáo dục và nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Ví dụ, cử sinh viên thủ khoa, á khoa đi đào tạo toàn phần tại Đại học Nông nghiệp Tokyo, Đại học Công nghệ Tây Nam Trung Quốc, phát phát triển chương trình đào tạo 2 + 2, tức 2 năm tại Học viện và 2 năm tại trường đối tác và nhận bằng của trường đối tác như Đại học Masey New Zealands, Đại học HAS Hà Lan, Emporia Hoa Kỳ, Kyungpook Hàn Quốc...
Gần đây, Học viện đã ký kết với các địa phương của Nhật Bản như tỉnh Miyazaki, Kagoshima…, hay các tập đoàn, tổ chức nghiên cứu và đại học của Australia, Đan Mạch, Hà Lan, Israel… để đưa sinh viên đi thực tập nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Học viện cũng phát triển chương trình thực tập tốt nghiệp cho sinh viên năm cuối ở các trường đối tác tại Hoa kỳ, Canada, Hà Lan, Bỉ... Chương trình này được tổ chức dưới dạng hợp tác hai bên giữa Học viện với các trường đại học hoặc ba bên giữa các doanh nghiệp nước ngoài và các trường đại học đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Học viện cũng tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế, hoạt động trao đổi chuyên gia, giáo sư thỉnh giảng. Ngoài ra, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc gắn "học" với "hành", hàng năm, chúng tôi hợp tác để đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, Học viện xây dựng mạng lưới liên kết với trên 200 doanh nghiệp và các tập đoàn lớn như CP Group, Doveco, ThaiBinh Seed..., phối hợp với các doanh nghiệp tham gia các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia như Chương trình vacxin, Sản phẩm quốc gia, Dự án đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học (First).